| Hotline: 0983.970.780

Thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa

Thứ Ba 04/02/2025 , 18:29 (GMT+7)

Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 231/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa.

Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi công nghệ nuôi từ vật liệu truyền thống sang công nghệ vật liệu mới. Ảnh: Hồng Thắm.

Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi công nghệ nuôi từ vật liệu truyền thống sang công nghệ vật liệu mới. Ảnh: Hồng Thắm.

Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa đặt mục tiêu chung là phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển) tỉnh Khánh Hòa theo hướng: Góp phần tăng năng suất, giá trị ngành nuôi trồng thủy sản và nâng cao thu nhập của người dân nuôi biển và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan thông qua việc giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội, hướng tới xuất khẩu thủy sản với tiêu chuẩn cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bảo vệ môi trường biển, hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững, từng bước hình thành vùng nuôi biển từ 3 đến 6 hải lý, vừa đảm bảo phát triển kinh tế biển, vừa giảm áp lực nuôi biển ven bờ.

Bảo đảm giảm thiểu xung đột về không gian phát triển giữa các ngành kinh tế tại các khu vực nuôi biển

Thời gian thí điểm nuôi biển công nghệ cao đến hết năm 2029, với mục tiêu cụ thể: Vùng biển đến 3 hải lý: Diện tích thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao đạt 240 ha, sản lượng đạt hơn 3.600 tấn.

Vùng biển từ 3 đến 6 hải lý, diện tích thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao đạt 200ha, sản lượng đạt hơn 5.100 tấn.

Đề án đặt ra 6 nhiệm vụ. Một là, phát triển sản xuất giống phục vụ nuôi biển công nghệ cao: Nghiên cứu, áp dụng những thành tựu công nghệ mới về gia hóa và chọn giống nhằm liên tục cải tiến chất lượng của con giống bố mẹ. Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong sản xuất giống để sản xuất, ương dưỡng con giống đủ số lượng, đảm bảo chất lượng phục vụ nuôi thương phẩm.

Ưu tiên nghiên cứu, chọn tạo giống phục vụ nuôi biển phù hợp với kế hoạch phát triển của tỉnh, tập trung: Nhóm cá biển (cá song/mú, cá vược/chẽm, cá chim vây vàng); Nhóm giáp xác (tôm hùm xanh, tôm hùm bông); Nhóm nhuyễn thể (mực, hàu…); Nhóm rong tảo biển (rong câu chỉ vàng, rong sụn, rong mứt, tảo biển…) và các đối tượng khác phục vụ nuôi biển.

Quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác nguồn giống thủy sản, đặc biệt quan tâm bảo vệ, khai thác hợp lý đối với một số giống loài nuôi biển đang phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên (như tôm hùm bông, tôm hùm xanh), đảm bảo không xâm hại đến nguồn lợi tự nhiên và phát triển bền vững. 

Hai là, phát triển công nghệ nuôi thương phẩm: Ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến như: Công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT) giám sát vật nuôi và an ninh, công nghệ năng lượng mặt trời, công nghệ cho ăn tự động, công nghệ giám sát môi trường tự động, công nghệ vật liệu mới vào nuôi biển nhằm tạo sản phẩm giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường và phát triển xanh.

Xây dựng tiêu chí, phân loại lồng bè ở các mức tiêu chuẩn, công nghệ cao khác nhau (phù hợp khu vực, vùng nuôi, quy mô nuôi, cấp bão chịu đựng...) để áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Nghiên cứu, áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn cho lồng bè, an toàn cho người lao động tham gia nuôi biển trước các điều kiện thời tiết không thuận lợi (gió, bão...).

Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nuôi biển tích hợp đa đối tượng, có kết hợp với du lịch biển trong điều kiện đặc thù của vùng biển tỉnh Khánh Hòa...

Nghiên cứu công nghệ trồng cấy rong tảo tạo ra sinh khối lớn cung cấp nguyên liệu cho ngành thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, sản xuất nhiên liệu sinh học và ứng dụng trong đời sống dân sinh.

Ba là, về quan trắc môi trường, chủ động chòng chống dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Duy trì hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng chống dịch bệnh các đối tượng nuôi biển. Áp dụng những thành tựu của công nghệ 4.0 nâng cao hiệu quả công tác quan trắc, cảnh báo sớm tác động môi trường và phòng chống dịch bệnh trên các đối tượng nuôi biển. Tiến tới xây dựng, vận hành hệ thống quan trắc cảnh báo sớm môi trường, dịch bệnh nghề nuôi biển một cách chủ động.

Đầu tư và áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào quản lý và sản xuất ở những vùng nuôi biển tập trung, hạn chế rủi ro, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững.

Bốn là, về dịch vụ hậu cần nuôi biển, rà soát, đánh giá về thực trạng và nhu cầu hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nuôi biển làm cơ sở đầu tư dịch vụ hậu cần nuôi biển.

Hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật liệu mới để phát triển, hoàn thiện công nghệ sản xuất lồng, bè phù hợp với từng loài thủy sản nuôi, có khả năng chống chịu sóng to, bão, thuận tiện cho theo dõi, chăm sóc, quản lý và thu hoạch.

Nghiên cứu, hợp tác, chuyển giao công nghệ, phát triển công nghệ cho việc từng bước hình thành đội tàu dịch vụ hậu cần phục vụ nuôi biển theo hướng đa chức năng, từ vận chuyển giống, thức ăn đến thu hoạch, sơ chế, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.

Hợp tác, liên kết phát triển công nghiệp phục vụ cho nuôi biển (thiết bị giám sát lồng nuôi, thiết bị giám sát môi trường tự động, hệ thống cho ăn thông minh...).

Phối hợp các lực lượng hoạt động trên biển để tổ chức đi dời người, lồng bè khi có các sự cố trên biển, đảm bảo an toàn và giảm thấp nhất về mức độ thiệt hại...

Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa đặt ra là ưu tiên nghiên cứu, chọn tạo giống phục vụ nuôi biển phù hợp với kế hoạch phát triển của tỉnh. Ảnh: Kim Sơ.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa đặt ra là ưu tiên nghiên cứu, chọn tạo giống phục vụ nuôi biển phù hợp với kế hoạch phát triển của tỉnh. Ảnh: Kim Sơ.

Năm là, về bảo quản và tiêu thụ sản phẩm: Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thu hoạch sạch (clean harvest), các công nghệ tương tự khác trong tích hợp thu hoạch và sơ chế vật nuôi trực tiếp trên biển, tạo ra sản phẩm sạch, bảo quản ở nhiệt độ thấp trước khi đưa vào chế biến sâu.

Liên kết dọc theo chuỗi sản xuất con giống, vật nuôi thương phẩm, chế biến sản phẩm đến thị trường tiêu thụ. Xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm đặc thù như tôm hùm bông, tôm hùm xanh, cá chim vây vàng, cá chẽm tại Khánh Hòa. Xây dựng bảo hộ chỉ dẫn địa lý nuôi biển.

Và sáu là, về chuyển đổi công nghệ nuôi biển đến 3 hải lý: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ vật liệu mới trong nuôi biển.

Nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư nuôi biển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, chế biến sản phẩm áp dụng công nghệ tiên tiến để tạo sản phẩm có giá trị gia tăng. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong nuôi biển.

Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi công nghệ nuôi từ vật liệu truyền thống sang công nghệ vật liệu mới.

Đánh giá tác động của chính sách hỗ trợ chuyển đổi công nghệ nuôi sử dụng vật liệu truyền thống sang lồng nuôi sử dụng vật liệu mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi công nghệ nuôi biển ven bờ tại Khánh Hòa (xây dựng mô hình thí điểm làm cơ sở để chuyển đổi).

Xem thêm
Ngư dân trúng đậm cá ngừ đầu năm

Những ngày qua, nhiều tàu khai thác cá ngừ đại dương xuyên Tết ở tỉnh Phú Yên lần lượt cập cảng, ngư dân phấn khởi vì có 'lộc biển' đầu năm.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Giải cứu rùa biển quý hiếm mắc rác lưới đánh cá

Trong chuyến tham quan trên biển, người dân đã kịp thời giải cứu một cá thể rùa biển quý hiếm khỏi đống lưới đánh cá, tránh nguy cơ bị kiệt sức và ngạt thở.

Bình luận mới nhất