| Hotline: 0983.970.780

Khánh Hòa tạo nhiều ưu đãi nuôi biển

Thứ Tư 09/08/2023 , 15:47 (GMT+7)

Ngành nông nghiệp Khánh Hòa đang xây dựng nhiều cơ chế chính sách giúp người dân hạn chế rủi ro khi nuôi trồng thủy sản, cũng như thúc đẩy phát triển nuôi biển công nghiệp.

Khánh Hòa là một trong những tỉnh có tiềm năng phát triển nuôi biển. Ảnh: KS.

Khánh Hòa là một trong những tỉnh có tiềm năng phát triển nuôi biển. Ảnh: KS.

Xây dựng cơ chế chính sách cho phát triển nuôi biển

Theo nghiên cứu đánh giá của các chuyên gia thì Khánh Hòa cùng với Quảng Ninh và Kiên Giang là 3 địa phương có tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi biển ở Việt Nam.

Theo đó, tỉnh Khánh Hòa có chiều dài đường bờ biển 385 km với 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều đầm eo vịnh kín gió như: Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang, đầm Nha Phu nên rất thuận lợi cho phát triển nuôi biển.

Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, đối tượng nuôi biển trọng điểm của tỉnh gồm tôm hùm và các loại cá biển như cá chẽm, cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng… Năm 2022, toàn tỉnh thả nuôi khoảng 68.600 lồng tôm hùm, sản lượng thu hoạch gần 1.400 tấn, còn cá biển thả gần 8.000 lồng, tổng sản lượng khoảng 9.800 tấn.

Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, thời gian qua, nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên địa bàn tỉnh chủ yếu gần bờ và ven đảo nằm trong các đầm, vịnh.

Thu hoạch cá bớp tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Thu hoạch cá bớp tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Ngư dân nuôi biển trong tỉnh chủ yếu nuôi theo quy trình truyền thống, quy mô nhỏ, hầu hết lồng nuôi làm từ vật liệu gỗ, không chịu được sóng gió lớn. Công nghệ nuôi biển bằng lồng bè của ngư dân còn lạc hậu, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu.

Một số đối tượng chưa có quy trình nuôi chuẩn hoặc chưa được nghiên cứu nuôi thử nghiệm, đa số ngư dân sử dụng thức ăn tươi, mật độ nuôi tại các vùng nuôi chưa đảm bảo dẫn đến môi trường nuôi bị ô nhiễm.

Mặt khác, nuôi biển cần vốn đầu tư lớn, thời gian nuôi dài, song sự tham gia của các doanh nghiệp lớn trên địa bàn còn ít; trong khi đó lao động tham gia nuôi biển thiếu hiểu biết về khoa học kỹ thuật và hạn chế về ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường vùng nuôi.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho nuôi trồng thủy sản trên biển còn hạn chế, chưa xây dựng được các vùng nuôi tập trung trên biển. Hiện nay, hệ thống phao tiêu, biển báo giao thông trên biển tại Khánh Hòa đã được hình thành nhưng các hệ thống đó chủ yếu cho hoạt động giao thông biển, chưa có các hệ thống phục vụ riêng cho nuôi biển…

Tỉnh Khánh Hòa đang đẩy mạnh phát triển nuôi biển. Ảnh: KS.

Tỉnh Khánh Hòa đang đẩy mạnh phát triển nuôi biển. Ảnh: KS.

Trước tình hình trên, để triển khai hiệu quả chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, đồng thời giúp đỡ người dân hạn chế rủi ro khi nuôi trồng thủy sản, ngành nông nghiệp Khánh Hòa đang tiến hành xây dựng nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi lồng nuôi sử dụng vật truyền thống sang lồng nuôi sử dụng vật liệu mới HDPE.

Đồng thời xây dựng nghị quyết hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động làm việc trên lồng bè nuôi trồng thủy sản và trên các phương tiện phục vụ cho hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với đối tượng thủy sản nuôi trên biển tại tỉnh Khánh Hòa.

Ngoài ra, trên cơ sở các chính sách của Trung ương, tỉnh Khánh Hòa cũng đã ban hành một số chính sách để phát triển thủy sản. Cụ thể Nghị quyết số 09 ngày 6/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh, trong đó có quy định về việc hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98 ngày 05/7/2018 của Chính phủ.

Nghị quyết số 04 ngày 15/5/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh, trong đó có quy định về chính sách hỗ trợ tín dụng đối với các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành, về mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ lãi suất, hạn mức vay vốn hỗ trợ lãi suất.

Thúc đẩy nuôi biển công nghệ cao

Ông Lê Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa, cho biết, nuôi biển tại Khánh Hòa đang hướng tới mục tiêu nuôi biển công nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại và phát triển xa bờ với phương thức quản lý hiện đại. Từ đó đưa ngành công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng của ngành nông nghiệp tỉnh, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

Tỉnh Khánh Hòa đang khuyến khích phát triển nuôi biển hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: KS.

Tỉnh Khánh Hòa đang khuyến khích phát triển nuôi biển hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: KS.

Sở NN-PTNT Khánh Hòa đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III xây dựng đề cương chi tiết "Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa" đã được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt.

Trong đó, xác định vị trí, đối tượng, công nghệ áp dụng để phát triển nuôi công nghệ cao vùng biển từ bờ đến 3 hải lý và vùng biển từ 3-6 hải lý. Đồng thời, đề xuất các giải pháp và các chương trình, đề án, dự án để thực hiện về chính sách, về quản lý và tổ chức sản xuất; về thức ăn, con giống, công nghệ nuôi, công nghệ hỗ trợ và dịch vụ nuôi biển; về quan trắc môi trường, phòng chống dịch bệnh; đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. 

Tháng 11/2022, Đề án đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua và đang lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, quy hoạch tỉnh Khánh Hoà thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên cơ sở các khu vực biển được quy hoạch dành cho nuôi trồng thủy sản, ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương triển khai quy hoạch chi tiết, xây dựng và phát triển các vùng nuôi tập trung tại địa phương mình quản lý, chuyển từ phương thức nuôi truyền thống sang nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.

Xem thêm
Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất