Bắt đầu là thi kết thúc học kỳ 1, vừa xong là thi thử Tốt nghiệp THPT theo đề Sở. Chưa kịp thở, vừa vào đầu tháng 6 lại thi thử theo đề trường, giữa tháng 6 lại thi theo đề trường tiếp, cuối tháng 6 lại thi thử theo đề Sở. Bước sang tháng 7 (mồng 6, 7, 8) sẽ thi thật. Như vậy, chỉ trong vòng khoảng 1 tháng rưỡi mà thi 6 lần (2 lần thi thật và 4 lần thi thử).
Thi thử thì giống hệt thi thật về mọi công đoạn và tính chất. Cũng từng ấy môn thi Tốt nghiệp, cũng độ khó tương đương, thời gian làm bài giống nhau, chấm, trả, đọc điểm… như nhau.
Bạn hãy hình dung, cứ mỗi tuần thi một lần, mỗi lần thi kéo dài khoảng 2 - 3 ngày; thi xong 1 - 2 ngày thì phát bài, thông báo điểm, tuyên dương, phê bình, chỉ trích... Rồi tuần sau lại lặp lại y sì như thế. Liên tiếp trong vòng khoảng 1 tháng rưỡi đến 2 tháng cuối năm. Đó là một sự tra tấn tinh thần khủng khiếp với bất kỳ ai. Nó gây ra một nỗi chán chường, ức chế, mỏi mệt đến lê lết cho tất cả học sinh. Nhưng thực trạng này đã diễn ra suốt nhiều năm nay.
Đó là chưa kể đến việc giáo viên cũng chỉ suốt ngày coi thi, chấm thi đến phát ngấy lên. Các môn làm bài thi trắc nghiệm thì còn đỡ, chứ môn tự luận như Văn thì sẽ thành một cực hình. Với thời gian gấp gáp, bài làm của học sinh thì dài, phần lớn là viết rất yếu, để đáp ứng tiến độ thì việc chấm ẩu không thể không xảy ra. “Đo gang chấm điểm”, “đếm ý cho điểm” là sự thật, và gần như rất khó tránh. Thế là nó vô tình gây nên ở học sinh một tâm lý nguy hại, học đánh giá sai năng lực của bản thân, hoặc trở nên tự ti, hoặc mất niềm tin.
Tại sao lại thi thử nhiều đến thế? Đối với lớp 12, đặc biệt là lớp 12 trường chuyên, thì chương trình 3 năm đã được học hết từ cuối năm lớp 10 hoặc đầu lớp 11. Từ đó về sau, khoảng 1 năm rưỡi đến 2 năm, chỉ nhai đi nhai lại chừng ấy kiến thức để đợi đến kỳ thi Tốt nghiệp (và xét đại học) cuối cấp. Nghĩa là về thực chất, cho đến khi học tới lớp 12 thì không còn gì để học nữa cả. Chỉ nhồi đi nhồi lại. Lúc này, thi thử được tăng cường ráo riết và không khoan nhượng.
Thêm nữa, thi thử là một hình thức khủng bố, nhằm ép học sinh phải học bài, để tránh bị quên. Vì lối học vẹt như hiện nay hễ cứ rời ra là quên. Để học sinh không thể qua loa đại khái, nhiều nhà trường chọn cách thông báo điểm thi thử công khai, trao thưởng cho học sinh điểm cao, phê bình học sinh điểm thấp, báo điểm về cho cha mẹ để “nắm tình hình” – như một cách thức đe dọa.
Tất cả các “phương pháp” này được huy động một cách tổng lực, toàn diện nhằm khiến học sinh không thể rời ra như việc phải liên tục múc nước đổ vào một cái thùng thủng đáy. Chỉ cần ngơi tay là nước liền cạn mất.
Học sinh rã rời, nhiều em trở nên bất cần, “muốn ra sao thì ra”; nhiều em vừa ì ạch cố gắng vừa trở nên căm ghét việc học, căm ghét tri thức, chỉ mong mau đến tháng 7 để chấm dứt cái khổ nạn đày ải vô biên ấy.
Qua những đợt thi thử liên tu bất tận cuối cấp, chúng ta thấy nền giáo dục bộc lộ những hạn chế chết người trong cách thi, cách học, trong mục tiêu giáo dục và chứng tỏ nó bị khủng hoảng trầm trọng về giá trị. Khi giáo dục sai lầm thì những biện pháp (không phải phương pháp) phi giáo dục sẽ được huy động để bù lại. Vì thế, đã sai lại càng sai. Nó đẩy đến tình trạng phản giáo dục, phi giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành các quy định để chấn chỉnh tình trạng này, cấm các trường phổ thông tổ chức thi thử tràn lan vô tội vạ như hiện nay. Song song với đó là nỗ lực cải cách để có được một phương pháp học - thi tiến bộ, nhằm phát triển con người, chứ không phải phá hủy nó như cách đáng làm.
Phụ chú: Tình trạng trên là chưa kể đến những bất công và khuất tất về tài chính. Các trường phổ thông thu tiền học thêm nhưng vì tổ chức thi thử liên miên nên học sinh không được dạy. Giáo viên vừa phải coi thi, vừa chấm bài đến phờ phạc nhưng thù lao không được trả hoặc chỉ mang tính tượng trưng. Tiền học thêm mà học sinh đã đóng đã chảy vào túi ban giám hiệu một cách rất bất công. Đó là tình trạng “ngồi mát ăn bát vàng”, không thể chấp nhận được.
Thái Hạo