Đề thi nhẹ nhàng, thí sinh dễ thở
Ngày 9/8, kì thi tốt nghiệp THPT 2020 bắt đầu trên cả nước với môn thi đầu tiên là Ngữ Văn, môn thi thứ hai là môn Toán.
Đề thi chính thức môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp THPT 2020 được đánh giá là bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo lần 2 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Phần Đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi nhỏ. Trong đó, 3 câu đầu dừng ở mức độ nhận biết.
Cụ thể: Câu 1 yêu cầu nhận biêt về một đặc điểm hình thức của ngữ liệu đọc hiểu. Câu 2 yêu cầu nhận biết về các chi tiết nội dung trong ngữ liệu đọc hiểu. Câu 3 vẫn yêu cầu nhận biết nhưng mức độ cao hơn khi cần có sự so sánh khái quát các chi tiết nội dung trong văn bản đọc hiểu.
Duy nhất câu 4 là ở mức độ yêu cầu học sinh phải vận dụng những hiểu biết về cuộc sống xã hội cùng những trải nghiệm cá nhân để thể hiện quan điểm độc lập của mình trước một nhận định rút ra từ ngữ liệu đã cho.
Trao đổi với báo NNVN về đề thi môn Ngữ văn năm nay, cô Phạm Thái Lê, giáo viên môn Văn trường THCS Marie Curie Hà Nội, đánh giá câu nghị luận xã hội là câu hay, có thể dùng để phân loại được năng lực của học sinh.
“Tuy nhiên câu hỏi vẫn có phần chung chung, học sinh THPT mới 18 tuổi, chưa đủ trải nghiệm để có thể thấu hiểu ý nghĩa của mỗi giây phút được sống trong cuộc đời, vì thế rất có thể sẽ có những bài làm chung chung, lí thuyết và thiếu tính thiết thực”, cô Lê nhận xét.
Bài nghị luận văn học đề cập đến một tư tưởng quan trọng bao trùm không chỉ trong đoạn trích Đất nước mà còn là tư tưởng chi phối toàn bộ giai đoạn văn học 1945 - 1975, tư tưởng “Đất Nước của Nhân Dân”.
Giáo viên trăn trở
Thông qua đề thi tốt nghiệp THPT 2020, cô Phạm Thái Lê cũng muốn mở ra vấn đề về việc đổi mới dạy học văn ở các trường. Cô Lê cho rằng tinh thần đổi mới việc dạy sẽ phụ thuộc vào cách ra đề.
Giáo viên môn Ngữ văn trường THCS Marie Curie Hà Nội trăn trở: "Đề thi môn Ngữ văn đã được ra theo khung quá cũ hơn 10 năm nay. Lối ra đề đã quá lỗi thời dẫn đến việc kiểm tra kiến thức rất sơ đẳng. Tất nhiên cũng cần phải có những câu để học sinh có thể 'vớt điểm' nhưng có thể ra đề với một hình thức khác, linh hoạt hơn".
Mong muốn của cô Phạm Thái Lê là làm sao để cho học sinh có thể năng động hơn trong việc sử dụng ngôn ngữ chứ không chỉ là kiểm tra về kiến thức văn học.
"Để làm được điều đó thì câu nghị luận xã hội phải chiếm ít nhất 50% quỹ điểm, câu nghị luận văn học chiếm khoảng 30%, câu hỏi về khả năng nắm bắt các đơn vị kiến thức chỉ khoảng 2 điểm thôi. Như hiện tại câu nghị luận văn học đã chiếm 50% quỹ điểm nên học sinh chỉ học với tinh thần học ý, học thuộc", cô Lê nói.
Đề thi Toán quá dễ, khó để phân loại
Nhận xét chung về đề thi môn Toán kì thi tốt nghiệp THPT 2020, thầy Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên môn Toán trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), cho rằng đề thi năm nay rất dễ, thậm chí còn dễ hơn kì thi năm 2018 và 2019. Trọng tâm bài làm chỉ nằm trong kiến thức giảm tải và cũng không quá phức tạp.
Thầy Cường chia sẻ: "Xét về tình hình dịch bệnh như năm nay thì đề được ra theo hơi hướng an toàn. Tuy nhiên nó lại an toàn quá. Đề dễ quá sẽ mất đi sự phân loại. Đề này chỉ mang tính chất xét hết tốt nghiệp chứ còn dùng kết quả để phân loại thí sinh, chọn vào Đại học thì chưa được tốt."
"Theo tôi phổ điểm môn Toán năm nay sẽ rơi nhiều vào điểm 8. Kéo theo đó là việc để lựa chọn vào những trường Đại học tốp trên sẽ có sự khó khăn, sẽ làm mất đi tính chuẩn đối với các trường đòi hỏi học sinh giỏi thật sự", giáo viên môn Toán trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) nhận định.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, trong ngày đầu tiên của kì thi tốt nghiệp THPT 2020, trên cả nước có 852.859 thí sinh dự thi môn Ngữ Văn, chiếm tỷ lệ 96,35% tổng số thí sinh đăng kí. Có 1 thí sinh bị khiển trách, 9 thí sinh bị đình chỉ do mang tài liệu và điện thoại vào phòng thi.
867.184 thí sinh dự thi môn Toán, chiếm tỷ lệ 96,78% tổng số thí sinh đăng kí. Có 4 thí sinh bị đình chỉ thi do mang điện thoại vào phòng thi.
Số thí sinh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 không thể dự thi là 26.308 tại 23 tỉnh/thành phố, chiếm tỷ lệ 2,92% tổng số thí sinh đăng ký dự thi trên toàn quốc.