| Hotline: 0983.970.780

Thị trường nông sản 2021: Lấy chủ động đối phó biến động

Thứ Năm 18/02/2021 , 08:03 (GMT+7)

Với một thị trường nông sản biến động như hiện nay, sự chủ động cần phải đến từ cả 3 chủ thể là quản lý Nhà nước, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhân dịp năm mới Tân Sửu, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT đã chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về những thuận lợi, khó khăn của nông sản trong năm 2021. Từ đó, đưa ra những giải pháp, đánh giá để vượt qua khó khăn trong năm tới.

Ngành nông nghiệp Việt Nam vừa trải qua một năm đầy biến động nhưng đã vượt qua một cách ngoạn mục, đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục. Vậy trong năm tới, nông sản Việt Nam sẽ đối diện với những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?

Chúng ta bước vào năm 2021 đan xen nhiều thách thức và cơ hội, bao gồm cả những khó khăn nội tại. Tuy nhiên, chúng ta có một lợi thế là nền tảng của sự phát triển trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là 5 năm trở lại đây. Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa của các sản phẩm nông sản và tổ chức liên kết lại sản xuất đã đem lại những hiệu quả rất tích cực.

Trong 5 năm trở lại đây, tăng trưởng của ngành nông nghiệp luôn đạt được những con số ấn tượng, ngay cả trong những thời kỳ khó khăn như năm 2020, chúng ta vẫn đạt 2,65% tăng trưởng. Bên cạnh đó, các chỉ số khác như kim ngạch xuất khẩu nông sản cũng cán mốc kỷ lục trên 41 tỷ USD hay tỷ lệ nông thôn mới, tỷ lệ che phủ rừng đều đạt chỉ tiêu.

Đó là những yếu tố góp phần định hình cho một không gian phát triển mới vào giai đoạn 2021-2030. Chúng ta thực hiện theo chiến lược phát triển xã hội và Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, đã chỉ ra những mục tiêu, tầm nhìn, dư địa để phát triển ngành nông nghiệp.

Chúng ta bước vào năm 2021 khi dịch Covid-19 đang xuất hiện thêm nhiều biến thể tại các thị trường xuất khẩu và ngay cả trong nước một số địa phương cũng có diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, đây là những điều chúng ta cần làm quen, xem đó như những thách thức phi truyền thống, bên cạnh những thách thức về thiên tai, địch họa vốn đã quen đối với ngành nông nghiệp.

Bên cạnh đó, thách thức thứ hai phải kế đến là khả năng gắn kết của các chủ thể trong việc tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Từ sản xuất đến bàn ăn của người tiêu dùng là một hành trình, yêu cầu sự liên kết, cộng hưởng của tất cả các chủ thể. Từ đầu vào, sản xuất, chế biến, tổ chức tiêu thụ, xuất khẩu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho đến khi lên tới bàn ăn của người tiêu dùng.

Nếu vai trò của một chủ thể bị nhạt nhòa hơn, sẽ không tạo ra được thành công cuối cùng. Có thể nói, việc gắn kết giữa các chủ thể sẽ là một nhiệm vụ cần được quan tâm trong thời gian tới.

Với những nền tảng như vậy, cùng với hàng loạt FTA đã được ký kết thời gian vừa qua, ông đánh giá thế nào về tiềm năng xuất khẩu nông sản chất lượng cao sang những thị trường lớn trong thời gian tới?

Trong năm 2020, Việt Nam đã ký được nhiều hiệp định thương mại tự do với EU, Anh, RCEP... rõ ràng, quy mô tiêu dùng của những thị trường này rất lớn. Tuy nhiên, ngoài yêu cầu về logicstis thì an toàn thực phẩm, chất lượng thực phẩm vào các thị trường này cũng không hề đơn giản. Điều đó có nghĩa các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam phải đạt chuẩn và đi đúng theo tín hiệu thị trường.

Theo tôi, hội nhập kinh tế quốc tế trong nông nghiệp đã rất sâu và chúng ta đã đến lúc phải thích ứng và chuyển hóa những thuận lợi nói trên thành vũ khí. Muốn làm như vậy, rõ ràng, chúng ta phải chuyển đổi nhận thức, hiểu từng hiệp định, hiểu từng lợi thế khai thác, hiểu các dự địa của mình và hiểu cả yếu tố rào cản. Từ đó, để tự vượt qua chính mình.

Năm 2021, là thời điểm chúng ta chớm thực thi các hiệp định này, những thuận lợi đầu tiên sẽ là về hàng rào thuế quan thì cần được tận dụng. Tuy nhiên, sau đó sẽ là thời kỳ chúng ta cần chuẩn bị kỹ hơn ngay từ bây giờ, để vượt qua các rào cản kỹ thuật. Thậm chí phải hiểu bạn sẽ dùng những  rào cản kỹ thuật nào với chúng ta và Việt Nam có thể dùng những rào cản nào để có thể đem lại lợi ích cho cả 2 phía.

Với vai trò là một cường quốc ở một số mặt hàng nông sản chủ lực như hồ tiêu, cao su, cà phê, gạo, rõ ràng chúng ta có quyền, để hiểu, để thay đổi nhận thức và để quyết tâm hành động.

Năm 2020, có thời điểm hàng ngàn xe nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc bị ùn ứ ở cửa khẩu Lạng Sơn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Tùng Đinh.

Năm 2020, có thời điểm hàng ngàn xe nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc bị ùn ứ ở cửa khẩu Lạng Sơn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Tùng Đinh.

Năm 2021, theo tôi, chúng ta phải cùng nhau làm quen với sự biến đổi của đại dịch Covid-19, tuyệt đối không làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu. Thứ hai, chúng ta phải thể chế hóa những kế hoạch hành động của các FTA để có thể triển khai đến các cấp, các ngành, các hiệp hội.

Ngoài ra, người tiêu dùng ở cả thành thị lẫn nông thôn đều phải chung tay với nông sản Việt, với các thương hiệu Việt để có thể giải quyết các vấn đề tiêu thụ khi xảy ra biến động như Covid-19.

Cuối cùng, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, điều mà chúng ta đã làm rất tốt trong 5 năm qua với 6 luật đã được thông qua cùng nghị định, thông tư. Tuy nhiên cần tập trung mạnh hơn vào vấn đề này, bên cạnh đó coi chế biến nông sản là một mũi nhọn có tính đột phá, thực hiện thông điệp của Thủ tướng về việc Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản tầm cỡ của khu vực.

Hiện nay, chúng ta đang thực hiện các đề án trình Chính phủ như chế biến rau củ quả, chế biến gỗ, chế biến thủy sản, những mũi nhọn của nông nghiệp Việt Nam. Từ đó, nâng giá trị thông qua chế biến, đưa con số kim ngạch xuất khẩu vượt 41 tỷ USD.

Bên cạnh những thuận lợi trên, có thể thấy còn rất nhiều khó khăn mà chúng ta chưa thể lường trước trong giai đoạn sắp tới, ông có thể chia sẻ về sự sẵn sàng, chủ động của ngành nông sản Việt Nam với các tình huống này?

Trong những năm trở lại đây, chúng ta đã rút ra được những bài học từ những biến thể của xung đột thương mại và những bài học đó sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, với một thị trường biến động như hiện nay, sự chủ động cần phải đến từ cả 3 chủ thể là quản lý nhà nước, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Thêm nữa, dù trước mắt hay lâu dài, chúng ta cũng cần phải tập trung phát triển nguồn nhân lực. Ví dụ như trong lĩnh vực chế biến nông sản, đặc biệt là lực lượng được đào tạo, lành nghề thì vẫn thiếu. Do đó, tôi rất mong các hệ thống trường Đại học, trung tâm nghiên cứu giải quyết được vấn đề này.

Với công tác thông tin, tuyên truyền, gắn liền với công cuộc chuyển đổi số và ngành nông nghiệp là 1 trong 8 ngành được ưu tiên chuyển đổi số sớm. Điều đó sẽ đem lại những giá trị rất lớn, đầu tiên đó là tất cả mọi chủ thể trong ngành nông nghiệp đều phải có trách nhiệm với việc chuyển đổi số.

Điều đáng mừng là, hiện nay, mỗi người dân đều đã có thể dễ dàng tiếp cận với không gian mạng, tham gia mạnh mẽ vào internet, đó sẽ là tiền đề tốt để chúng ta thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Từ những yếu tố nói trên, nếu trong năm 2021, nếu chúng ta làm tốt, quyết tâm thì sẽ tạo ra được sự cộng hưởng có giá trị.

Vượt qua những khó khăn, thời gian gần đây, Việt Nam thường xuyên có thêm các mặt hàng nông sản xuất khẩu tỷ USD, trong đó có những mặt hàng gây bất ngờ như rau quả, vậy ông đánh giá thế nào về những nông sản tiềm năng có thể đạt giá trị xuất khẩu tỷ USD trong thời gian tới?

Trong những năm có 2 góc độ chúng ta cần xét tới. Thứ nhất là bên cạnh những thị trường truyền thống, có những khu vực thị trường tiềm năng, ví dụ như khối Hồi giáo - thị trường thực phẩm Halal, năm qua Cục đã phối hợp với Bộ Ngoại giao để tổ chức một diễn đàn toàn cầu về vấn đề này ngay trong bối cảnh đại dịch.

Do đó, chúng ta có thể thấy rằng thế giới Hồi giáo với sự kết hợp giữa kinh tế, tâm linh và văn hóa sẽ đem lại tiềm năng cho nông sản Việt Nam với các sản phẩm như cà phê, gia vị hay thủy sản cho thị trường 2,2 tỷ dân này.

Góc độ thứ 2 là mặt hàng, hiện nay Việt Nam có khoảng 10 nông sản có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong năm tới, các mặt hàng tiềm năng đạt giá trị này sẽ là những sản phẩm lợi thế của Việt Nam, ví dụ như chanh leo với trữ lượng khoảng 10% toàn cầu, vốn đã xuất khẩu tươi sang châu Âu và sản phẩm chế biến sang Trung Quốc từ lâu. Ngoài ra còn có sầu riêng, loại quả có thể mở cửa chính ngạch đi thị trường Trung Quốc trong năm 2021.

Chanh leo là một trong những mặt hàng xuất khẩu nhiều tiềm năng của Việt Nam.

Chanh leo là một trong những mặt hàng xuất khẩu nhiều tiềm năng của Việt Nam.

Bên cạnh đó, còn nhiều mặt hàng nữa như sữa - sản phẩm đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và tiệm cận giá trị tỷ USD, tổ yến - tuy sản lượng không cao nhưng giá trị lại rất lớn, hay các sản phẩm tiềm năng như hồ tiêu, dừa, nấm...

Xin cảm ơn ông!

  • Tags:
Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Thành lập thị xã Mộc Châu trực thuộc tỉnh Sơn La

Sơn La thành lập thị xã Mộc Châu từ toàn bộ 1.072,09 km² diện tích và 148.259 dân của huyện Mộc Châu.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.