| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp tiêu thụ nông sản khi Covid-19 bùng phát trở lại

Thứ Tư 03/02/2021 , 11:09 (GMT+7)

Lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đưa ra các nhận định và giải pháp tiêu thụ nông sản trong khi một số địa phương phải giãn cách do Covid-19.

Nơi thừa nơi thiếu

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), qua nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông sản của một số địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh cơ bản đảm bảo, diễn ra bình thường.

Các địa phương vẫn tập trung sản xuất và thu hoạch cây vụ đông cũng như triển khai kế hoạch sản xuất vụ chiêm xuân 2020-2021 đảm bảo tiến độ.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chia sẻ về giải pháp cho nông sản các địa phương chịu ảnh hưởng của Covid-19. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chia sẻ về giải pháp cho nông sản các địa phương chịu ảnh hưởng của Covid-19. Ảnh: Tùng Đinh.

Tuy nhiên, tại các khu vực bị phong tỏa, cách ly thì việc sản xuất, vận chuyển, cung ứng các vật tư nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong đó, tập trung chính vào một số khu vực ở Hải Dương và Quảng Ninh.

Ngoài ra, hoạt động tiêu thụ nông sản ở địa phương gặp khó khăn đã làm cho một số sản phẩm nông nghiệp đến kỳ thu hoạch không tiêu thụ được.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đánh giá, hiện nay tại Hải Dương, ngoài lượng lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh thì còn dư khoảng 100.000 tấn rau, củ, quả và 20.000 tấn thịt, 8.000 tấn cá.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, các sản phẩm rau vụ đông ở Hải Dương có thể bị ảnh hưởng do Covid-19 nhưng vẫn có những đơn hàng từ trước chứ không phải vứt bỏ hoàn toàn. Yêu cầu đặt ra lúc này là làm thế nào để hàng hóa có thể lưu thông nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch.

Trong khi đó, tại Quảng Ninh, lượng gạo vụ mùa 2020 chỉ đáp ứng nhu cầu của nhân dân và chăn nuôi nông hộ từ tháng 11/2020 đến hết tháng 5/2021. Về thực phẩm, lượng thịt hiện tại cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong dịp tết của nhân dân trong Quảng Ninh nhưng phải điều tiết giữa các địa phương.

Đặc biệt, trong Quý I/2021, diện tích rau của Quảng Ninh đạt khoảng gần 2.000 ha, sản lượng dự kiến 32.000 tấn, đã thu hoạch và sử dụng khoảng 12.000 tấn còn khoảng 20.000 tấn. Với lượng rau còn lại này ước tính thành phẩm đạt khoảng 16.000 tấn, chỉ đáp ứng được 70-80% nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn. Do đó, cần nhập thêm rau từ các tỉnh lân cận để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Giải pháp

Với những khó khăn trên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản kiến nghị UBND tỉnh bị ảnh hưởng do Covid-19 chỉ đạo các ngành liên quan ưu tiên việc lưu thông hàng hóa để phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh và đề nghị các tỉnh lân cận tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa được vận chuyển sang các tỉnh tiêu thụ.

Hải Dương đang trong mùa sản xuất rau vụ đông với các sản phẩm như bắp cải, su hào, hành, cà rốt... Ảnh: Tùng Đinh.

Hải Dương đang trong mùa sản xuất rau vụ đông với các sản phẩm như bắp cải, su hào, hành, cà rốt... Ảnh: Tùng Đinh.

Bên cạnh đó, chỉ đạo hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng hạn chế nhập vào tỉnh các hàng nông sản tươi sống, đông lạnh; đồng thời tăng cường thu mua, dự trữ các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh vào tiêu thụ tại hệ thống.

Hiện nay, các địa phương cũng kết nối với các siêu thị, chuỗi bán lẻ ở các đô thị. Tuy nhiên, cũng cần cải tiến phương pháp phân phối, tránh người dân tập trung quá đông đến các siêu thị, nâng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Muốn được như vậy, cần có biện pháp tuyên truyền, tránh tâm lý hoang mang, tích trữ trong nhân dân.

“Chúng ta cần những hình thức tiêu dùng văn minh, đáp ứng nhu cầu của mỗi người, mỗi gia đình. Từ đó đồng hành với bà con nông dân, đón xuân một cách chủ động nhưng không chủ quan”, Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Ngoài ra, các tỉnh lưu ý, chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường các hoạt động kiểm tra giám sát đối hành vi ép giá bán nông sản để trục lợi.

Cục cũng đề xuất, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Công thương, chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện cho sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn của các tỉnh bị phong tỏa được lưu thông, tiêu thụ bình thường trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

Bộ Y tế ưu tiên xét nghiệm Covid cho các lái xe vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ và có giấy xác nhận (3-5 ngày/lần) để các lái xe có thể lái xe, vận chuyển hàng hóa ra khỏi tỉnh.

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

Nhiều vùng trũng thấp ở Nha Trang bị ngập

KHÁNH HÒA Do những ngày qua có mưa lớn kết hợp hồ chứa nước điều tiết nên nước sông Cái Nha Trang dâng cao, nhiều vùng trũng thấp tại TP Nha Trang bị ngập.