Thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã nhận được một số thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc liên quan đến vi phạm về kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam.
Các lỗi bị cảnh báo gồm: Chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (sử dụng phụ gia thực phẩm vượt ngưỡng cho phép; nấm mốc; vi khuẩn gây bệnh); Hồ sơ kèm theo hàng hóa (thiếu chứng nhận hàng hóa; hàng hóa không đúng với chứng nhận/chứng thư; hàng hóa chưa được phép nhập khẩu); Tem nhãn bao bì hàng hóa không đáp ứng quy định, yêu cầu nhập khẩu...
Bộ NN-PTNT nhận định nguyên nhân là do công tác kiểm tra, giám sát tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói bị buông lỏng dẫn đến tình trạng kiểm soát không hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật mà nước nhập khẩu quan tâm.
Ông Nguyễn Khắc Tiến - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam - đơn vị có nhiều năm xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cho biết: Tốc độ tăng trưởng của thị trường Trung Quốc đối với nông sản Việt liên tục tăng. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng của thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng đang quay về các sản phẩm nông sản chất lượng, xanh, sạch và an toàn. Nếu chúng ta không thay đổi thì rõ ràng dư địa cho việc xuất khẩu rất khó.
Toàn bộ doanh nghiệp cũng như người dân, cơ chế hỗ trợ của nhà nước đã tạo hành lang thông thoáng để nông sản Việt Nam có thể cất cánh cao hơn và xa hơn. Nhưng để làm được điều đó thì phụ thuộc chính vào sự nỗ lực của người nông dân, doanh nghiệp trong việc đảm bảo chất lượng hàng hóa nông sản. Mặt khác, chúng ta cũng cần phải sản xuất theo tín hiệu của thị trường. Khi tham gia xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc thì phải tìm hiểu rất kỹ tập quán tiêu dùng, thậm chí bao bì, tem nhãn quy định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ NN-PTNT khẳng định thị trường Trung Quốc là một thị trường lớn, tiềm năng vì ở ngay cạnh chúng ta, khẩu vị, thói quen tiêu dùng khá giống nhau. Tuy nhiên, nếu không đảm bảo được chữ "tín" thì cánh cửa rộng sẽ trở thành cánh cửa hẹp. Để phát huy hết lợi thế của mình, các doanh nghiệp cần tăng cường tính liên kết, kết nối với nhau, làm logistics tốt hơn để giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả khi xuất khẩu.
Bộ NN-PTNT khuyến cáo các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, có chiến lược về logistics, xây dựng được các kho bảo quản nông sản ở các địa phương biên giới giúp bảo quản lâu hơn, giữ được chất lượng tốt khi đến thời hạn giao hàng.
Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, ngoài yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định, các doanh nghiệp xuất khẩu cần hết sức lưu ý đến nhu cầu từng giai đoạn của thị trường này. Đơn cử như, kim ngạch nhập khẩu thanh long của Trung Quốc đang có chiều hướng chững lại và giảm dần do sự phát triển diện tích sản xuất thanh long của nước này đã đáp ứng một phần nhu cầu người tiêu dùng. Vì vậy, nếu muốn giữ vững kim ngạch xuất khẩu thanh long thì người sản xuất và doanh nghiệp phải tạo ra được những lợi thế cạnh tranh lớn hơn về giá, độ ngọt, màu sắc cho sản phẩm.
Hay với sản phẩm sầu riêng, Trung Quốc đang mở rộng khai thác từ nhiều nguồn cung với các phương thức vận chuyển khác nhau nên Việt Nam muốn chiếm lĩnh thị trường cần phải nâng cao chất lượng, giảm giá thành và giữ uy tín sản phẩm.
Hiện nay, Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT đang triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Đó là xây dựng chiến lược xuất khẩu chính ngạch, chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại. Bộ NN-PTNT tích cực hỗ trợ các địa phương xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.