| Hotline: 0983.970.780

Thị trường Trung Quốc: Đi cửa chính

Thứ Bảy 31/08/2019 , 08:25 (GMT+7)

Quan niệm của số đông cho rằng Trung Quốc là thị trường tương đối dễ tính và không có nhiều quy định quá khắt khe đối với hàng hóa, nhất là hàng nông sản của Việt Nam đã quá lỗi thời.

Giá nông sản bên kia biên giới tăng vọt

Tại TP Đông Hưng, Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây, Trung Quốc), khảo sát của PV báo NNVN cho thấy, giá các mặt hàng nông sản phục vụ sinh hoạt hằng ngày của người dân nơi đây, trong vòng 1 tháng trở lại đây, tăng chóng mặt. Nhiều người dân Đông Hưng tỏ ra rất bức xúc vì chi phí cho đời sống tăng lên, hàng hóa tươi sống lại khan hiếm.

10-39-51_5dd1f45c8502f0e7641
Nông sản khan hiếm khiến giá cả tại Đông Hưng tăng vọt.

Tại khu Phòng Thành Cảng, giá thịt lợn đã vọt lên ngưỡng hơn 67 nhân dân tệ/kg, tương đương với 220 nghìn đồng Việt Nam. Giá mực đông lạnh cũng ở mức 700 nghìn đồng/kg. Tôm thẻ chân trắng, cá thu một nắng, bạch tuộc… cũng tăng giá hơn nhiều so với tháng 6/2019.

Lý giải điều này, một thương lái người Trung Quốc chuyên nhập khẩu nông sản Việt Nam, ông Lâm Tiên Tâm, cho rằng, việc Trung Quốc siết chặt quản lý thông quan đa phần thủy sản, rau quả của Việt Nam đã khiến giá bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng này tại Đông Hưng nói riêng, Quảng Tây nói chung, tăng vọt.

Theo ông Lâm, dữ liệu mới nhất từ cơ quan thống kê của Đông Hưng cho thấy, giá thực phẩm đang tăng trung bình 19,1% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.

“Bên cạnh thịt lợn thì hoa quả, trái cây cũng tăng giá lên tới 39,1%. Trong khi chúng tôi đặt hàng chục container nông sản từ Việt Nam nhưng hiện đã phải nằm ở cửa khẩu cả tuần trời mà không được thông quan vào Trung Quốc”, ông Lâm cho hay.

Theo ông Lâm, thịt lợn là loại thực phẩm không thể thiếu trong mâm cơm của người Đông Hưng, đã tăng tới gần 80%. Loại hàng hóa này khan hiếm một phần bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi.

“Nông sản, trái cây của Việt Nam có chất lượng rất tốt và phù hợp với bữa cơm gia đình của người dân Trung Quốc. Vì vậy nhu cầu về nhập khẩu các mặt hàng này của doanh nghiệp chúng tôi là rất lớn, tăng trưởng trung bình 20% một năm. Tuy nhiên, hiện nay không thể nhập khẩu được vì chính sách của Trung Quốc siết chặt và thêm nhiều điều kiện về trích xuất nguồn gốc, về bao bì, đệm lót trái cây…”, ông Lâm bày tỏ.

Thông tin từ Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công thương), ngay từ tháng 5, Trung Quốc đã yêu cầu thay đổi vật liệu đệm, lót dưa hấu là rơm bằng các xốp lưới ni lông; với các sản phẩm mít và chuối, phía Trung Quốc khuyến cáo sử dụng giấy dai kraft để bọc và sử dụng bao bì, thùng bằng catton, trên đó ghi thông tin truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, tất cả các loại trái cây nhập khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký mẫu tem truy xuất nguồn gốc tại cơ quan hải quan của Trung Quốc và dán tem nhãn này nên trên các sản phẩm hoặc trên bao bì. Thông tin trên tem nhãn phải gồm các thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói… phải được cơ quan nước xuất khẩu, ở đây là Bộ NN-PTNT thông báo chính thức với cơ quan hải quan Trung Quốc.
 

Bước đệm để hình thành thị trường XK chính ngạch

Những năm gần đây hoa quả và nông sản là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam XK vào thị trường Trung Quốc và luôn chiếm tỷ lệ lớn trong kim ngạch XK của Việt Nam vào thị trường này. Việc Quốc vụ viện Trung Quốc chỉ định cửa khẩu Đông Hưng được phép xuất nhập khẩu hoa quả, nông sản từ tháng 4/2016 đã mở ra cơ hội kết nối vùng hoa quả, nông sản trữ lượng lớn, phong phú chủng loại của Việt Nam với Trung Quốc qua cặp cửa khẩu Móng Cái Việt Nam - Đông Hưng Trung Quốc.

10-39-51_4313de99ec8c0bd2529d
Nhiều cửa hàng bán đồ khô lên ngôi thay cho thực phẩm tươi sống.

“Những năm trước, đây là cánh cửa rộng, là điều kiện rất thuận lợi cho XK nông sản, nhất là tiểu ngạch. Tuy nhiên, dù Trung Quốc là thị trường tiềm năng, nhưng XK nông sản của Việt Nam thực sự thiếu bền vững khi phụ thuộc rất lớn vào loại hình XK này”, ông Nguyễn Văn Công, Phó GĐ Sở NN-PTNT Quảng Ninh, cho biết.

“Quy mô sản xuất của nông hộ còn nhỏ lẻ, phân tán, các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam có sức cạnh tranh kém. Trong khi đó, XK tiểu ngạch lại luôn đe dọa những rủi ro do không có ràng buộc pháp lý giữa người mua và người bán”, ông Công quan ngại.

Vậy nên gần đây, nhiều tiêu chuẩn đối với hàng hóa nhập khẩu do phía Trung Quốc đề ra đã có phần khắt khe hơn. Nếu muốn giữ chân tại thị trường này, nhà sản xuất cũng như các DN XK của Việt Nam cần khẳng định chất lượng, hiểu và tuân thủ các quy định nhập khẩu của quốc gia này.

Ông Dương Tôn Bằng, Cục trưởng Cục Thương vụ và Quản lý cửa khẩu TP Đông Hưng cho biết, hàng hóa nước ngoài nhập vào thị trường Trung Quốc phải đáp ứng yêu cầu như nhãn mác, giám sát hàng thủy sản đông lạnh và khô, giám sát đối với hàng thủy sản cấp đông không qua chế biến, thực phẩm đóng gói, hoa quả… Do đó các DN Việt Nam nên lưu ý để XK hàng hóa sang TP Đông Hưng nói riêng và Trung Quốc nói chung.

Với những thông tin ở trên có thể thấy, việc XK hàng hóa vào Trung Quốc đã được siết chặt hơn với hàng loạt các yêu cầu, quy chuẩn cao hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây chính là bước đệm để hình thành thị trường XK hàng hóa chính ngạch thuận lợi giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ngay lúc này, các DN XK của Việt Nam sẽ cần phải coi trọng và đề cao thị trường Trung Quốc giống như bất cứ thị trường khó tính nào khác trên thế giới.

Đưa ra những thách thức, khó khăn mà các DN XK nông sản của Việt Nam cần phải vượt qua khi đối diện với hàng loạt các quy chuẩn mới từ phía Trung Quốc, Giám đốc Cty Liaocheng Xinghao IM&Export Co.,Ltd, ông Shi Xin Biao, bày tỏ lo lắng khi công nghệ bảo quản, giữ tươi, điều kiện hạ tầng kho bãi của Việt Nam đang tồn tại nhiều hạn chế...

10-39-51_7f60f6213d2bd75833
Công nghệ bảo quản, giữ tươi, điều kiện hạ tầng kho bãi của Việt Nam đang tồn tại nhiều hạn chế...

“Trong vòng 10 năm tới, yêu cầu về chất lượng hoa quả, trái cây tại thị trường Trung Quốc sẽ được nâng lên cao hơn nhiều. Do đó, để đáp ứng các yêu cầu phía Trung Quốc đặt ra, Việt Nam cần phát triển công nghệ bảo quản tươi cho hoa quả cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng để lưu giữ. Bên cạnh đó, làm tốt hơn việc quản lý nguồn gốc xuất xứ, quản lý về bao bì để nhanh chóng được thông quan quy trình kiểm định kiểm dịch của Hải quan Trung Quốc”, ông Shi Xin Biao khuyến cáo.

Tại hội nghị giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc được tổ chức mới đây tại Đông Hưng, nhiều ý kiến đánh giá hợp tác thương mại giữa các địa phương Việt Nam với Quảng Tây ngày càng phát triển ổn định và bền vững. Thương mại Việt Nam - Quảng Tây luôn chiếm tỷ trọng trên 1/4 tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc.

Năm 2018, quy mô thương mại giữa Việt Nam và Quảng Tây đạt 26,73 tỷ USD, tăng 7,96% so với cùng kỳ năm 2017. Điều này là sự khẳng định đối với vai trò chiến lược và quan trọng của Quảng Tây trong hợp tác thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.