| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 22/06/2022 , 09:16 (GMT+7)
Thái Hạo

Thái Hạo

09:16 - 22/06/2022

Thi vào lớp 10: Khốc liệt, vì sao và làm thế nào?

Một câu chuyện mà ngành Giáo dục và Chính phủ nói chung phải nhìn ra vấn đề, gấp rút xây dựng chính sách để giải quyết nó càng nhanh càng tốt.

Thí sinh dự thi vào lớp 10 công lập năm 2021. Ảnh: Giang Huy/VnExpress.

Thí sinh dự thi vào lớp 10 công lập năm 2021. Ảnh: Giang Huy/VnExpress.

Có những nơi “tỉ lệ chọi” còn cao hơp cả trường đại học tốp trên. Điều này khiến dư luận vừa băn khoăn, vừa bất bình với rất nhiều câu hỏi về sự chính đáng, hợp lý, công bằng của một kỳ thi ở cấp THPT. Cái gì gây nên tình trạng này?

Đầu tiên là tỉ lệ quy định. Với chỉ tiêu khoảng 70% học sinh THCS được đậu vào THPT công lập, chính điều này đã tạo ra một cuộc đua sinh tử. Vì sao sinh tử? Vì học phí trường tư rất cao. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, bình quân 1 người đi học tại trường công lập hơn 6,1 triệu đồng/người/năm, thấp hơn nhiều so với trường dân lập (25,3 triệu đồng/người/năm) và tư thục (17,8 triệu đồng/người/năm).

Như thế, chỉ tính riêng học phí, nếu đỗ được vào công lập thì sẽ tiết kiệm được từ 3 - 4 lần. Với điều kiện kinh tế trung bình của người dân Việt Nam hiện nay, mỗi năm đóng học phí cho một đứa con là khoảng trên dưới 20 triệu đồng, số tiền ấy quá lớn. Đó là chưa kể tới việc hệ thống trường tư quá ít nên việc đi học xa nhà cũng là một trở ngại bên cạnh vấn đề học phí.

Đây là một bất cập quá lớn. Đáng ra, với một xã hội phát triển hài hòa thì tỉ lệ trường tư và học sinh học trường tư phải cao hơn hẳn trường công thì hiện nay ở ta lại ngược lại. Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020 có 95% học sinh học trường công lập, chỉ có 5% học tư thục.

Thử so sánh. Trong nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa, ngay từ năm học 1960 - 1961 học sinh tư thục đã là 51%, bán công là 14%, công lập chỉ có 35%. Tỉ lệ này tăng dần theo chiều chuyển dịch về phía tư thục trong các năm tiếp theo. Tóm lại, trong nền giáo dục VNCH, trường tư là chủ đạo.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là hệ thống trường tư của VNCH phải nộp học phí không quá cao do chính sách học bổng và đặc biệt là hệ thống các trường của tôn giáo thì gần như miễn phí.

Một điểm đặc biệt cần lưu ý nữa, ở giáo dục VNCH thì công lập là miễn phí hoàn toàn. Chính vì thế mà các kỳ thi vào công lập cũng rất khốc liệt, và tỉ lệ đỗ cũng rất thấp, cá biệt ở những trường nổi tiếng chỉ khoảng 10% thí sinh là trúng tuyển.

Như vậy, vấn đề ở đây không phải là thi khó hay thi dễ, cũng không phải là tỉ lệ đỗ công lập thấp hay cao, càng không phải là mở cửa cho vào đại trà để ai cũng được học hết cấp 3 như cái cách một số người đang quan niệm; mà là phải đa dạng hóa các mô hình trường học. Trường công không thể chiếm áp đảo, vì như thế không ngân sách nào kham nổi mà chất lượng giáo dục cũng khó mà đảm bảo được.

Đa dạng hóa các mô hình trường học không chỉ ở phương diện sở hữu mà còn cả về mô hình đào tạo. Phải “chạy” cùng lúc nhiều chương trình để đáp ứng cho đa dạng đối tượng người học, như loại trường để chuẩn bị cho học sinh vào đại học, như loại trường để học sinh học nghề, như các trường kỹ thuật, như các trường dành cho những năng khiếu đặc thù…

Tháo gỡ theo chiều hướng này không những giảm áp lực trong kỳ thi vào lớp 10 mà còn đáp ứng đúng chủ trương phân luồng, hướng nghiệp theo tinh thần của chương trình 2018.

Nếu không giải quyết cái gốc là sự đa dạng mô hình trường học thì những cuộc thi vào lớp 10 khiến học sinh nhảy lầu ngay sau đó sẽ không thể chấm dứt được.

Nhà nước phải tạo ra một nền giáo dục mà ở đó đáp ứng được nhu cầu và điều kiện hết sức đa dạng của xã hội; chứ không phải dùng kỹ thuật thi cử để làm giải pháp “ngăn chặn” con đường học hành của trẻ em.

Câu chuyện về thi vào lớp 10 mà chúng ta đang bàn buộc ngành Giáo dục và Chính phủ nói chung phải nhìn ra vấn đề và gấp rút xây dựng chính sách để giải quyết nó càng nhanh càng tốt.

Đây cũng là một cách để giảm gánh nặng ngân sách, đồng thời xã hội hóa giáo dục về mọi mặt – không phải chỉ xã hội hóa về phương diện tài chính, mà còn là nguồn lực chất xám xã hội.

Một nền giáo dục năng động là nền giáo dục đa dạng các mô hình trường học và sự tham gia của nhiều thành phần xã hội, trong đó có không ít những triệu phú, tỉ phú, trí thức và nhà giáo tài giỏi sẽ tham gia gánh vác, chia sẻ và công hiến.

Vai trò của Nhà nước là thiết kế để huy động tổng lực chứ không phải là “ôm cả, làm tất”.

Giải bài toàn này với gợi ý lời giải như trên không chỉ giúp nhà nước bớt được gánh nặng mà còn đào tạo một cách hiệu quả nguồn nhân lực cho quốc gia. Nếu để tình trạng lực bất tòng tâm này còn kéo dài thì tất cả đều thiệt hại, mà mất mát lớn nhất là thuộc về tương lai của đất nước.

Thái Hạo

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm