| Hotline: 0983.970.780

Thị xã Phổ Yên đền bù 58.113 m2 đất không đúng đối tượng?

Thứ Sáu 31/07/2020 , 10:56 (GMT+7)

Phát hiện "người lạ" được nhận tiền đền bù đất trong xóm Coong Lẹng và xóm 4, xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên, một số hộ dân đã phản ứng…

Đất đã được chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng nhưng người dân lại chưa được nhận. Ảnh: VB.

Đất đã được chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng nhưng người dân lại chưa được nhận. Ảnh: VB.

Trong đơn gửi các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên, người dân xóm Coong Lẹng và xóm 4 xã Phúc Thuận đã cho rằng: Trong quá trình thu hồi đất làm Dự án cụm công nghiệp  do Nhà máy Z131 làm chủ đầu tư đã có sự nhầm lẫn trong công tác đền bù, dẫn đến một số người không phải dân trong xóm, không có hộ khẩu tại xã Phúc Thuận cũng được nhận tiền đền bù…

Ban tiếp công dân tỉnh Thái Nguyên đã chuyển kiến nghị của nhân dân xóm Coong Lẹng về thị xã Phổ Yên giải quyết theo thẩm quyền.

Ban tiếp công dân tỉnh Thái Nguyên đã chuyển kiến nghị của nhân dân xóm Coong Lẹng về thị xã Phổ Yên giải quyết theo thẩm quyền.

Trở lại sự việc: Ngày 30/8/2006 UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 1808/QĐ-UBND về việc thu hồi đất, giao đất cho Nhà máy Z131 để xây dựng cụm công nghiệp với diện tích là 2.129.139m2 (212,9ha) bao gồm: 155,1ha đất của các hộ gia đình; 54,6ha đất của Công ty chè Bắc Sơn và 3,15ha đất do UBND xã Phúc Thuận quản lý.

Căn cứ vào bản đồ địa chính   UBND huyện Phổ Yên (sau này là thị xã Phổ Yên) đã chủ trì, phối hợp với Nhà máy Z131 thành lập tổ công tác, thực hiện công tác thu hồi đất, kiểm đếm, bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định.

Ngày 17/7/2007, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng tại Quyết định số 1372/QĐ-UBND và Quyết định số 1373/QĐ-UBND với tổng kinh phí phê duyệt là 95 tỷ đồng.

Toàn bộ kinh phí bồi thường, hỗ trợ đã được Nhà máy Z131 thực hiện thanh toán, chi trả cho các hộ dân. Sau đó, toàn bộ phạm vi đất đai, ranh giới đất cũng đã được bàn giao cho Nhà máy Z131 quản lý.

Tuy nhiên, năm 2018, để phục vụ công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Nhà máy Z131 đã thuê đo lại toàn bộ diện tích đã được phê duyệt trên nền bản đồ đo đạc phục vụ công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, thì phát hiện có sự sai khác về diện tích và ranh giới tại khu vực xóm Coong Lẹng, xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên.

Theo đó, diện tích đất trên thực địa thiếu so với Quyết định 1808/QĐ-UBND ngày 30/8/2006 của UBND tỉnh Thái Nguyên khoảng 6ha và đã xác định diện tích đất bị thiếu nằm ở xóm Coong Lẹng, xã Phúc Thuận, trong đó bao gồm cả đất ở và đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, diện tích đất nói trên vẫn được người dân sử dụng và canh tác ổn định từ trước đến nay, không có tranh chấp với bất cứ tổ chức hay cá nhân nào, đặc biệt là chưa có bất cứ tổ chức hay cá nhân nào đề cập đến việc sẽ thu hồi đất tại khu vực này. Còn theo tìm hiểu của phóng viên, diện tích đất này đã được chủ đầu tư chi trả tiền giải phóng mặt bằng từ năm 2008 và 2009, đã có người ký nhận tiền thu hồi đất.

Trong danh sách nhận tiền đền bù đất nông nghiệp, đã xuất hiện một số người lạ, vì không có hộ khẩu tại xã Phúc Thuận, làm người dân nghi có sự nhầm lẫn.

Trong danh sách nhận tiền đền bù đất nông nghiệp, đã xuất hiện một số người lạ, vì không có hộ khẩu tại xã Phúc Thuận, làm người dân nghi có sự nhầm lẫn.

Cụ thể: bản phụ lục kèm theo Công văn số 243/UBND-TNMT ngày 2/3/2020 của UBND Thị xã Phổ Yên cho thấy, diện tích đất đã chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng ở xóm Coong Lẹng có tổng cộng 14 thửa, với tổng diện tích là 58.113m2, được 6 lượt chủ hộ đứng tên nhận tiền bao gồm các hộ: bà Đoàn Thúy Hằng, ông Nguyễn Duy Ngọc, ông Nguyễn Huy Hoàng, ông Lê Xuân Trứ, ông Nguyễn Văn Toản và ông Lê Xuân Trà.

Thế nhưng, điểm bất thường là tất cả những người có tên trong bản ký nhận tiền nói trên, đều không có hộ khẩu thường trú tại xóm Coong Lẹng, thậm chí có tới 3 trường hợp không phải là công dân của xã Phúc Thuận đó là bà Đoàn Thúy Hằng, ông Nguyễn Duy Ngọc và ông Nguyễn Huy Hoàng.

Mặc dù không phải là người địa phương, song theo bản phụ lục nêu trên, tên bà Hằng, ông Ngọc, ông Hoàng xuất hiện trong bản ký nhận tiền đền bù với tổng diện tích đất là 31.212m2. 

Trong khi đó, theo một số hộ dân xóm Coong Lẹng, các thửa đất có tên người khác ký nhận tiền đền bù, đều nằm trong phần diện tích đất mà bà con đã được nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời đang sử dụng ổn định  từ trước đến nay.

Bà Lê Thị Mền (xóm Coong Lẹng, xã Phúc Thuận) cho biết, gia đình bà có một số thửa đất nằm giáp ranh với dự án. Năm 2008 - 2009 thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án này, diện tích đất của gia đình bà không nằm trong quy hoạch của dự án.

Tuy nhiên, thời gian gần đây đơn vị đo đạc đã đánh dấu mốc giới chồng lấn lên một số thửa đất vườn, thậm chí cả đất thổ cư của gia đình. Gia đình bà rất hoang mang, lo lắng, bởi từ trước đến nay bà vẫn canh tác ổn định, không có tranh chấp.

Còn ông Cao Văn Thắng cho biết, ngày 17/12/1999 gia đình ông được UBND huyện Phổ Yên cấp GCNQSDĐ trồng rừng diện tích là 17.500m2. Năm 2005, Nhà máy Z131 đã đền bù cho gia đình ông là 2.000m2, còn lại 15.500m2 gia đình ông vẫn canh tác và quản lý từ đó đến nay.

Thế nhưng, ngày 29/11/2019 gia đình ông nhận được thông báo của Nhà máy Z131 là diện tích đất 15.500m2 của gia đình ông đã nằm trong quy hoạch và đã đền bù rồi, nhưng trên thực tế ông không hề biết gì về việc này?

Với nhiều uẩn khúc như trên, các hộ dân xóm Coong Lẹng và xóm 4, xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên rất mong muốn chính quyền và cơ quan chức năng sớm xác định rõ mốc giới giữa dự án với đất ở, đất sản xuất của nhân dân và vì sao lại có sự thiếu hụt diện tích lên đến gần 6 ha so với hồ sơ thu hồi? Đặc biệt là ai lỡ "cầm nhầm" hay cán bộ nào "có ý" tính nhầm tiền đền bù của dân xóm Coong Lẹng cũng cần phải được cơ quan điều tra làm rõ? 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.