| Hotline: 0983.970.780

Thiên tai diễn biến phức tạp, cực đoan, trái quy luật

Thứ Năm 07/07/2022 , 09:46 (GMT+7)

Ngày 6/7, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (PCTT - Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Tổng cục Phòng chống thiên tai ngày 6/7. Ảnh: Đức Minh.

Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Tổng cục Phòng chống thiên tai ngày 6/7. Ảnh: Đức Minh.

6 tháng đầu năm, thiên tai làm thiệt hại hơn 4.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của Tổng cục PCTT, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình thiên tai tại Việt Nam diễn ra phức tạp, cực đoan trái quy luật. Mưa lũ trái mùa kèm theo giông, lốc lớn trên diện rộng từ ngày 30/3 - 2/4 tại khu vực miền Trung gây thiệt hại rất nặng nề đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Từ 15/4 - 28/4 đã liên tiếp xảy ra 41 trận động đất trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trong tháng 4, 5 đến giữa tháng 6, nhiều đợt mưa lớn kéo dài với các giá trị vượt mức lịch sử tại Bắc bộ, như tại tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Láng (Hà Nội)…

Bên cạnh đó, mưa lớn kéo dài ở miền Bắc đã gây sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, ngập lụt đô thị, khu công nghiệp (đặc biệt ngập lụt các khu vực đô thị như Hà Nội, Vĩnh Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang,..). Các hồ chứa Sơn La, Hoà Bình, Tuyên Quang đã phải vận hành xả lũ và duy trì trong một thời gian khá dài, đây là một năm hiếm thấy kể từ khi hệ thống liên hồ chứa đi vào khai thác, vận hành. Mực nước trên một số tuyến sông thuộc hạ lưu hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đã lên báo động 2, báo động 3 có nơi trên báo động 3, đe doạ an toàn hệ thống đê điều.

Tính đến ngày 4/7, thiên tai đã làm 73 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước khoảng 4.025 tỷ đồng (gấp 2,7 lần thiệt hại về người và 24 lần thiệt hại về kinh tế so với 6 tháng đầu năm 2021).

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo đó, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022, Tổng cục PCTT đã ban hành kế hoạch công tác trọng tâm của Tổng cục, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt; hàng tháng đều có kiểm điểm đánh giá kết quả thực hiện.

Chia sẻ về dự báo tình hình thiên tai cuối năm 2022, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết, qua theo dõi, đánh giá và tham khảo từ dự báo quốc tế, từ nay đến cuối năm, Việt Nam vẫn còn chịu tác động bởi hiện tượng La Nina với xác suất khoảng 65%. Bên cạnh đó, xác suất xảy ra mưa nhiều hơn trung bình nhiều năm 20 - 35%, đặc biệt là tại khu vực miền Trung vào cuối tháng 10, tháng 11.

Khu vực miền Trung có thể xuất hiện lũ lớn vượt mức lịch sử năm 2020

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trong năm 2022 sẽ có khoảng 10 - 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó 4 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Bão sẽ xảy ra dồn dập và có cường độ mạnh trong những tháng cuối năm.

Mưa từ tháng 7 - 9 ở khu vực Bắc bộ cao hơn từ 15 – 30% so với trung bình nhiều năm; từ tháng 10 - 11/2022, khu vực Trung, Nam Trung bộ và Tây Nguyên nguy cơ cao xảy ra mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 30 - 60%, có nơi trên 70% (với xác suất khoảng 60-90%); các sông tại Trung bộ và Tây Nguyên khả năng xuất hiện 2 - 3 đợt lũ lớn.

Với nhận định về lượng mưa như trên, khu vực miền Trung, Tây Nguyên năm 2022 có thể xuất hiện lũ lớn, diễn biến phức tạp, thậm chí vượt mức lịch sử năm 2020.

Ông Hoàng Đức Cường đưa ra 3 lưu ý về dự báo hiện tượng thiên tai cuối năm 2022. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Hoàng Đức Cường đưa ra 3 lưu ý về dự báo hiện tượng thiên tai cuối năm 2022. Ảnh: Phạm Hiếu.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ông Hoàng Đức Cường đã đưa ra 3 lưu ý về dự báo hiện tượng thiên tai cuối năm 2022.

“Thứ nhất, bão và mưa lớn sẽ có khả năng tập trung trong 2 tháng 10 và 11 tại khu vực Trung bộ. Tuy không cấp tập và cường độ lớn như năm 2020 nhưng đang có dấu hiệu tập trung lớn hơn hẳn trung bình nhiều năm, dẫn đến nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất tại khu vực”, ông Hoàng Đức Cường thông tin.

Thứ hai, lãnh đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn đưa ra dự báo lượng mưa vượt trung bình nhiều năm tại Bắc bộ vào mùa mưa, do đó nhiều khả năng xuất hiện lũ ở khu vực sông Hồng, sông Thái Bình vào cuối tháng 7 đầu tháng 8. Cường độ mưa cực đoan ở vùng núi cũng nhiều hơn, hiện tượng lũ quét, sạt lở đất theo đó sẽ xảy ra thường xuyên hơn năm 2021.

Thứ ba, lũ ở ĐBSCL lớn hơn tương đối so với nhiều năm gần đây, ở mức báo động 1 và cao hơn báo động 1 xảy ra vào cuối tháng 10. Nền nước ở năm nay cao hơn rất nhiều so với nhiều năm trước.

Dự báo nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất sau mưa lớn cuối năm 2022. Ảnh minh họa: TL.

Dự báo nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất sau mưa lớn cuối năm 2022. Ảnh minh họa: TL.

“Mùa mưa bão năm 2022 đang đến sớm hơn với những diễn biến cực đoan và phức tạp. Dấu hiệu của lũ quét và sạt lở đất đã bắt đầu xuất hiện ở nhiều khu vực miền núi phía Bắc thời gian qua. Đây cũng là năm đầu tiên từ khi xây dựng hồ chứa Hòa Bình đến nay, chúng ta phải xả lũ khẩn cấp trước mùa mưa lũ tới 5 cửa xả”, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, chia sẻ.

Theo đó, ông Trần Quang Hoài cho biết, trước những diễn biến phức tạp, cùng với dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT cũng như các Bộ ban ngành đã có những chỉ đạo một cách cụ thể, quyết liệt những hành động chi tiết cho từng khu vực, từng vùng miền, từng địa phương để bảo vệ an toàn cho người dân và các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội.

“Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần chủ động rà soát nguy cơ rủi ro đến tất cả các đối tượng, đặc biệt là khu vực người dân ở khu vực thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt cũng như khu vực ven biển. Ngoài ra, cần chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản cho việc ứng phó với thiên tai. Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đã hướng dẫn các địa phương kịch bản cụ thể cho từng nội dung công việc cần triển khai”, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT nhấn mạnh.

Cùng với đó, ông Hoài cho rằng cần khẩn trương triển khai xây dựng các công trình trong lĩnh vực PCTT và bảo vệ những công trình đang thi công tại khu vực có nguy cơ rủi ro như khu vực miền núi, khu vực khai thác khoáng sản, các tuyến ngầm tràn, các tuyến đường giao thông…

Kết luận Hội nghị, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị thời gian tới, Tổng cục PCTT tập trung phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng giải quyết dứt điểm vấn đề quy trình vận hành liên hồ chứa.

“Chúng ta cần tính toán quy trình vận hành trước lũ sớm để đón lũ chính vụ. Cuối mùa lũ chính vụ có thể tính toán để tích nước tốt hơn. Phải đảm bảo cuối mùa lũ, chúng ta tích được nhiều nước nhất có thể nhưng vẫn đảm bảo an toàn”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục PCTT tiếp tục sửa đổi, bổ sung và triển khai có hiệu quả Bộ chỉ số đánh giá năng lực PCTT cấp tỉnh. Thứ trưởng cũng đề nghị các tỉnh căn cứ Bộ chỉ số này để xây dựng tiêu chí đánh giá năng lực cấp huyện.

Song song, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị Tổng cục sửa đổi, xây dựng, bổ sung các quy chế, quy định hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT theo hướng nâng cao năng lực, hiệu quả.

Đặc biệt, về vấn đề kiện toàn bộ máy của Tổng cục PCTT trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu sau kiện toàn đơn vị cần xác định công tác sắp xếp bộ máy để mạnh lên, phải tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả.

Xem thêm
Đề nghị kỷ luật loạt cán bộ dính vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật các ông Mai Tiến Dũng, Dương Văn Thái, Phạm Thái Hà... do liên quan vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Nông nghiệp Hà Nội được nhiều người biết đến nhờ thông tin tuyên truyền

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp của Thủ đô năm 2023 đã đạt tốc độ tăng trưởng 2,74%.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phát hiện thi thể không nguyên vẹn dưới chân cầu Long Biên

Cảnh sát xác định nạn nhân là nam giới đã chết khoảng hơn 1 tháng, thi thể đã bị phân hủy, khô lại, không còn nguyên vẹn và hiện chưa rõ danh tính.