| Hotline: 0983.970.780

Thiết kế mô hình người đứng đầu phụ thuộc vào dân

Thứ Sáu 20/07/2018 , 15:05 (GMT+7)

Đề cập đến chủ trương “Bí thư cấp ủy không phải người địa phương”, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, giải pháp tốt hơn là thiết kế một mô hình mà người đứng đầu phụ thuộc vào người dân chứ không chỉ phụ thuộc vào cấp trên.

Như thế dân chủ và chống chủ nghĩa thân hữu sẽ tốt hơn, nhưng nếu cấp trên có tầm nhìn và sự thông tuệ thì sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh hơn rất nhiều.

18-23-30_ts_nguyen_sy_dung_
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Ông Dũng cho rằng, khi ban hành một chính sách là phải nhắm đến việc cuộc sống đang đặt ra vấn đề gì chứ không phải thích hay sướng thì ban hành. Cuộc sống đang đặt ra vấn đề gì, thì Nghị quyết Trung ương cần phải nhắm vào đó mà giải quyết.

Vậy theo ông vấn đề cốt tử nào mà chúng ta đang đối mặt?

Theo tôi, lợi ích nhóm và chủ nghĩa thân hữu là vấn đề rất lớn của hệ thống chính trị, nó làm băng hoại nền tảng đạo đức, tính chính danh và đặc biệt là làm mất lòng tin của người dân. Một biểu hiện của chủ nghĩa thân hữu đấy là tình trạng con ông, cháu cha đang lũng đoạn bộ máy công quyền.

Nếu đó là vấn đề lớn nhất thì đâu là giải pháp để giải quyết thưa ông?

Đó chính là Nghị quyết 26 (Trung ương 7) khóa XII về công tác cán bộ. Tôi cho rằng, các giải pháp đặt ra trong Nghị quyết này có thể góp phần tích cực vào việc phá cái vòng luẩn quẩn của chủ nghĩa thân hữu mà thời gian qua chúng ta chưa xử lý được.

Vấn đề đặt ra là người mới luân chuyển đến có mang theo quan hệ thân hữu gì không? Về lý thuyết, thì khó khẳng định là tuyệt đối không, nhưng rõ ràng là khó có quan hệ thân hữu. Anh là người mới, anh không có bà con, anh em gì ở nơi mới. Những điều kiện cơ bản để hình thành chủ nghĩa thân hữu, vì vậy đã được loại trừ. Tất nhiên, luân chuyển là phải có thời hạn. Để lâu thì quan hệ thân hữu mới lại rất dễ hình thành. Rõ ràng, luân chuyển như thế này là một công cụ chính sách chống lại lợi ích nhóm và chủ nghĩa thân hữu rất hiệu quả.

Thực tế chính sách này không có gì là mới, bởi vì 500 năm trước cha ông chúng ta cũng đã có chính sách tương tự thể hiện trong Luật Hồi tỵ. Làm quan ở đâu thì không được là người ở đấy, thậm chí không được lấy vợ ở đấy, không được đưa con đến đấy; cha con, thầy trò không được làm cùng một nơi. Tức là không có điều kiện gì để cho chủ nghĩa thân hữu và lợi ích nhóm có thể hình thành. Từ thời tiền Lê, cha ông ta đã có những kế sách chống lại lợi ích nhóm và chủ nghĩa thân hữu như thế rồi.

Thưa ông, theo chúng tôi thì không có chính sách nào là tốt muôn đời. Cho nên sau khi thực hiện Nghị quyết 26 thì phải có đánh giá, kiểm tra. Vậy nhận định của ông như thế nào về mặt trái của chính sách này?

Chính sách luân chuyển bí thư rõ ràng tập trung tập quyền cho cấp trên. Đây là chính sách theo hướng ngược lại với chính sách phân quyền. Bởi vì rằng quyền điều động và bổ nhiệm là của cấp trên. Ngày xưa Luật Hồi tỵ thực hiện được vì đó là mô hình tập quyền cho cấp trên cùng (cho Vua).

Nếu chúng ta muốn phân quyền cho địa phương nhiều hơn, thì khi lợi ích nhóm và chủ nghĩa thân hữu được khắc phục, những cải cách tiếp theo sẽ là cần thiết. Đó sẽ phải là những cải cách để tạo ra hệ thống khuyến khích nghe dân và chế độ trách nhiệm trước dân. Chính sách luân chuyển tất nhiên tạo ra khuyến khích cho việc nghe lời cấp trên nhiều hơn. Đại loại, nếu cấp xã thì khuyến khích vừa lòng cấp huyện, cấp huyện - vừa lòng cấp tỉnh, cấp tỉnh - vừa lòng cấp trung ương.

TS Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh, thực chất bền vững là phải thiết kế một hình người đứng đầu phụ thuộc vào người dân. Trước đây chúng ta đã từng quyết chủ trương bầu trực tiếp người đứng đầu cấp xã. Cách làm này có thể giúp chúng ta chống lại lợi ích nhóm, chủ nghĩa thân hữu rất hiệu quả...
Về mặt lập pháp theo tôi Quốc hội có thể nghiên cứu Luật hồi tị để thiết kế một đạo luật chống chủ nghĩa thân hữu, chống lợi ích nhóm. Trong đó có các quy định người đứng đầu chính quyền không phải người địa phương, nơi đến làm việc không có đất đai, không có doanh nghiệp gia đình… Còn dài hạn Quốc hội có thể ban hành quy chế bầu cử người dân bầu trực tiếp người đứng đầu cấp xã, có tranh cử. Quốc hội có thể giám sát về việc thực hiện chủ trương này.

Đấy là nguyên lý ngàn đời của việc bên trên bổ nhiệm xuống. Nếu khuyến khích là vừa lòng cấp trên, thì ý nguyện của cấp dưới, ý nguyện của người dân địa phương nhiều khi chưa chắc đã được ưu tiên hay chính xác hơn, chưa chắc đã là ưu tiên số một. Tất nhiên, trừ trường hợp đó cũng là ý nguyện của cấp trên.

Ý ông là…

Anh để tôi nói tiếp. Muốn chủ trương này phát huy tốt thì đội ngũ cấp trên cần phải có hai phẩm chất. Một là, có tinh thần hết lòng phụng sự nhân dân. Hai là, có sự sâu sát với nhân dân. Bản thân người cán bộ cấp trên phải thực sự sâu sát đến tận cấp xã, thôn, đến để nghe dân nói, xem người dân ở đó mong muốn gì. Bởi vì người được bổ nhiệm sẽ nghe người bổ nhiệm mình là chính.

Nếu chúng ta bổ nhiệm theo cách luân chuyển như thế này, thì chế độ trách nhiệm trước cấp trên được xác lập rất rõ, còn chế độ trách nhiệm trước người dân địa phương thì không rõ bằng. Vậy thì cần có cơ chế để cấp trên nghe trực tiếp được người dân ở cấp dưới. Nếu người dân ở cấp dưới không hài lòng, thì người đứng đầu cấp dưới sẽ mất điểm với cấp trên có thể là một sự bổ sung về chế độ trách nhiệm trước dân rất cần thiết ở đây.

Qua phân tích của ông rõ ràng có nhiều vấn đề đáng phải bàn kỹ, cần có nghiên cứu đánh giá để đảm bảo hài hòa giữa phát huy dân chủ và sức mạnh lãnh đạo toàn diện. Ông có kiến giải gì trong trường hợp này để giải quyết những mặt trái đặt ra đó?

Theo tôi, chúng ta cần thiết kế kênh giám sát và lắng nghe để giảm thiểu sự độc đoán, chuyên quyền của người đứng đầu và dẹp bỏ thói nịnh bợ, chỉ làm vừa lòng cấp trên. Cơ chế đó là bí thư phải công khai số điện thoại, hộp thư điện tử của mình và dành 1/3 đến 1/5 thời gian trong tháng để giải đáp và xử lý các phản ánh của người dân từ cấp dưới.

Có một hạn chế lúc nãy tôi chưa nói đấy là ở cơ sở, mỗi xã, vùng còn có truyền thống văn hóa của mình, có những giá trị mà người dân ở đấy trân quí, giữ gìn. Nếu người đứng đầu không am hiểu mà lại vội quyết đáp là rất dễ đánh mất sự ủng hộ của người dân ngay từ đầu. Cho nên mới về khoan đã vội dương oai diễu võ.

Người về phải tìm hiểu cho đến nơi đến chốn, phải lắng nghe, phải hiểu được văn hóa, hiểu những vấn đề đang tồn tại, hiểu các mối quan hệ đang tác động lên nền quản trị địa phương… Nếu không hiểu thì anh có thể gây ra những vấn đề mới mà một nhiệm kỳ anh gỡ không xong.

Đặc biệt, những vấn đề liên quan đến các một dòng họ, đến những “lệ làng” có sức ảnh hưởng rất lớn đến chính trị địa phương. Một sự đụng chạm vô tình hay có ý đều rất dễ làm cho dân làng đứng lên chống anh. Phải tìm hiểu người tiền nhiệm và những vấn đề đang đặt ra đã được xử lỳ như thế nào rồi và vì sao không xử lý được? Đừng có vội ào ào giải quyết sẽ không đạt được kết quả tốt đẹp. Phải nhanh chóng nhận biết ai làm được việc, ai công tâm ở đấy để có điểm tựa mà lãnh đạo, chỉ đạo.

Tôi tán thành ý kiến của một chủ tịch xã ở TP Thanh Hóa mà trong loạt bài “Bí thư cấp ủy không phải người địa phương” NNVN dẫn ra rằng, trong số các chức danh chủ chốt đưa đi luân chuyển, điều động thì nên để vị trí phó bí thư thường trực là người địa phương. Vì người này sẽ hiểu thực tế tại địa phương rõ hơn và có thể trợ giúp người đứng đầu.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trước khi ra về, ông Dũng chốt lại với PV rằng, không thể nói một chính sách tốt hay xấu chung chung. Chỉ có thể khẳng định, với lợi ích nhóm, chủ nghĩa thân hữu đang đe dọa sự thịnh vượng của đất nước, cũng như sự tồn vong của chế độ, thì Nghị quyết 26 về công tác cán bộ là một chính sách đúng đắn và quan trọng. Tất nhiên, chúng ta cũng cần thấy được những tác động phụ của chính sách. Không có một chính sách nào tốt 100%. Vấn đề khi thúc đẩy chính sách, chúng ta phải thấy được những mặt trái của nó để ra các giải pháp nhằm giảm thiểu các tác động phụ không mong muốn. Ngoài ra, cũng cần phải có sự tổng kết, đánh giá kịp thời để khi vấn đề được xử lý, thì chúng ta có thể ban hành chính sách mới phù hợp hơn.

 

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm