| Hotline: 0983.970.780

Thiếu nước cục bộ tại vùng sản xuất lúa đông xuân muộn

Thứ Năm 29/02/2024 , 10:41 (GMT+7)

Bất chấp khuyến cáo, nông dân vùng ‘mẫn cảm’ hạn mặn Sóc Trăng vẫn xuống giống lúa đông xuân muộn, tình trạng thiếu nước cục bộ bắt đầu xuất hiện.

Khoảng 10 ngày trở lại đây, độ mặn trên các sông tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng ghi nhận vượt ngưỡng cho phép. Hầu hết, các cống thủy lợi trên địa bàn huyện được đóng kín hoàn toàn để ngăn nước mặn xâm nhập.

Hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng được đóng kín những ngày qua. Ảnh: Kim Anh.

Hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng được đóng kín những ngày qua. Ảnh: Kim Anh.

Trong vùng nội đồng, nguồn nước tại các kênh mương gần như khô cạn. Ngay cả tại sông Long Phú, tuyến sông lớn dẫn nước ngọt từ sông Hậu về cung cấp cho vùng sản xuất lúa đông xuân muộn khoảng 6.000ha của huyện Long Phú những ngày này cũng cạn dòng. Bà con nông dân đang trong tâm trạng thấp thỏm, mong chờ nguồn nước ngọt về.

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Lợi, thị trấn Long Phú cho hay, toàn HTX xuống giống gần 72ha lúa đông xuân muộn. Phần lớn diện tích đang trong giai đoạn đòng.

Những năm trước thời điểm này nguồn nước rất dồi dào, đảm bảo phục vụ tưới tiêu. Nhờ đó, dù sản xuất vụ đông xuân muộn, nhưng năng suất lúa đạt khá cao, khoảng 6,5 tấn/ha. Giá lúa cao, cộng với hệ thống thủy lợi trên địa bàn được ngành nông nghiệp huyện quản lý chặt chẽ, bà con mạnh dạn xuống giống dù đã được khuyến cáo nhiều rủi ro.

Nhiều kênh mương nội đồng tại thị trấn Long Phú, huyện Long Phú cạn nước do hệ thống thủy lợi đóng kín những ngày qua. Ảnh: Kim Anh.

Nhiều kênh mương nội đồng tại thị trấn Long Phú, huyện Long Phú cạn nước do hệ thống thủy lợi đóng kín những ngày qua. Ảnh: Kim Anh.

Đến thời điểm này, ông Tùng đánh giá nước mặn diễn biến phức tạp, con nước mặn rồi chuyển sang ngọt lặp đi lặp lại. Hệ thống cống trên địa bàn đã được đóng kín nhiều ngày qua, nguy cơ thiếu nước, ảnh hưởng đến diện tích lúa rất lớn.

“Hệ thống kênh mương ở đây nếu tích trữ đầy nước, có thể sử dụng khoảng 15 - 20 ngày. Hiện tại, nguồn nước thực tế đã phần nào ảnh hưởng vì độ mặn trên dưới 1‰ về lâu dài bơm lên ruộng sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất”, ông Tùng trăn trở.

Nhiều nông dân tại thị trấn Long Phú vẫn đang hy vọng vài ngày tới, độ mặn giảm xuống để bà con tận dụng tối đa nguồn nước này bơm vào đồng ruộng tưới tiêu, giảm thiểu thiệt hại.

Theo thống kê sơ bộ của Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Lợi, hiện diện tích lúa của HTX đang bị ảnh hưởng cục bộ tại những thửa ruộng không thoát phèn hoặc hệ thống thoát nước không tốt, với diện tích thiệt hại ước tính khoảng 3ha.

Rõ nhất, hơn 10 công đất lúa 46 ngày tuổi của ông Thạch Lâm ở ấp 3, thị trấn Long Phú đã ghi nhận những thiệt hại đầu tiên, cây lúa bị ngộ độc do không đủ nước để thoát phèn. Ông Lâm phải dùng thêm vôi để rải xuống, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng.

Một số diện tích canh tác lúa đông xuân muộn bị ngộ độc phèn do thiếu nước ngọt. Ảnh: Kim Anh.

Một số diện tích canh tác lúa đông xuân muộn bị ngộ độc phèn do thiếu nước ngọt. Ảnh: Kim Anh.

Thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, vụ đông xuân muộn 2023 - 2024, toàn tỉnh xuống giống khoảng 41.000ha, tăng hơn 10.000ha so với cùng kỳ năm trước.

Nguy cơ thiếu nước ngọt đang hiện hữu, ông Trần Vĩnh Nghi, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, các cơ quan chuyên môn đã chỉ đạo nhân viên, cán bộ kỹ thuật tăng cường đo độ mặn, để kịp thời thông báo cho bà con, khi có nước ngọt tranh thủ lấy nước vào ruộng để tích trữ.

Đối với các trà lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, bà con có thể lấy nước độ mặn dưới 2‰ nhưng sau đó không nên để đất nứt nẻ. Phải tranh thủ bơm nước ngọt vào để cây lúa vượt qua giai đoạn khó khăn. 

Trường hợp lúa ở giai đoạn đòng, nông dân có thể lấy nước ở độ mặn dưới 1‰, sau đó nếu có điều kiện phải tháo nước ra, thay nước mới vào.

Bà con nông dân mong mỏi nguồn nước thuận lợi để lấy nước tích trữ trong đồng ruộng. Ảnh: Kim Anh.

Bà con nông dân mong mỏi nguồn nước thuận lợi để lấy nước tích trữ trong đồng ruộng. Ảnh: Kim Anh.

Đồng thời, trong quá trình canh tác, để tăng cường khả năng chống chịu của cây lúa, bà con nông dân có thể áp dụng triệt để một số giải pháp như tưới ngập khô xen kẽ, bón phân chậm tan, phân bón lá chứa nhiều chất canxi, magie, silic… cũng như các hoạt chất tăng khả năng chống chịu hạn mặn cho cây lúa.

Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch xuống giống sớm hơn 20 - 30 ngày so với vụ đông xuân 2022 - 2023 để giúp nông dân né hạn mặn. Đối với vụ đông xuân muộn, có nguy cơ thiếu nước ngọt khi mặn xâm nhập sâu, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân không nên xuống giống.

Xem thêm
Ngày 17/1 trở thành Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre

Tỉnh Bến Tre vừa tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre 17/1.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ông Hồ Văn Hà làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa X vừa tổ chức kỳ họp thứ 24 và bầu thêm một Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhằm kiện toàn công tác nhân sự.

Ba người đàn ông ở thung lũng trong mơ

Tròn mười năm tôi mới trở lại thung lũng trong mơ ấy, nếu không có Tạ Xuân Anh - cán bộ Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Ninh Bình dẫn vào thì đã lạc đường.