Trước đó, tại kỳ họp thứ 12, phiên làm việc chiều 4/7/2023, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số tuyến đường, phố, công trình công cộng trên địa bàn thành phố. Ngày 17/8/2023, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà chính thức ký ban hành Quyết định số 4136/QĐ-UBND có nội dung chính về việc điều chỉnh, đặt tên đường.
Trong đó, có 52 tuyến đường, phố mới tại 15 quận huyện được đặt tên. Một trong số 19 đường, phố mang tên danh nhân được đặt là Đặng Trần Đức. Đây là đoạn từ ngã ba giao cắt phố Thanh Đàm, tại trụ sở UBND phường Thanh Trì (đối diện Đài tưởng niệm liệt sĩ phường Thanh Trì và Nhà tưởng niệm Thiếu tướng Đặng Trần Đức) đến Ngã ba giao cắt tại trụ sở Công an Phường Thanh Trì (tổ dân phố 7, phường Thanh Trì). Dài: 350m, rộng: 11,5-13m (lòng đường: 7,5-9m, vỉa hè mỗi bên từ 1-4m).
Thiếu tướng Đặng Trần Đức (1922-2004), sinh tại Thanh Trì, Hà Nội; bí danh Ba Quốc – 3Q, Nguyễn Văn Tá. Ông là người duy nhất đi từ tình báo viên trong chiến tranh Việt Nam, trở thành cán bộ tình báo rồi lãnh đạo tình báo quốc phòng sau chiến tranh.
Người học trò gần gũi, xuất sắc nhất của ông Ba Quốc là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng chính là người có đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng hồ sơ đề nghị UBND thành phố xét đặt tên đường Đặng Trần Đức. Nhiều ý kiến của ông đã được đồng đội, các chuyên gia nghiên cứu và cơ quan quản lý xem xét ủng hộ.
Trong cuốn sách “Người thầy” (ra mắt ngày 10/2/2023), Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh miêu tả chân dung ông Ba Quốc là một nhà tình báo xuất sắc của tình báo quốc phòng Việt Nam, một cán bộ tình báo tài năng, hội tụ đầy đủ những phẩm chất của một điệp viên "chui sâu, leo cao" hoàn hảo, một nhà chỉ huy có tầm nhìn chiến lược, sắc sảo, quyết liệt và là một người thầy có cá tính đặc biệt, nghiêm khắc nhưng vô cùng nhân văn, sâu sắc.