Ohnan là một thị trấn của tỉnh Shimane, mặc dù Shimane là tỉnh duyên hải nhưng thị trấn này lại nằm gọn trong những dãy núi, như một lòng chảo khổng lồ ở độ cao, có nơi đến 600 m so với mực nước biển.
Những người dân ở Ohnan cho biết, nhiệt độ hàng ngày ở đây thường thấp hơn 2-3 độ C so với các địa phương khác của tỉnh, ví dụ như thành phố Hamada ở phía Tây. Buổi sáng mùa thu, mây có thể lững lờ trôi qua thị trấn đến khoảng 9h mới tan.
Ngoài ra, chệnh lệch nhiệt độ ngày đêm của Ohnan cao nên nhiều loại rau củ quả ở đây cho chất lượng ngon hơn so với các vùng lân cận. Chưa kể, với địa hình lòng chảo đặc biệt của mình, Ohnan cũng có phong cảnh rất đẹp, nhất là buổi sáng sớm.
Shimane là tỉnh có mật độ dân số thấp bậc nhất của Nhật Bản, thị trấn Ohnan lại càng thưa thớt hơn. Nguyên nhân do đây là vùng núi cao, giao thông có phần hạn chế hơn so với những khu vực khác.
Ở thị trấn này, nhà cửa tương đối thưa thớt, thường những khu dân cư chỉ có khoảng 3-5 hộ và những cụm này cách nhau khoảng từ 500 - 1.000m. Xen giữa những cụm dân cư này thường là ruộng lúa, ruộng hoa màu hoặc rừng cây.
Một đặc điểm dễ nhận thấy ở nông thôn Nhật Bản là có rất nhiều cây hồng mọc hoang bên ruộng, cạnh nhà hoặc góc sân, góc vườn. Người dân Nhật Bản thường không ăn quả của những cây hồng này, nguyên nhân là họ cho rằng những cây ăn quả mọc hoang như vậy không đủ tiêu chuẩn để sử dụng.
Ở Ohnan, tuổi thọ trung bình rất cao, có thể xem đây là một thị trấn "già" khi tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm đến 45,5%. Hệ quả của tình trạng này là có nhiều ngôi nhà rất đẹp nhưng không có người ở, nhiều mảnh ruộng rất màu mỡ nhưng không có người canh tác.
Chính quyền thị trấn này xác định rằng, bảo vệ môi trường là một trong những yếu tố quan trọng nhất để họ có thể đảm bảo sức khỏe cho người dân cũng như phát triển nông nghiệp theo hướng canh tác hữu cơ.
Những gia đình ở đây hầu hết đều có một mảnh vườn, họ trồng những loại nông sản để phục vụ đời sống như cà rốt, rau cải, hành paro, bí... Những thực phẩm không tự sản xuất được họ sẽ trao đổi với những gia đình khác trong vùng, thông qua một trạm giao dịch nông sản.
Vào thời điểm cuối mùa thu, đầu mùa đông, cây cối ở thị trấn này thường chuyển sang màu đỏ, tạo ra một phong cảnh rất ấn tượng với du khách khi đến đây tham quan.
Một căn nhà bỏ hoang với giàn dây leo đang chuyển sang màu vàng và đỏ. Theo những người dân địa phương, mặc dù dân số già nhưng họ vẫn gắn bó với công việc nhà nông đến khi nào có thể. Ở đây, có những người đàn ông 90 tuổi vẫn sống một mình và làm nông nghiệp.
Nông thôn Nhật Bản có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, như cánh đồng, rừng cây, vườn rau, ao cá. Ở đây, ruộng đồng được quy hoạch, chỉnh trang gọn gàng, dọn dẹp sạch sẽ từ đường giao thông tới đường nội đồng và không khí rất trong lành, mát mẻ.