Ngay sau khi Philippines thoát thẻ vàng vì các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU), EU tiếp tục ra cảnh cáo cho Thái Lan. Vào tháng 5/2015, nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu Đông Nam Á bị tuýt còi vì những thiếu sót nghiêm trọng trong hệ thống giám sát, kiểm soát và xử phạt tàu thuyền khi đánh bắt ngoài đại dương.
Bộ Nông nghiệp Thái Lan đã công bố kế hoạch 6 điểm nhằm chống đánh bắt bất hợp pháp vào thời điểm ấy, nhưng bởi khuôn khổ pháp lý về đánh bắt cá của Thái Lan chịu quá nhiều chi phối bởi bộ luật từ năm 1947, không có thay đổi nào đáng kể cho tới cuối 2015.
Ủy viên Môi trường và thủy sản EU Karmenu Vella thốt lên: “Họ không có bất cứ biện pháp kiểm soát nào. Không có nỗ lực nào được thực hiện, và việc đánh bắt bất hợp pháp gần như hoàn toàn được phép.”
Theo điều tra của Eurostat, hơn một nửa đội tàu đánh cá Thái Lan không được đăng ký và nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ vào năm 2015. Ngay cả những tàu đã đăng ký cũng thường ra khơi mà không có tài liệu đánh bắt và chứng chỉ hoạt động. Còn theo số liệu từ Mỹ, bạn hàng thủy sản lớn bậc nhất của Thái Lan, khoảng 40% lượng thủy sản nhập khẩu vào Mỹ là bất hợp pháp.
Ngoài đội tàu, ngành thủy sản Thái Lan còn chịu cáo buộc là sử dụng người dân giống như nô lệ trong các chuyến thám hiểm đánh bắt. Lượng cung về cá không đổi, nhưng vì số lao động tăng vọt, khiến sản lượng cá đánh bắt được tính trên một đơn vị mặt nước tại Vịnh Thái Lan giảm hơn 80% so với hồi thập niên 60. Yếu tố này cũng thúc đẩy nhiều "hạm đội ma", gồm các tàu trốn đăng ký cướp bóc dọc vùng biển của các quốc gia láng giềng.
Trước xứ chùa vàng, Hàn Quốc và Philippines chỉ mất khoảng hai năm để thoát thẻ vàng IUU. Tuy nhiên ngành thủy sản Thái Lan không đi theo lộ trình này. Tới giữa năm 2017, nghĩa là hai năm sau khi bị EU phạt, đàm phán tự do thương mại giữa hai bên vẫn giậm chân tại chỗ. Tới lúc này, giới chức Thái Lan mới cuống cuồng khắc phục hậu quả.
Một trong những biện pháp chủ đạo, giữ vai trò xuyên suốt trong lộ trình thoát thẻ vàng IUU của thủy sản Thái Lan, là trang bị hệ thống định vị giám sát tàu cá VMS cho tất cả tàu ra khơi.
Theo Tổng cục Thủy sản Thái Lan, dựa trên kết nối 24/24 và cập nhật theo thời gian thực, cán bộ ngành biết chính xác các tàu cá đang đánh bắt ở đâu, nằm trong vùng lãnh hải của Thái Lan hay ở khu vực cấm đánh bắt. Ngoài chi phí lắp đặt hệ thống định vị khoảng 1.000 USD, hàng tháng các chủ tàu sẽ phải trả khoảng 25 USD cho các nhà cung cấp dịch vụ định vị tàu cá VMS và ứng dụng trên điện thoại di động.
Song song cùng Chính phủ, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu cũng vào cuộc. Nổi bật là Thai Union, doanh nghiệp hiện chiếm một phần năm tổng sản lượng cá ngừ đóng hộp toàn cầu, đã triển khai chiến dịch “Thay đổi đại dương”.
Nội dung của chiến dịch, là số hóa từng mẻ cá đánh bắt, tính từ lúc khai thác trên biển, tới khi chế biến, đóng hộp và tới tay người mua. Toàn bộ quy trình này được chụp ảnh, ghi lại, và có thể truy xuất được nguồn gốc.
Một trung tâm Giám sát nghề cá đã được Chính phủ Thái Lan dựng ở tỉnh miền Trung Samut Sakhon, tiếp giáp Thủ đô Bangkok. Hàng chục nhân viên của trung tâm chia làm ba ca, trực 24/24 để có hướng dẫn, định hướng, thậm chí cảnh báo kịp thời với những tàu đánh cá có biểu hiện vi phạm IUU. Chế tài cho những hoạt động bất hợp pháp rất nặng, có thể là tước giấy phép hành nghề vĩnh viễn.
Do các lô hàng nhập khẩu vào EU đều mất thời gian chứng minh xuất xứ, Thái Lan quyết tâm đi trước một bước. Họ chấp nhận tăng chi phí đầu vào, nhưng thông suốt các hiệp định thương mại.
Năm 2018, Thái Lan trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á phê chuẩn công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế, hứa hẹn bảo vệ các nạn nhân của lao động cưỡng bức và các biện pháp trừng phạt đối với thủ phạm. Đây gần như là rào cản cuối cùng trong việc dỡ bỏ IUU của EU. Đầu năm 2019, EU công nhận những nỗ lực từ đối tác và xóa thẻ vàng IUU cho thủy sản Thái Lan.
Theo Bangkok Post, tính tới cuối năm 2020, các chủ tàu thuyền đánh bắt cá ngoài biển phải chịu sự ràng buộc của hơn 300 điều khoản luật định. Một số người dân, nhất là các hộ kinh doanh cá thể, cho rằng như vậy là quá ngột ngạt, khiến họ bị kìm kẹp. Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan giữ vững lập trường.
Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan nhấn mạnh: "Thái Lan thừa nhận tầm quan trọng của việc tiếp tục cải cách và chính phủ sẽ kiên trì với điều đó, nhằm đảm bảo tính bền vững biển và đưa đất nước trở thành quốc gia tuân thủ chặt chẽ các điều kiện của IUU".
Những cải cách do Chính phủ thực hiện không chỉ tác động tới nghề thủy sản Thái Lan mà còn tác động tích cực đến toàn khu vực Đông Nam Á. Xứ chùa vàng chấp nhận giải phóng nhiều tàu thuyền không đủ tiêu chuẩn, lên tới gần 3.000 vào giữa năm 2020, để duy trì hệ sinh thái biển.