| Hotline: 0983.970.780

'Thoát' thẻ vàng IUU: Hàn Quốc dùng 'bàn tay thép'

Thứ Hai 19/04/2021 , 10:21 (GMT+7)

Chính phủ Hàn Quốc sẵn sàng phạt tù lên tới 5 năm, cấm neo đậu và từ chối mua thủy sản của bất cứ tàu nào bị phát hiện đánh bắt cá trái phép.

Một góc chợ Jagalchi, gần cảng cá hiện đại Busan lớn nhất Hàn Quốc.

Một góc chợ Jagalchi, gần cảng cá hiện đại Busan lớn nhất Hàn Quốc.

Từ năm 2010, khi Liên minh châu Âu (EU) đề ra khung chương trình chống lại các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU), Quỹ Công lý Môi trường đã ghi nhận hàng nghìn tàu gắn cờ Hàn Quốc hoạt động bất hợp pháp tại Tây Phi, đặc biệt là ở Sierra Leone. Bằng chứng này góp phần vào quyết định phạt thẻ vàng IUU của EU năm 2013, nhằm cảnh báo Hàn Quốc về quản lý nghề cá.

Không lâu sau khi EU phạt thẻ vàng IUU, tới lượt Mỹ đưa các lô hàng hải sản từ Hàn Quốc vào dạng cần theo dõi. Chính áp lực từ hai thị trường lớn khiến cả nước Hàn Quốc hành động vì tương lai ngành xuất khẩu thủy sản. Họ siết chặt quy định về đánh bắt cá, đồng thời nêu chi tiết mức độ, phạm vi áp dụng các điều khoản phạt, nhằm tăng kiểm soát hoạt động đánh bắt, đồng thời tăng quyền lực cho lực lượng chức năng nếu phát hiện tàu vi phạm ngoài vùng lãnh hải Hàn Quốc.

Từ đầu năm 2014, 100% các tàu đánh cá phải treo hệ thống định vị vệ tinh để theo dõi hoạt động 24/24. Bên cạnh đó là hệ thống hải trình điện tử, cho phép các tàu chia sẻ thông tin về sản lượng khai thác theo thời gian thực. Mọi hoạt động của tàu thuyền đều được quan chức Hàn Quốc ghi lại từ Trung tâm Giám sát nghề cá, hoạt động 24/7.

Yếu tố quyết định giúp thủy sản Hàn Quốc thoát thẻ vàng IUU trong vòng hai năm, chính là luật pháp. Sau khi sửa đổi, quốc gia này tăng hình phạt tù lên 5 năm, hoặc phạt tiền ít nhất 450.000 USD cho bất cứ hành vi phạm tội nào liên quan tới IUU.

Sự quyết liệt được thể hiện rõ trong trường hợp tàu Insung số 7 nặng 647 tấn. Tàu này ra khơi vào cuối năm 2013, bị phát hiện đi nhiều lần vào Vùng đặc quyền kinh tế của Argentina. Đây là một hoạt động trái phép, vi phạm IUU. Để đối phó, Hàn Quốc ra quyết định cấm thu mua thủy sản từ tàu này, sau khi có đủ chứng cứ về việc tàu đánh bắt cá tuyết Patagonian bất hợp pháp. 

Lệnh cấm dành cho tàu Insung số 7 gây nhiều tranh cãi trong công luận, nhưng Bộ Đại dương và Thủy sản Hàn Quốc kiên quyết từ chối cấp Giấy chứng nhận đánh bắt dựa trên hệ thống giám sát tàu. Trong nhiều tháng sau đó, tàu lênh đênh trên biển và chỉ có thể vào cảng để mua vật tư và dầu.

Thủy thủ đoàn 30 người bao gồm cả thuyền trưởng đã báo cáo với truyền thông Hàn Quốc rằng họ trong tình trạng tồi tệ. Vụ việc chỉ ngã ngũ trong khoảng gần một năm sau đó. Tàu được cho phép cập bến Uruguay vì lý do nhân đạo. Tuy nhiên, toàn bộ số hải sản đánh bắt đã bị hỏng sau hàng trăm ngày trên biển.

Tàu Insung số 7 lênh đênh trên biển nhiều ngày vì vi phạm IUU.

Tàu Insung số 7 lênh đênh trên biển nhiều ngày vì vi phạm IUU.

Với những động thái quyết liệt từ Chính phủ Hàn Quốc, tháng 4/2015, EU đã gỡ bỏ thẻ vàng cho nước này. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành thủy sản Hàn Quốc chưa hài lòng với kết quả làm được. Để đạt mức độ nhất quán hơn với các tiêu chuẩn quốc tế, trong việc quy trách nhiệm cho các bên và xử phạt người vi phạm IUU, xứ kim chi sẵn sàng phạt công dân nước mình, ngay cả khi họ không tham gia đánh bắt cá trên tàu treo cờ Hàn Quốc.

"Những nỗ lực của Hàn Quốc trong việc ngăn chặn đánh bắt cá bất hợp pháp là thứ chưa có tiền lệ. Họ thể hiện ý định rõ ràng là đưa quốc gia mình, cũng như các nước khác trong khu vực và quốc tế tiến lên một bước khi chống lại việc đánh bắt IUU, tàn phá môi trường biển, đa dạng sinh học, nguồn cá, sinh kế và an ninh lương thực", Steve Trent, Giám đốc điều hành của Quỹ Công lý môi trường chia sẻ.

Tại Tây Phi, nơi nhiều tàu cá Hàn Quốc từng hoạt động bất hợp pháp trước đây, Chính phủ nước này mua lại toàn bộ đội tàu để dừng hoàn toàn việc đánh bắt. Chương trình trị giá hơn 9 triệu USD này mở đường cho những thỏa thuận song phương giữa Hàn Quốc với Tây Phi trong việc khai thác cá sau này.

Ý thức được những tác động xấu cho ngành thủy sản Hàn Quốc, nên Bộ Đại dương và Thủy sản đã ký biên bản ghi nhớ với Quỹ Công lý Môi trường, cam kết chia sẻ thông tin để giải quyết vấn đề đánh bắt IUU. Biên bản này quy định rõ các hoạt động đánh bắt bị hạn chế với những tàu mang cờ Hàn Quốc như: Vùng nước mà luật pháp và quy định của các quốc gia ven biển cấm hoạt động đánh bắt; các vùng biển mà hệ thống quản lý cấp phép đánh bắt đối với tàu cá nước ngoài còn mơ hồ hoặc không đầy đủ; các vùng nước mà các luật và quy định liên quan đến nghề cá của các quốc gia ven biển không được biết đến hoặc không rõ liệu các luật và quy định đó có tồn tại hay không...

Với những chế tài mạnh, quyết liệt, đủ sức răn đe, Hàn Quốc từ chỗ bị thẻ vàng IUU đã trở thành nước đi đầu trong việc đảm bảo đánh bắt cá an toàn trên đại dương. Họ cũng thoát khỏi dị nghị là được EU nương tay trong các hoạt động đánh bắt cá xa bờ hồi đầu những năm 2010.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Mỹ lần đầu sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công Houthi

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tấn công các kho vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 17/10.