| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 20/07/2021 , 20:13 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 20:13 - 20/07/2021

Thông đường nhu yếu phẩm vào khu vực phong tỏa

Khi cả Nam bộ cùng bị phong tỏa, thì việc thông đường cho nhu yếu phẩm trở thành mấu chốt của công tác chống dịch.

Từ ngày 19/7, toàn bộ 19 tỉnh Nam bộ phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Một khu vực rộng lớn được phong tỏa để phục vụ cho cao điểm chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, là một biện pháp mạnh mẽ cần thiết. Thế nhưng, làm sao để bảo đảm như yếu phẩm cho người dân yên tâm ở nhà, lại là một bài toán phải giải quyết hợp lý và quyết liệt.

So với các tỉnh Nam bộ còn lại, thì TPHCM đã có thời gian giãn cách xã hội lâu hơn và có số ca nhiễm Covid-19 nhiều hơn. Vì vậy, để đảm bảo lương thực cho đô thị trung tâm, vai trò cung ứng của các địa phương xung quanh rất quan trọng. Thực tế cho thấy, nửa đầu tháng 7/2021, một lượng hàng hóa từ miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ đã liên tục cung ứng cho TPHCM bị phong tỏa. Bây giờ, khi cả Nam bộ cùng bị phong tỏa, thì việc thông đường cho nhu yếu phẩm trở thành mấu chốt của công tác chống dịch.

Các loại nhu yếu phẩm từ rau củ cho đến thịt cá có phải khan hiếm không? Hoàn toàn không. Nông sản vẫn được nuôi trồng và đánh bắt đều đặn, nhưng gặp nhiều trở ngại khi không có cơ hội tiếp cận thị trường. Có nhiều chính sách được triển khai riêng biệt ở mỗi địa phương đã khiến hàng hóa tắc nghẽn. Chính bối cảnh ấy đã xảy ra hệ lụy “đục nước béo cò” mà bằng chứng là hệ thống siêu thị mini Bách Hóa Xanh có biểu hiện đẩy giá tăng vọt một số mặt hàng, gây phản ứng gay gắt trong cộng đồng.

Câu chuyện quản lý thị trường phải kiểm tra và xử lý hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh chính là một ví dụ để tư duy lại “luồn xanh” cung cấp nhu yếu phẩm cho khu vực phong tỏa. Bi kịch “đục nước béo cò” vốn không hay ho gì, nhưng cần bình tĩnh để suy xét nguyên nhân “đục nước” để dẫn đến “béo cò”. Khi chợ đầu mối và chợ truyền thống phải đóng cửa hàng loạt, thì người dân chỉ còn trông cậy vào hoạt động của các siêu thị. Và những nhà kinh doanh cũng thừa khôn ngoan để tính toán lợi nhuận tối đa cho các siêu thị phục vụ “cung” vượt “cầu” giữa bối cảnh giãn cách xã hội.

Giãn cách xã hội toàn Nam bộ theo Chỉ thị 16 là một thử thách lớn cho công tác phòng chống Covid-19 tại nước ta. Thông đường cho nhu yếu phẩm từ các tỉnh ngoài Nam bộ vào khu vực phong tỏa, cũng như thông đường cho nhu yếu phẩm giữa các địa phương trong khu vực phong tỏa, cần một giải pháp cụ thể và thiện chí.

Thu nhập của người dân đã bị sụt giảm nghiêm trọng mà giá cả leo thang thì sẻ ảnh hưởng đến đời sống từng hộ gia đình. Mặt khác, giá xăng vẫn không ngừng tăng lên thì phương tiện vận chuyển cũng bị đội chi phí. Để ngăn chặn tình trạng khan hiếm hàng hóa, thì “luồng xanh” phải có sự bắt tay giữa ngành giao thông và ngành y tế. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi cho các chuyến xe đường dài chở thực phẩm liên tỉnh, cũng cần hỗ trợ kiểm tra y tế và miễn phí xét nghiệm đối với đội ngũ tài xế và nhân viên giao hàng.