Đợt bùng phát lây nhiễm lần thứ 4 của Covid-19 đang khiến nhiều người choáng váng. Sau sự tăng vọt số ca bệnh mới tại TP.HCM, thì nhiều tỉnh cũng đối mặt với đại dịch lan rộng. Sau hơn một năm không hề có virus corona trên địa bàn, tỉnh Phú Yên đã phải hứng chịu hệ lụy khôn lường do sự chậm trễ quá trình chia sẻ thông tin dịch tễ.
F0 đầu tiên của tỉnh Phú Yên là bà chủ quán cơm Yến Nam nằm trên quốc lộ 1A thuộc xã Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa. Tài xế xe tải đường dài tuyến TP.HCM - Đà Nẵng đã ghé vào quán cơm Yến Nam vào trưa 10/6 và tối 11/6. Đến ngày 15/6 thì tài xế này được xác định mắc Covid-19, với mã số bệnh nhân 12190. Nếu ở thời điểm ấy, bà chủ quán cơm Yến Nam và những người liên quan được đưa vào tầm giám sát thì có lẽ đã hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm.
Đáng tiếc thay, đến 0h ngày 23/6 thì Sở Y tế Phú Yên mới có thông tin về bệnh nhân 12190. Gần một tuần lễ, từ ngày 15/6 đến ngày 22/6, bà chủ quán cơm Yến Nam đã đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, và chỉ bị phát hiện dương tính khi vào khám bệnh tại thành phố Nha Trang - Khánh Hòa.
Bà chủ quán cơm Yến Nam trở thành bệnh nhân đầu tiên của tỉnh Phú Yên với mã số 13960, là một sự bẽ bàng cho địa phương này nói riêng và cho công tác chống Covid-19 của cả nước nói chung. Thậm chí, khi bà chủ quán cơm Yến Nam vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên đêm 21/6 cũng không biết đang nhiễm virus corona. Lãnh đạo ngành y tế tỉnh Phú Yên giải thích: “Vì bệnh nhân không có các triệu chứng của Covid-19, thời điểm bệnh nhân nhập viện thì ngành y tế chưa có thông tin bệnh nhân là F1 của bệnh nhân 12190 nên các y bác sĩ trực chưa nghĩ đến Covid-19 và chưa lấy mẫu xét nghiệm ngay. Đến 7 giờ sáng ngày 22/6, bệnh nhân đã bớt các triệu chứng nôn mửa, gia đình xin cho xuất viện”.
Tỉnh Phú Yên đã phải giãn cách xã hội từ ngày 27/6 để chống Covid-19, thực sự là một bài học đau xót cho việc chia sẻ thông tin dịch tễ. Câu hỏi đặt ra là tại sao lịch trình di chuyển của bệnh nhân 12190 không được lập tức phổ biến rộng rãi trong ngành y tế để các địa phương chung tay ứng phó? Sự lỡ làng ấy, bây giờ truy vấn lỗi lầm của ai, cũng là điều không thể cứu vãn. Đã đến lúc phải có sự đẩy mạnh chia sẻ thông tin dịch tễ liên quan đến các bệnh nhân Covid-19, thì mới mong đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả vừa ổn định sản xuất.
Một góc độ khác của thông tin dịch tễ cần phải quan tâm, đó là tờ khai y tế. Một khi đã yêu cầu công dân khai báo y tế thì những thông tin phải được cập nhật và quản lý một cách khoa học, nhằm phục vụ cho quá trình truy vết nhanh chóng. Không thể tiếp tục duy trì phương pháp đơn giản, khi phát hiện ca nhiễm mới lại thông báo tìm kiếm những người từng đến địa điểm nọ hoặc địa điểm kia một cách thụ động.