| Hotline: 0983.970.780

Thông tin tiếp về những sai phạm ở Cty CP gang thép Thái Nguyên: Cố ý làm trái, phớt lờ quyền lợi cổ đông

Thứ Sáu 16/10/2009 , 10:17 (GMT+7)

Báo NNVN ngày 28/8/2009, đã phản ánh việc cổ đông của Cty Cổ phần gang thép Thái Nguyên (Cty) tố cáo Ban GĐ trong quá trình sản xuất kinh doanh có dấu hiệu khai khống số lượng, nâng giá vốn hàng bán, làm biến mất hàng trăm tỉ đồng. Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên, để che dấu sai phạm phía Cty vẫn liên tục có hành vi trái luật doanh nghiệp, cản trở cổ đông thực hiện quyền lợi… 

Bất chấp Luật Doanh nghiệp

Ngày 15/12/2008, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C37) - Bộ Công an đã có thông báo gửi đến Ban GĐ Cty và ông Đỗ Mạnh Hiếu (người tố cáo) với nội dung: “Đề nghị ông Hiếu thực hiện quyền cổ đông sở hữu cổ phần liên tục trên một năm theo Điều 128, Luật Doanh nghiệp. Ông có thể đưa luật sư, kế toán, kiểm toán riêng của mình vào kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty trong thời gian phù hợp”.

Kể ngày C37 có thông báo, trong nhiều tháng qua, ông Hiếu đã 35 lần gửi đơn đề nghị Cty giải trình số lượng hàng chênh lệch giữa báo cáo kiểm toán và báo cáo cổ đông, những nhập nhằng trong chi phí lương, bất hợp lý trong tính giá vốn hàng bán… đồng thời yêu cầu lãnh đạo Cty bố trí thời gian để ông Hiếu đưa kế toán, kiểm toán vào xác minh sổ sách nhưng phía Cty hoàn toàn phớt lờ quyền lợi cổ đông của ông Hiếu. 35 lá đơn gửi tới Ban GĐ Cty, cả 35 lá đơn đều không có hồi âm.

Theo ông Đỗ Mạnh Hiếu, cách làm việc kiểu mập mờ, che giấu này của Ban GĐ Cty đã có tiền lệ. Cách đây gần 1 năm, khi ông phát hiện ra những điểm khuất tất trong báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2007 trước Đại hội cổ đông, ông cũng nhiều lần đề nghị phía Cty cung cấp Báo cáo Kiểm toán để đối chiếu nhưng cũng bị lãnh đạo Cty từ chối mà theo Luật Doanh nghiệp thì đây là bản báo cáo công khai, các cổ đông có quyền sao, chép? Đến nay, lại một lần nữa lãnh đạo Cty “im lặng”, điều này chỉ khẳng định rằng họ đang che giấu, không muốn sự thật bị phơi bày.

Tiếp tục che giấu sai phạm

Trên thực tế, với những hồ sơ hiện các cổ đông đang có trong tay cho thấy hầu hết văn bản báo cáo của lãnh đạo Cty đều tiền hậu bất nhất. Cùng một năm kinh doanh nhưng có rất nhiều số liệu khác nhau, báo cáo cổ đông một đằng, báo cáo Nhà nước một nẻo, thậm chí ngay số liệu trong biên bản làm việc với C37 cũng sai lệch so với Báo cáo tài chính. Cụ thể, Cty báo cáo Nhà nước tổng lương chi phí cho người lao động là 22 tỉ 490 triệu đồng nhưng số liệu tại biên bản làm việc với cơ quan CSĐT ngày 8/1/2009 thì tổng chi lương năm 2007 chỉ hết 15 tỉ 875 triệu đồng. Như vậy riêng số tiền lương chênh lệch giữa 2 báo cáo đã lên tới trên 6 tỉ đồng.

Chưa hết, ngày 2/5/2008, Cty báo cáo trước Đại hội cổ đông chi phí sản xuất theo yếu tố của 43.636 tấn các loại sản phẩm: Hàng đúc thép, hàng đúc gang, hàng rèn, hàng đúc đồng và thép cán của năm 2007 là 394 tỉ 511 triệu đồng. Theo nguyên tắc kết toán, số tiền này là tổng chi phí cho khối lượng công việc đã hoàn thành, kế toán phải hạch toán tính giá thành cho từng sản phẩm và phải trừ phần chênh lệch giá trị thu hồi quay lại để tái sản xuất. Như đối với khối lượng 29.367 tấn thép thỏi, chỉ tiêu kinh tế kĩ thuật quy định sẽ thu hồi được 52 kg trên mỗi tấn, nhân với khối lượng sản xuất và quy đổi ra tiền thì Cty cần phải trừ đi trên 6 tỉ 337 triệu đồng. Tương tự, với 2589 tấn hàng đúc thép tạp phải thu hồi xấp xỉ 5 tỉ đồng; 553 tấn hàng đúc và gia công cơ khi trục cán gang cần thu hồi 2,2 tỉ đồng; 485 tấn hàng đúc và gia công cơ khí trục cán thép phải thu hồi trên 1,6 tỉ đồng… Tổng cộng 13 mặt hàng đáng ra trong năm 2007, Cty phải thu hồi 26 tỉ 772 triệu đồng, nhưng Cty đã không thực hiện theo luật kế toán hiện hành mà cố tình tính giá trị thu hồi vào giá thành sản phẩm nhằm tăng chi phí, giảm lợi nhuận.

Trả lời phóng viên về việc không trả lời yêu cầu giải trình của cổ đông, cản trở cổ đông thực hiện quyền của mình, ông Trần Văn Toàn – GĐ Cty cho rằng: “Ông Hiếu không hiểu gì nên chúng tôi thấy không cần trả lời, vì trả lời với người không biết thì cũng chẳng để làm gì”.

Nói là vậy nhưng ai cũng hiểu việc Cty không trả lời bằng văn bản theo yếu cầu của cổ đông là do không thể lấp liếm sai phạm. Bản thân ông Toàn lý giải về chênh lệch số liệu trong quỹ lương cũng ấp úng, nói dối rằng năm 2007 Cty mới cổ phần hóa không có quỹ phúc lợi nên khoản chênh lệch được chi vào các khoản như: chi thưởng, chi lễ tết, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Tuy nhiên, trên thực tế đối chiếu với chính bảng cân đối số phát sinh do chính tay ông cung cấp các khoản chi trên đều đã được hạch toán riêng rẽ và Quỹ phúc lợi cũng ghi rõ là 1,5 tỉ đồng. Việc Cty không trừ giá trị thu hồi vào giá thành chi phí theo luật định ông Toàn khẳng định cổ đông tính theo chỉ tiêu kinh tế kĩ thuật cũ từ thời Cty còn thuộc Tổng Cty gang thép Thái Nguyên. Sau này cổ phần hóa, Cty đã tận thu trong quy trình sản xuất nên số lượng thu hồi không đáng kể. Về nội dung này cổ đông cung cấp đúng bản chỉ tiêu kinh tế kĩ thuật có dấu đỏ của Cty cổ phần gang thép Thái Nguyên, không phải của Tổng Cty gang thép Thái Nguyên như ông Toàn giải thích.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.