Oanh nhảy cẫng lên khi nhìn thấy con heo Mường có xoáy trắng trước trán. Âu yếm con heo vào lòng, khuôn mặt rạng ngời, nữ sinh này cho biết, sau một tuần săn lùng cuối cùng đã toại nguyện.
Oanh hiện là học sinh trường Marie Curie, mân mê con heo nhỏ cho biết: "Mấy đứa bạn, ai cũng có một chú heo nuôi trong phòng, nên em cũng thử nuôi xem thế nào. Nuôi heo giờ đang là mốt đấy".
Mới 8h sáng, hơn 20 con heo kiểng trong lồng sắt của anh Bình trên đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, TP HCM đã bán gần hết.
Anh cho biết, thời gian gần đây, một ngày trung bình bán được 15 đến 20 con. "Người mua chủ yếu là học sinh, sinh viên. Họ mua về để nuôi kiểng vì loài heo này khôn... hơn chó, nuôi không tăng cân, chỉ có cái bụng lớn ra và rất dễ nuôi", anh bán hàng hồ hởi.
|
Một điểm bán heo kiểng trước cổng trường ĐH Mỹ Thuật TP HCM |
Cũng theo lời anh Bình, những con heo này mới được một tháng tuổi, nặng 2 đến 3 kg. Heo dùng để chơi kiểng có hai loại. Loại khoang đen khoang trắng gọi là heo Mường, giá từ 200 đến 250 ngàn đồng một con. Loại đen từ đầu đến chân gọi là heo mọi, giá bán thường mắc hơn 80 ngàn. Heo được lấy từ các lò ở Bình Dương, Bình Phước, Long An...
Tại các nơi khác như Công viên tao Đàn, đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn quận Bình Thạnh), cầu Sài Gòn... cũng hình thành điểm bán heo nhưng người bán thường xuyên di chuyển. Khách hàng chủ yếu là giới trẻ thường trực sẵn nhiều giờ để tìm được heo con ưng ý.
Anh Tuấn Vũ, tự nhận là người chơi heo kiểng đã hơn 2 năm nay cho biết, người chơi thường chọn heo mọi "vì đó là loại lai từ heo rừng, có móng vuốt đen tuyền rất đẹp. Khi chọn heo phải chọn heo có xoáy trắng trước trán, đó là con heo tốt".
Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ cũng gặp không ít rắc rối xoay quanh những chú heo này. Đinh Minh, nữ sinh trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) kể: "Anh chủ hàng bảo em khi mua về thì đốt một khúc nhang bằng đuôi heo rồi cắm vào toilet là heo nó tự tìm đến "vệ sinh". Em đã làm đúng như thế mà nó có chịu theo đâu. Thôi em sợ rồi, không nuôi nữa đâu. Mấy đứa bạn em cũng kêu trời nữa kìa".
Còn bạn Hoàng Anh, sinh viên trường ĐH Mỹ Thuật TP HCM cũng chia sẻ về con heo mới tậu của mình: " Nó làm rối tung phòng học của mình, hết cắn sách lại chạy qua cắn vở. Bực mình nhất là mỗi lần mẹ lên kiểm tra lại phải đem đi giấu mệt lắm, đã thế nó còn kêu "ủn ỉn" làm mình phải nói dối mẹ là thú nhồi bông tự phát âm thanh".
Theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM, những người buôn bán heo nếu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, hay xác nhận tiêm phòng dịch của cơ quan thú y thì bị coi là buôn bán không hợp pháp. Chi cục sẽ triển khai kiểm tra những điểm bán heo di động này.
Vị chi cục trưởng cũng đưa ra lời khuyên, đây là loại gia súc không sạch sẽ. Nếu không vệ sinh kỹ và kiểm soát được chất thải có thể gây bệnh cho người tiếp xúc.
(Theo VnExpress)