Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được tổ chức ngày 30/6 vừa qua, không chỉ đánh giá lại một chặng đường mà còn mở ra nhiều hướng đi càng ngày càng cụ thể và quyết liệt. Tuy nhiên, ý kiến về việc cho phép các trường hợp sai phạm khắc phục hậu quả để không bị xử lý hình sự, vẫn tiếp tục được bàn tán xôn xao trong nhiều giới, nhiều ngành.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí kiến nghị nghiên cứu giải pháp tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự mà thay bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả. Lý do, đó là cách thu hồi được tài sản thất thoát, mà cũng không phải băn khoăn việc xử lý nhiều cán bộ, đồng chí.
Thu hồi tài sản tham nhũng có dễ không? Hoàn toàn không dễ. Vì hầu hết những kẻ tham nhũng đều rất tinh ranh, luôn khéo léo che giấu tài sản tham nhũng, và chuyển hóa tài sản tham nhũng sang nhiều hình thức do người khác đứng tên sở hữu. Thực tế đã chứng minh, có đối tượng bị tuyên án phải đền bù thiệt hại cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng, nhưng lực lượng thi hành án chỉ kê biên được nửa căn hộ chung cư giá rẻ.
Những kẻ tham nhũng từng nắm giữ quyền lực khá lâu trước khi bị đưa ra ánh sáng công lý. Cho nên, hầu như không có tên trộm nào mới thực hiện hành vi đạo chích một lần đã bị bắt quả tang. Thử điểm lại vài vụ án gần đây, có thể thấy rằng, những đối tượng như Tất Thành Cang hoặc Nguyễn Đức Chung không chỉ liên quan đến một diễn biến gian trá. Nếu vụ án nào họ cũng dễ dàng huy động được số tiền lớn để khắc phục hậu quả, thì không phải ái ngại về nguồn gốc tài chính chăng? Nếu tài sản không minh bạch mà có khả năng tẩy rửa cho sai phạm đã rõ ràng, thì nghe thật chua chát và thật oái oăm.
Ai cũng mong đối tượng tham nhũng thành khẩn khắc phục hậu quả, bằng chính thái độ và hành động của họ. Số tiền khắc phục hậu quả đáng trân trọng nhất là số tiền mà họ đàng hoàng thể hiện trong bảng kê khai tài sản cá nhân để báo cáo định kỳ với tổ chức. Còn toan tính khôn ngoan để giảm tội, mà đối tượng tham nhũng đột ngột có ngay số tiền khổng lồ, thì cần hoài nghi về sự khuất tất có màu sắc bí ẩn hơn.
Thành tựu cốt lõi của quá trình đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực là từng bước khôi phục nhân tâm. Thu hồi tài sản bao nhiêu cũng chỉ khắc phục được một phần của hậu quả tham nhũng. Bởi lẽ, đạo đức cộng đồng và lương tri xã hội không thể nào lấy lại được, nếu đối tượng tham nhũng vẫn nhởn nhơ dùng những đồng tiền dơ bẩn để che chắn bản thân.
Thất bại vật chất chưa bao giờ là dấu chấm hết cho một dân tộc, nhưng thất bại niềm tin thì vô cùng nguy hiểm. Muốn triệt tiêu tham nhũng tối ưu, không thể đặt mục tiêu thu hồi tài sản thất thoát lên hàng đầu, mà phải xây dựng cơ chế giám sát thông suốt và nghiêm khắc, để những kẻ suy đồi chui sâu trèo cao không dám tham nhũng, không thể tham nhũng.