Cụ thể, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), có 1.006 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài (giảm 37,9%), tổng vốn đăng ký đầu tư FDI đạt 10,13 tỷ USD (tăng 7% so với cùng kỳ); 561 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 9,4% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 4,54 tỷ USD, giảm 3,7% so với cùng kỳ; 2.403 lượt góp vốn mua cổ phần (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài giảm 46,1%, tổng giá trị vốn góp đạt gần 2,05 tỷ USD (giảm 55,8% so với cùng kỳ).
Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 7,9 tỷ USD, chiếm 47,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,49 tỷ USD, chiếm 32,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt 1,16 tỷ USD và gần 631 triệu USD. Còn lại là các lĩnh vực khác.
Đã có 86 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư FDI tại Việt Nam, trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,92 tỷ USD, chiếm gần 35,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 7,8% so với cùng kỳ 2020. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,54 tỷ USD, chiếm gần 15,2% tổng vốn đầu tư, tăng 58,2% so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư của Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 81% và 68,3% tổng vốn đăng ký của 2 quốc gia này. Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,2 tỷ USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư, giảm 22,2% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan,…
Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 57 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó Long An dẫn đầu với vốn đầu tư FDI đăng ký 3,58 tỷ USD, chiếm 21,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với vốn đăng ký 1,78 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ ba với 1,33 tỷ USD, chiếm gần 8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Cần Thơ, Hải Phòng, Hà Nội,..
Ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 10,5 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính lũy kế, cả nước có 33.967 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 399 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 242,36 tỷ USD, bằng 60,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.