| Hotline: 0983.970.780

Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp Lai Châu

Thứ Tư 06/10/2021 , 16:49 (GMT+7)

Ngày 6/10, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã đi kiểm tra hoạt động sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Lai Châu.

Tiềm năng phát triển cá nước lạnh

Tại bản Pa Hao, xã Bản Giang, huyện Tam Đường, đoàn công tác đã thăm khu trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học quy quy mô 3.000 con trên diện tích 10ha của hộ ông Trần Văn Tuấn.

Tiếp đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, ông Trần Văn Tuấn chia sẻ, trang trại được đầu tư từ năm 2017 với vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng. Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, các kỹ sư chăn nuôi và 10 công nhân được tổ chức ăn, ở tại chỗ và 2 tháng mới được rời trại.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (thứ 2 từ trái sang) thăm trại chăn nuôi lợn của anh Trần Văn Tuấn ở bản Pa Hao, xã Bản Giang, huyện Tam Đường (Lài Châu). Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (thứ 2 từ trái sang) thăm trại chăn nuôi lợn của anh Trần Văn Tuấn ở bản Pa Hao, xã Bản Giang, huyện Tam Đường (Lài Châu). Ảnh: Minh Phúc.

“Hiện nay, Công ty Cổ phần C.P Việt Nam cung ứng toàn bộ giống, thức ăn và thuốc thú y. Đến thời điểm xuất bán, Công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm và trả công ở mức 4.500 đồng/kg lợn hơi”, ông Tuấn cho biết và đánh giá trong bối cảnh giá lợn bấp bênh như hiện nay, đây là mức lợi nhuận cao và ổn định.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đánh giá cao mô hình chăn nuôi của ông Tuấn khi tỷ lệ lợn chết, thất thoát dưới 1,5%. “Hiện nay, xu hướng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh xa khu dân cư đang phát triển nhanh. Để sản phẩm thịt lợn có chất lượng cao, cần kiểm soát chặt chẽ thức ăn, giảm sử dụng kháng sinh. Thậm chí, phải kiểm soát thức ăn như kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm cho người”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cũng tại huyện Tam Đường, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đến thăm trang khu tổ hợp sản xuất giống và cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm) thương phẩm của HTX Sản xuất nông nghiệp và Dịch vụ xã du lịch Ngũ Chỉ Sơn.

Giám đốc HTX Vũ Văn Cảnh chia sẻ, khu nuôi cá nước lạnh nằm ở độ cao 1.200m, với điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi để cá tầm, cá hồi phát triển. Từ năm 2010 đến nay, HTX đã đầu tư khoảng 40 tỷ đồng để xây dựng 120 bể ương nuôi cá giống.

Khu tổ hợp sản xuất giống và cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm) thương phẩm của HTX Sản xuất nông nghiệp và Dịch vụ xã du lịch Ngũ Chỉ Sơn tại huyện Tam Đường (Lai Châu). Ảnh: Minh Phúc.

Khu tổ hợp sản xuất giống và cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm) thương phẩm của HTX Sản xuất nông nghiệp và Dịch vụ xã du lịch Ngũ Chỉ Sơn tại huyện Tam Đường (Lai Châu). Ảnh: Minh Phúc.

Dự kiến đến năm 2022, sản lượng ước đạt 200 tấn trở lên, chủ yếu được tiêu thụ ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Bên cạnh đó, mỗi năm HTX cũng xuất bán ra thị thị trường khoảng 5 vạn con cá tầm.

Tuy nhiên, hiện nay các bể ương nuôi giống và nuôi cá tầm, cá hồi thương phẩm vẫn nằm xen lẫn nhau. Để hình thành cơ sở sản xuất giống tập trung, quy mô hiện đại cho khu vực, ông Vũ Văn Cảnh kiến nghị tỉnh Lai Châu cấp đất để HTX đầu tư.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ: Tại Sa Pa, một cơ sở nuôi cá nước lạnh tổ chức cả một hệ thống để sơ chế và đóng túi nilon hút chân không vận chuyển về Hà Nội bán rất thuận lợi. Bởi vậy, HTX Ngũ Chỉ Sơn cũng cần học tập kinh nghiệm này để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm cá tầm, cá hồi, qua đó nâng cao lợi nhuận.

Định hướng đưa Mường Tè thành “thủ phủ sâm” phía Bắc

Ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, Lai Châu tuy là tỉnh nghèo nhưng đã ban hành 5 đề án, 5 Nghị quyết về phát triển “tam nông”, trong đó có Nghị quyết về thí điểm hỗ trợ phát triển dược liệu và Nghị quyết hỗ trợ bao bì, nhãn mác và truy xuất vùng trồng.

Cá nước lạnh có tiềm năng phát triển rất tốt tại Lai Châu. Ảnh: Minh Phúc.

Cá nước lạnh có tiềm năng phát triển rất tốt tại Lai Châu. Ảnh: Minh Phúc.

Lai Châu cũng là một trong những tỉnh dành ngân sách để hỗ trợ phát triển nông nghiệp thuộc tốp đầu cả nước với 1.000 tỷ đồng trong 5 năm qua. Ví dụ, tỉnh hỗ trợ 700.000/thùng nuôi ong. Định hướng của tỉnh là hỗ trợ để khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác như doanh nghiệp, HTX, nhóm hộ, còn các cá nhân sẽ được hỗ trợ thấp hơn.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cũng đưa ra 4 kiến nghị dành cho Bộ NN-PTNT. Thứ nhất là Bộ đứng ra giúp tỉnh tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp vào tháng 11 hoặc cuối năm nay. Bởi hơn ai hết, Bộ NN-PTNT là đơn vị hiểu và có mối quan hệ gắn kết với các doanh nghiệp lớn, uy tín trong nông nghiệp.

“Trước đây, từ Chủ tịch đến các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đi khắp nơi để kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào “đậu” ở mảnh đất Lai Châu. Đó là điều đáng tiếc”, ông Trần Tiến Dũng chia sẻ.

Người đứng đầu UBND tỉnh Lai Châu cho biết thêm, độ che phủ rừng của Lai Châu hiện đạt 51%, đây là lợi thế rất lớn để phát triển nuôi ong và chăn nuôi. Lai Châu cũng có nhiều vùng sinh thái phù hợp để nuôi cá nước lạnh. Tuy nhiên, lựa chọn giống nào, công nghệ chăn nuôi ra sao để lan toả các mô hình vẫn là vấn đề lớn.

Lai Châu với loài sâm quý được đánh giá có tiềm năng phát triển rất lớn. Ảnh: Hoàng Anh.

Lai Châu với loài sâm quý được đánh giá có tiềm năng phát triển rất lớn. Ảnh: Hoàng Anh.

Thứ hai, Lai Châu có các cửa khẩu quốc tế, với thị trường vài chục triệu người dân tỉnh Vân Nam – Trung Quốc, tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng ngang Hà Nội. Đặc biệt, sản lượng thịt sản xuất nội tỉnh mới chỉ đáp ứng được 80% nhu cầu, 20% còn lại phải nhập từ các địa phương phía Bắc.

Do đó, nếu không phát triển được các mô hình chăn nuôi lợn, trâu bò, chỉ số CPI của tỉnh rất khó giảm, và người dân rất khó giảm nghèo. Do đó, ông Dũng kiến nghị Bộ NN-PTNT có các dự án chuyển giao khuyến nông, gắn với doanh nghiệp để phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm cho tỉnh.

Thứ ba, theo đánh giá của các chuyên gia thì Lai Châu có 780 loài dược liệu, trong đó 80 loài dược liệu đã được quy hoạch. “Chúng tôi xác định Mường Tè sẽ là huyện dược liệu trong tương lai, trong đó trọng tâm là phát triển diện tích trồng sâm. Viện Dược liệu đã giúp chúng tôi chọn tạo một giống sâm Lai Châu và đang chuyển giao về cho tỉnh. Chất lượng của giống sâm này trồng tại Lai Châu không hề kém so với giống sâm Ngọc Linh”, ông Dũng nói.

Do đó, tỉnh Lai Châu kiến nghị Bộ NN-PTNT chuyển giao giống sâm này và lan toả mô hình, đồng thời nghiên cứu phân tích mẫu đất, kỹ thuật trồng và chăm sóc. Bởi hiện nay, bà con chủ yếu đi lấy sâm trong rừng rồi đem về đắp đất trồng theo kinh nghiệm, không dựa trên cơ sở khoa học.

Về các các kiến nghị của UBND tỉnh Lai Châu, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến giao Cục Chăn nuôi làm đầu mối phối hợp với các đơn vụ thuộc Bộ NN-PTNT và tỉnh Lai Châu để chuẩn bị tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh, trong đó mời gọi các doanh nghiệp nông nghiệp lớn vào đầu tư trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu Trung tâm Khuyến nông Quốc gia bố trí cho Lai Châu các dự án khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật sản xuất gắn với doanh nghiệp để phát triển thành chuỗi giá trị ngành hàng và nâng cao sinh kế cho bà con.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.