| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất cây dược liệu ổn định đầu ra

Thứ Bảy 12/10/2019 , 19:51 (GMT+7)

Bao năm qua, nghề trồng cây dược liệu truyền thống Nghĩa Trai, xã Tân Quang (Văn Lâm – Hưng Yên) giúp người dân phát triển kinh tế. Đầu ra ổn định, cây dược liệu đang mang lại thu nhập cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa.

Phát huy nghề cổ truyền

UBND xã Tân Quang cho biết, địa phương đang trồng gần 20ha cây dược liệu, 38ha hoa cây cảnh, chủ yếu tại thôn Nghĩa Trai. Từ bao đời nay, người dân Nghĩa Trai đã gắn bó với nghề trồng cây dược liệu. Ban đầu chỉ là trồng cây lấy thuốc cứu người, nay thì mở rộng thành vùng sản xuất hàng hóa giá trị cao.

Người dân Nghĩa Trai gắn bó với nghề trồng cây dược liệu truyền thống.

Bà Đỗ Thị Lê, trưởng thôn Nghĩa Trai cho biết, thôn có 560 hộ thì 80% số hộ tham gia trồng cây dược liệu. Đây là nghề truyền thống, nhiều đời cha ông để lại nên cũng chỉ áng chừng tồn tại vài trăm năm, thậm chí cả nghìn năm.

Theo bà Lê, trước nay, người dân đa phần trồng theo kinh nghiệm do cha ông để lại. Người làng Nghĩa Trai có thể đọc vanh vách thời vụ trồng cũng như tên, tác dụng của từng loại cây dược liệu. Nhưng nay, do phát triển theo hướng hàng hóa, cây dược liệu trồng cũng được áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật. Đặc biệt, do các yêu cầu về an toàn thực phẩm, toàn bộ phân bón, thuốc BVTV sử dụng phải là hữu cơ và sinh học.

Hiện nay, 70% diện tích dược liệu của thôn Nghĩa Trai dành để trồng cây cúc chi (cúc hoa vàng). Công dụng chủ yếu của hoa cúc chi là làm trà và dược liệu sau khi sấy khô. Cây thường được xuống giống từ tháng 7 Âm lịch, tới tháng 11 Âm lịch thì thu hoạch. Cao điểm, cúc chi sấy khô sạch có giá tới 800 nghìn đồng/kg.

Cây dược liệu dễ trồng nhưng cũng khó chăm sóc, yêu cầu cao về môi trường sống.

Nhưng để làm ra 1kg cúc sấy khô, người trồng phải dùng tới 6 – 7 kg cúc tươi. Thời gian để sấy được một mẻ cúc khoảng một ngày đêm. Bà Lê cho biết, trong thôn có khoảng 10 nhà xây lò sấy, còn lại thì phơi nắng hoặc bán tươi cho thương lái. Nếu chăm tốt, mỗi sào cúc chi sẽ cho thu khoảng 60 kg cúc khô. Trừ hết chi phí, mỗi sào, người trồng bỏ túi khoảng 20 triệu đồng.

Ba năm trở lại đây, giá các loại dược liệu, đặc biệt cúc chi ổn định, người dân làng Nghĩa Trai vô cùng phấn khởi. Bà Lê tâm sự, năm ngoái nhà trồng 7 sào cúc chi, dù chăm sóc không tốt nhưng cuối vụ vẫn bán lãi khoảng 120 triệu đồng.

Vẫn còn những trăn trở

Nghe có vẻ “ngon ăn”, theo bà Lê, tuy không cực nhọc như trồng lúa, nhưng cũng đầu tắt, mặt tối, cả ngày phơi mưa nắng ngoài cánh đồng. Bởi dược liệu tuy là cây dễ trồng, nhưng đòi hỏi môi trường sống rất cao. “Khô quá hay ẩm quá cây cũng chết. Đặc biệt, nhà nào chủ quan không đánh luống cao, mưa xuống úng vài hôm là chết cả thửa. Nhưng đợt rồi trời hanh khô ít mưa, đất nứt nẻ hết cả. Cứ cách ngày, chúng tôi lại phải mang máy bơm ra đồng tưới cho cây”, bà Lê tâm sự.

 Nghề trồng cây dược liệu đang mang lại thu nhập cao cho người dân Nghĩa Trai.

Ông Đỗ Văn Tuấn, người làng Nghĩa Trai cho biết, gia đình đang trồng 3 sào cúc chi, gần một sào cây hoắc hương. Riêng cây hoắc hương dễ trồng hơn, chỉ sau 3 tháng đã được thu hoạch. Mỗi ngày, hai vợ chồng ông Trấn mang theo 2 bao tải xác rắn ra đồng hái hoắc hương. Thời điểm này, thương lái trả cho người dân khoảng 30 nghìn đồng/kg hoắc hương sấy khô.

Theo ông Tuấn, về đầu ra, thực tế là cung không đủ cầu. Cứ vài ngày, ông lại gọi điện cho thương lái đến tận nhà cân đo, trả tiền tươi thóc thật. Thậm chí, những hôm chưa kịp gọi, thương lái đã chủ động tìm đến thu mua.

Một số người dân tại đây cho biết, rất muốn mở rộng diện tích sản xuất ngặt nỗi diện tích đất hạn hẹp. Có người đã tìm sang những xã lân cận tìm thuê đất nhưng bất thành. Phần vì giá thuê đắt đỏ, phần vì thiếu người chăm sóc, bảo vệ nên chưa ai mở rộng được sản xuất.

Bạt ngàn vườn cây dược liệu ở Nghĩa Trai.

Thêm một vấn đề nữa, người làng Nghĩa Trai đang lo, chỉ dăm năm nữa, ai còn làm nghề dược liệu. Tìm mỏi mắt trên cánh đồng, không có bóng dáng của những người trẻ, thậm chí trung niên. Trưởng thôn Nghĩa Trai chia sẻ, cuối năm đến vụ thu hoạch rộ cúc chi, nhà nào cũng đau đầu kiếm nhân công.

“Như tôi đây phải chạy sang mấy xã bên cạnh, mời họ về làm với giá 250 nghìn đồng/ngày, nhiều khi còn không có người. Thậm chí, nhiều nhà còn tranh nhân công của nhau vì lo thu hoạch không kịp thời vụ”.

Phòng NN-PTNT huyện Văn Lâm cho biết, địa phương có khoảng trên 120ha cây dược liệu, đa dạng như: cúc chi, hoài sơn, ngưu tất, cốt khí, kinh giới, tía tô, đinh lăng...

Những năm qua, huyện đã đầu tư hỗ trợ phát triển vùng sản xuất cây dược liệu tại nhiều xã trên địa bàn. Nhiều vùng dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu, đồng thời xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Xem thêm
Mong ước gửi gắm vào 50 con gà giống

THỪA THIÊN - HUẾ 50 con gà giống cùng thức ăn, kỹ thuật được hỗ trợ hy vọng giúp gia đình chị Nguyễn Thị Hằng ở Kim Đôi, Quảng Thành, Quảng Điền có khởi đầu kinh tế tốt.

Dịch vụ cấp cứu cho... thú cưng

Nhiều người tại TP.HCM không còn ngỡ ngàng với chiếc xe cấp cứu không giống với hầu hết những xe cấp cứu khác, đó chính là xe cấp cứu dành riêng cho thú cưng.

Giống mới kết hợp sản xuất theo VietGAP giúp năng suất chè Kỳ Anh tăng 6-7%

HÀ TĨNH Đưa các giống mới thay thế giống cũ và áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp năng suất cây chè tăng từ 6 - 7%, đồng thời thay đổi ý thức người dân.

Tưới tiết kiệm - giải pháp đột phá

Tưới tiết kiệm đang là một trong những giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là ở Tây Nguyên.

Bình luận mới nhất