“Ra ngoài tử biệt sinh ly/ Văn chương góp một chuyến đi vô cùng”. Người sở hữu một cặp lục bát ấn tượng và sâu sắc về cuộc “ra ngoài” mọi nhẽ cốt để “văn chương góp một chuyến đi vô cùng” là thi sĩ Xuân Trường. Hai câu thơ được trích ra từ “Hai vệt nắng chiều”, một tập thơ được xuất bản vào tháng 9 -2018.
Theo tôi, sự hấp dẫn, sự lôi cuốn của “một chuyến đi vô cùng” nằm ở hành trình tới đích. Hình như với Xuân Trường, đó là hành trình vui, hành trình buồn, hành trình vui mà buồn, buồn mà vui; hành trình được, hành trình mất, hành trình được mà mất, mất mà được; hành trình trộn lẫn giữa bóng tối và ánh sáng, giữa ánh sáng và bóng tối. Rồi cao hơn là hành trình kiên nhẫn sống, kiên nhẫn làm người, sao cho đời với đạo, đạo và đời là một và chỉ là một.
Tới “Đếm lại bước chân mình” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành, Xuân Trường vẫn tiếp tục làm không phải một chuyến đi mà nhiều chuyến đi trong cái mạch từ hiện tại mà nhìn lại quá khứ, ngoảnh nhìn quá khứ từ hiện tại mà trở về mình, trở về bản thể mình.
Về bản chất, “Đếm lại bước chân mình” là một bài thơ dài nương theo hành trình thời gian, thiên về tự sự trong một “vỏ bọc” trữ tình, bắt đầu bằng “Khúc hát quê hương” và kết thúc bằng “Xin nhận nơi này làm quê hương thứ hai”.
Điều đáng ghi nhận đầu tiên là “Đếm lại bước chân mình” đã mang đậm dấu ấn cá nhân và dấu ấn thời cuộc. Hai câu hỏi quan trọng: Anh là ai? và thời đại anh sống là thời đại nào? đã được trả lời khá thấu đáo bằng những câu thơ giàu vốn sống và giàu trải nghiệm.
Đó là chuyện kể và lời tâm sự bằng thơ của cuộc đời đầy sóng gió và nhiều bước ngoặt đáng nhớ của Xuân Trường trong những biến thiên đầy thăng trầm của lịch sử, trải dài từ những năm tháng thơ ấu cho đến khi đã ở tuổi hoàng hôn.
Trong hàng trăm câu trên sáu dưới tám truyền thống, độc giả có thể tìm ra được những cặp lục bát đáng nhớ được viết kiểu Xuân Trường: “Đưa tay ra chạm vuông tròn/ Về nhà khép lại đôi con mắt buồn”; “Viết lòng lên tuổi đôi mươi/ Viết chiều lên phía nụ cười dở dang”;
“Hoàng hôn ru ngủ mặt trời/ Tôi ru em thức một thời không nhau/ Gối đêm Phù Cát không màu/ Trống không một giác nghe đau một đời”; “Cúc quỳ yên lặng vàng hoa/ Lưng đèo nắng lạnh tôi và mênh mông”;
“Chạm ly uống nhớ từ lâu/ Để cho vừa đủ nhắc nhau nỗi mình”; “Bạn - tôi – hai hạt bụi này/ Rơi vào nhân thế từ ngày xa xưa/ Để mà cõng nắng gánh mưa/ Thiếu yên ổn mà lại thừa gian truân”…
Hoặc những câu thơ tự do lay gợi, thương cảm và rất thi sĩ mang dấu ấn Xuân Trường: “Pleiku đây rồi xứ lạnh nắng hanh hao/ Xứ của quanh năm mây thấp với trời gần/ Của sương gió, của cúc quỳ vàng đến nao lòng du khách/ Của tháng sáu mưa đất trời như tụ lại/ Của những nỗi buồn gọi mãi chẳng thành tên;
Không biết tôi đã cạn bao nhiêu chiều/ Mà hoàng hôn vẫn còn mãi trong ly; Trên độ cao một ngàn bảy trăm mét/ Đất vàng đã phệt vào tôi màu Đông Trường Sơn hối hả/ Mà phong lan chờ đợi đến bao giờ/ Ai đã bỏ quên chỗ ngồi và tiếng hát bâng khuâng;
Có cúc quỳ nở toang ngày bối rối/ Vàng hết mình vào ta ngày xa nhau; Những cái chết chưa hết đâu trong thời hậu chiến/ Và chúng ta đã thương nhau những năm tháng núi rừng…”.
Tuy có lúc nghi hoặc đặt ra câu hỏi tự vấn lòng mình: “Đời còn phải bao nhiêu lần đi đến/ Mà đến đâu rồi lại về đâu?” nhưng về căn bản, Xuân Trường vẫn là người tin: “Hạnh phúc có khi là những ước mơ bình thường đã đi và đến”.
Đọc hai câu kết: “Hôm nay đếm bước chân mình/ Ngoái đầu nhìn lại đăng trình đã xa”, tôi càng tin Xuân Trường không quên hiện tại. Bởi theo thói thường, con người ta hay ngoái nhìn hôm qua, hướng tới ngày mai mà quên mất hôm nay.
Riêng Xuân Trường không thế! Từ điểm nhìn hiện tại, ông đã soi rọi quá khứ, đặng đứng trên vai người-khổng-lồ-quá-khứ mà viết, mà sống và tiếp tục nối dài tương lai. Ông đã đếm lại bước chân mình và chuyển tải cảm xúc đến với người đọc với sự khởi đầu bằng thể thơ lục bát rồi tung tẩy lên với thể thơ tự do chuyển qua thể tám chữ, năm chữ rồi trở về với thể thơ lục bát, đấy cũng là cách làm cho độc giả dể chịu trong quá trình cảm nhân.