| Hotline: 0983.970.780

Thu nhập của lao động ngành nông, lâm, thủy sản Quý III tăng chậm

Thứ Năm 06/10/2022 , 13:30 (GMT+7)

So với khu vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ, lao động ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng thu nhập bình quân chỉ hơn 500.000 đồng so với cùng kỳ 2021.

Lao động ngành nông nghiệp có thu nhập trung bình khoảng 3,9 triệu đồng/tháng trong Quý III/2022.

Lao động ngành nông nghiệp có thu nhập trung bình khoảng 3,9 triệu đồng/tháng trong Quý III/2022.

Báo cáo Tình hình lao động việc làm Quý III và 9 tháng năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, bức tranh về lao động việc làm của nền kinh tế Việt Nam có nhiều khởi sắc.

Đáng chú ý nhất là về thu nhập bình quân tháng của người lao động. Trong Quý III năm 2022, thu nhập bình quân là 6,7 triệu đồng, tăng 143 nghìn đồng so với quý trước. Đây là bước tiếp nối sau thành công tăng trưởng của Quý II năm nay: tăng so với Quý I, đi ngược xu thế hàng năm là giảm.

So với cùng kỳ năm 2021, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thu nhập bình quân của người lao động Quý III năm 2022 tăng 30,1%, tương ứng khoảng 1,6 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước dịch, đời sống của người lao động về cơ bản đã trở lại trạng thái bình thường mới. Theo tính toán, thu nhập bình quân Quý III năm 2022 tăng 14,5%, tương ứng khoảng 854 nghìn đồng.

Cụ thể từng khu vực kinh tế, lao động làm việc ở lĩnh vực công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất, khoảng 31,9%, tương ứng khoảng 1,9 triệu đồng, và đạt mức 7,7 triệu đồng.

Nhưng so giá trị tuyệt đối, lao động trong ngành dịch vụ có thu nhập bình quân khoảng 8 triệu đồng, tăng 29,4%, tương ứng khoảng 1,8 triệu đồng.

Cuối cùng, lao động làm việc trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập bình quân thấp nhất, chỉ là 3,9 triệu đồng, tăng 16,6%, tương ứng khoảng 558 nghìn đồng.

Du lịch dịch vụ vẫn là khu vực hấp dẫn người lao động nhờ thu nhập cao.

Du lịch dịch vụ vẫn là khu vực hấp dẫn người lao động nhờ thu nhập cao.

Về lực lượng lao động, số lao động từ 15 tuổi trở lên trong Quý III là 51,9 triệu người, tăng hơn 200 nghìn so với quý trước và gần 2,8 triệu so với cùng kỳ năm 2021. Lực lượng lao động tăng khá đồng đều ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị.

Trong số 51,9 triệu người này, 50,8 triệu người có việc làm, tăng hơn 255 nghìn người so với quý trước và tăng 3,5 triệu người so với Quý III năm 2021 - thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19.

Lao động trong khu vực dịch vụ hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất với 39%, tương đương 19,8 triệu người. Tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 33,4%, tương đương gần 17,0 triệu người. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng thấp nhất, 27,6%, tương đương 14 triệu người.

Tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng tăng nhẹ so với quý trước (tăng 0,1 điểm phần trăm).

So với quý trước, lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 147 nghìn người và tăng 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lao động trong ngành dịch vụ tăng 5,5 nghìn người so với quý trước và tăng 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 102,6 nghìn người so với quý trước và giảm hơn 432 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng số 23,7 triệu người từ 15 tuổi trở lên không tham gia thị trường lao động của Quý III, 12,6 triệu người trong độ tuổi lao động, tập trung nhiều nhất ở nhóm 15-19 tuổi (5,9 triệu người).

Xem thêm
Những thực phẩm hàng đầu Hà Nội tham gia hội chợ Foodservice Australia 2024

Sở NN-PTNT Hà Nội phối hợp với Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia sẽ tổ chức đoàn xúc tiến thương mại tham gia hội chợ Foodservice Australia 2024 tại Sydney.

Hỗ trợ sinh kế và 12.000 vịt giống giúp nông dân thoát nghèo

THANH HÓA Ngày 16/5, tại Thường Xuân, Tập đoàn Mavin phối hợp với tổ chức World Vision trao tặng 12.000 vịt giống trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ sinh kế giai đoạn 2022 - 2024.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.