| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng thị trường lao động chất lượng 'vàng', năng suất cao

Thứ Bảy 20/08/2022 , 13:49 (GMT+7)

Tại thị trường lao động Việt Nam, cơ cấu lao động phần lớn có kỹ năng hạn chế, thu nhập thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường.

Chất lượng lao động tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và kì vọng.

Chất lượng lao động tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và kì vọng.

Nhu cầu thông tin của thị trường lao động rất lớn

Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang, với vai trò, trách nhiệm của tổ chức đại diện cho người lao động, thời gian qua các cấp Công đoàn đã quan tâm, triển khai nhiều hoạt động, giải pháp thiết thực để chăm lo đời sống và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Để có thể phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập, đầu tiên, Tổng Liên đoàn xin đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo triển khai quyết liệt chính sách hỗ trợ cho người lao động đã được ban hành trong thời gian qua theo những mốc Bộ LĐ-TB&XH đã ấn định, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, cấp thiết của những chủ trương, chính sách nhân văn đã ban hành.

Tiếp đó, cần tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề, giúp cung cấp lượng lớn lao động có tay nghề kịp thời cho các doanh nghiệp thiếu hụt sau dịch, đặc biệt đối với những lĩnh vực: may mặc, giầy da, điện tử… Chú trọng đào tạo theo các đơn đặt hàng của các doanh nghiệp.

Các cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương cần chú trọng hơn nữa trong kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật về lao động, để kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật lao động về quyền lợi của người lao động như tiền lương, việc nghỉ ngơi, công tác an toàn vệ sinh lao động…

Ông Nguyễn Đình Khang cho biết, với vai trò, trách nhiệm của tổ chức đại diện cho người lao động, thời gian qua các cấp Công đoàn đã quan tâm, triển khai nhiều hoạt động, giải pháp thiết thực để chăm lo đời sống và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Ông Nguyễn Đình Khang cho biết, với vai trò, trách nhiệm của tổ chức đại diện cho người lao động, thời gian qua các cấp Công đoàn đã quan tâm, triển khai nhiều hoạt động, giải pháp thiết thực để chăm lo đời sống và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

"Về lâu dài, đây là thị trường đặc biệt liên quan đến người lao động nên cũng phải tuân thủ theo các quy luật khách quan, bảo đảm sự can thiệp của Nhà nước vì liên quan đến người lao động, đối tượng rất đặc biệt trong thị trường. Theo đó, cần có dự báo phát triển của thị trường, nhất là ở những ngành mũi nhọn, trí thức cao, qua đó phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, chính sách thu hút đầu tư… từ đó kịp thời hoạch định các chương trình, mục tiêu đặt ra để cung ứng lao động cho thị trường", ông Nguyễn Đình Khang kiến nghị.

Bên cạnh đó, cần xây dựng dữ liệu thông tin phục vụ thị trường và đầu tư hạ tầng cơ bản để phục vụ cho người lao động tại những nơi thị trường lao động có hướng phát triển như ở các tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp.

Ngoài ra, cần phải có đào tạo kỹ năng, có khung chương trình đạo cơ bản, tăng thời gian thực hành, có thời gian nhất định để học về chính trị, Nhà nước, giai cấp, bồi dưỡng, nâng cao giác ngộ chính trị cho công nhân và người lao động.

Dân số 'vàng' nhưng chất lượng lao động chưa cao

"Trên thực tế, Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn dân số 'vàng' nhưng chất lượng lao động lại chưa phải là 'vàng'. Tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt 26,1%; cơ cấu lao động phần lớn có kỹ năng hạn chế, thu nhập thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường. Việc thay đổi kỹ năng của lao động phụ thuộc vào công tác đào tạo nhưng sự thay đổi chương trình đào tạo chính quy tại các trường giáo dục nghề nghiệp luôn có độ trễ so với nhu cầu trên trị trường lao động. Vì vậy, các chương trình đào tạo ngắn hạn trực tiếp tại doanh nghiệp được coi là một trong những giải pháp tối ưu để có thể giải quyết vấn đề thiếu hụt về kỹ năng lao động hiện tại", Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công chia sẻ.

Theo đó, đại diện VCCI cho rằng, thứ nhất, trước mắt, chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động khi gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 cần linh hoạt hơn trong cơ chế phối hợp giữa đơn vị sử dụng lao động với cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm các phương án phù hợp với nhu cầu vị trí việc làm của doanh nghiệp. Kéo dài thời gian thực hiện chính sách và điều chỉnh các điều kiện để có thêm nhiều doanh nghiệp và người lao động được tham gia.

"Tổng kinh phí dự kiến chi cho chính sách này là 4.500 tỷ đồng được trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Mặc dù được triển khai từ 1/7/2021, hạn cuối để các doanh nghiệp nộp hồ sơ là 30/6/2022, nhưng qua 1 năm, rất ít doanh nghiệp đăng ký tham gia và mới chỉ 17 tỉnh, thành phố phê duyệt cho 57 đơn vị, hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho gần 12.000 lao động. Một con số rất khiêm tốn so với mục tiêu 4.500 tỷ đồng đề ra để thực hiện chính sách", ông Phạm Tấn Công bày tỏ.

Thứ hai, VCCI đề nghị Chính phủ xem xét có những quy định hướng dẫn về đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp (thời gian, nội dung, yêu cầu về giáo viên và cơ sở vật chất), có cơ chế hợp tác giữa nhà trường-cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong việc xây dựng và thẩm định chương trình đào tạo tại doanh nghiệp cũng như ban hành cơ chế công nhận về mặt văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận cho người lao động được đào tạo tại doanh nghiệp.

Ông Phạm Tấn Công cho rằng các chương trình đào tạo ngắn hạn trực tiếp tại doanh nghiệp được coi là một trong những giải pháp tối ưu để có thể giải quyết vấn đề thiếu hụt về kỹ năng lao động hiện tại. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Ông Phạm Tấn Công cho rằng các chương trình đào tạo ngắn hạn trực tiếp tại doanh nghiệp được coi là một trong những giải pháp tối ưu để có thể giải quyết vấn đề thiếu hụt về kỹ năng lao động hiện tại. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thứ ba, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét có ưu đãi giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp thực hiện các chương trình đào tạo nội bộ tại doanh nghiệp đáp ứng đúng tiêu chuẩn về đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp. Hiện tại, Luật Giáo dục nghề nghiệp chỉ quy định các ưu đãi cho doanh nghiệp có thành lập trung tâm/trường/cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc doanh nghiệp và các cơ sở này phải hoạt động như một đơn vị đào tạo chuyên nghiệp.

Thứ tư, cần tăng cường hiệu quả hợp tác doanh nghiệp, nhà trường.

"Việt Nam đang có mục tiêu và khát vọng trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Chìa khóa vàng để mở cánh cửa đầu tiên đến với mục tiêu này là nhanh chóng xây dựng lực lượng lao động chất lượng 'vàng', có năng suất cao, thu nhập cao. Để thực hiện điều này, cần có những giải pháp mạnh và đột phá trong đó có việc tạo điều kiện và phát huy vai trò của doanh nghiệp không chỉ là người sử dụng mà là chủ thể trực tiếp tham gia bồi dưỡng đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động. Đồng thời quan tâm tạo môi trường phát triển nhanh, bền vững vì một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập chỉ có thể có được khi doanh nghiệp phát triển phát triển hiện đại, bền vững, hội nhập", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Báo cáo PCI 2021 do VCCI thực hiện cũng phản ánh, đánh giá về chất lượng lao động tại các địa phương từ góc nhìn của doanh nghiệp FDI tương đồng với nhận định trên. Theo đó, khi doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thay thế hoặc mở rộng, nhóm lao động mà các doanh nghiệp có thể dễ dàng tuyển dụng hơn cả là công nhân, lao động phổ thông (62%). Tiếp đến là nhóm kế toán (42%), cán bộ kỹ thuật (25%) và quản lý, giám sát (20%). Nhóm lao động có mức độ khó nhất khi tuyển dụng là giám đốc điều hành (15%).

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chinh phục thị trường châu Âu

CZECH Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Czech để cùng phát triển ngành hóa chất, phân bón và nông nghiệp.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.