Cách đây chục năm do chưa có kiến thức kỹ thuật, bưởi ở Đại Minh thường xuyên mất mùa, có cũng chẳng được bao nhiêu, người dân nản không muốn chăm sóc. Năm 2007 bà con được Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ NN- PTNT) hướng dẫn phương pháp thủ công thụ phấn chéo cho bưởi.
Từ đó, cây bắt đầu đậu quả trở lại và đưa lại hiệu quả kinh tế rất cao. Hai năm gần đây cả xã đều thực hiện cách làm này. Sau tết Nguyên đán, từ người già đến trẻ nhỏ đều ra vườn thụ phấn cho hoa bưởi, nhà trồng nhiều thì thuê thêm người.
Bà con cho hay, phương pháp này đơn giản nhưng phải tỉ mỉ, hoa bưởi để thụ phấn phải lấy hoa từ cây bưởi khác dòng như bưởi chua, bưởi hạt, bưởi Diễn… sau đó chấm vào từng đài của hoa cái.
Trong quá trình làm họ sáng tạo ra những dụng cụ khá tiện ích, cắt chai nhựa buộc dây đeo vào cổ để đựng hoa bưởi đực, hoa ở cành la không trèo được thì dùng đoạn cây vót nhọn châm hoa đực vào đó để thụ phấn cho những chùm hoa trên ngọn và ở những cành la.
Sau khi áp dụng cách làm này thấy hiệu quả rõ ràng qua từng năm, mọi người chăm chút đầu tư nhiều hơn, không bỏ bê như trước và coi đây là loại cây làm giàu.
Gia đình chị Trần Thị Định ở thôn 8 có 50 gốc bưởi, trước kia chưa áp dụng phương pháp này mỗi năm chỉ thu được 5 - 6 triệu đồng, mặc dù chăm sóc và phun thuốc đậu quả nhưng không ăn thua. Từ ngày áp dụng cách làm này vườn bưởi của chị cho thu 50 triệu là chuyện bình thường.
Những gia đình trồng nhiều thì phải thuê người thụ phấn cho hoa bưởi, tiền công từ 150.000 - 200.000 đồng/người/ngày, mùa này cũng là cơ hội tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Nhiều nhà phải đầu tư đến cả chục triệu đồng để thuê người.
Anh Nguyễn Mạnh Ân, trưởng thôn Quyết Tiến vui vẻ nói: "Thời tiết năm nay thuận hơn năm ngoái, mưa ít hơn. Nhà tôi có 100 gốc bưởi cho quả, năm ngoái mưa như thế còn thu được 200 triệu đồng, năm nay có thể được nhiều hơn".