| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 26/08/2020 , 05:35 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 05:35 - 26/08/2020

Thu phí thoát nước, liệu nước có thoát?

Chỉ sau 4 năm, mức phí tăng gần 300%. Người dân hễ đổ mỗi lít nước vào nồi cơm là phải cõng thêm mấy chục đồng phí chống ngập.

Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh vừa có tờ trình gửi UBND thành phố về việc ban hành giá phí dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2024, với mức phí năm 2020 là 1.430 đồng/m3 nước sinh hoạt; năm 2021 là 2.033 đồng; năm 2022 là 2.694 đồng; năm 2023 là 3.426 đồng và năm 2024 là 4.237 đồng.

Như vậy, chỉ sau 4 năm, mức phí đã tăng gần 300% so với mức khởi điểm là năm 2020. Người dân hễ đổ mỗi lít nước vào nồi cơm là phải cõng thêm mấy chục đồng phí chống ngập.

Thông tin này khiến cư dân TP đặc biệt quan tâm. Chống ngập và xử lý nước thải là vấn đề cực kỳ nan giải của thành phố đông dân nhất nước, đang đóng vai trò đầu tàu kinh tế này. Hàng chục năm nay, cư dân thành phố phải oằn lưng trước cảnh động mưa hay gặp triều cường là ngập.

Nguyên nhân gây ngập thì có rất nhiều, nào nén chung cư dầy đặc trong thành phố, nào bê tông hóa mọi ngóc ngách không còn một chỗ hở cho nước mưa ngấm qua đất, nào khai thác nước ngầm quá mức khiến đất sụt lún...

Dự án thoát nước có giá trị chục ngàn tỷ đồng, niềm hy vọng của cư dân TP là nếu xong sẽ hết ngập, nhưng qua cả chục năm, đến nay vẫn chưa thể đưa vào vận hành được vì... chậm tiến độ, vì... mưa to vượt quá thiết kế và cả chục lý do rất khó nghe khác.

Tóm lại là vẫn không giải quyết được cảnh người dân toát mồ hôi, bì bõm đẩy xe trên những con đường “phố cũng như sông” sau mỗi trận mưa.

Xã hội hóa việc chống ngập bằng cách thu phí. Đồng ý thôi, nhưng câu hỏi thứ nhất được đặt ra là những đồng tiền mồ hôi nước mắt của người dân thành phố sẽ được sử dụng như thế nào? Và thứ hai là sau mấy năm đóng phí thì người dân có thể vẫn phóng xe vèo vèo trên các đường phố bất chấp mưa to, bất chấp triều cường?

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, thì số lượng phí thu được ấy sẽ dành 1% chi phí cho người đi thu và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính (nếu có). Số còn lại sẽ nộp vào ngân sách để đầu tư, duy trì và phát triển hệ thống ống thoát nước.

Thế nhưng quý Sở lại không hề đề cập đến việc số tiền năm thứ nhất thu được là bao nhiêu, dùng để làm gì? Năm thứ hai, thứ ba, thứ tư thu được bao nhiêu, dùng để làm gì và sau 4 năm thu phí thì có hết ngập không?

Hay là năm thứ năm... thứ mười vẫn tiếp tục thu với mức phí mỗi m3 năm sau lại cao hơn năm trước, trong khi sau mỗi trận mưa hay sau mỗi đợt triều cường thì lại tiếp diễn cảnh “phố cũng như sông”?

Cách đây vài chục năm, một tờ báo đã giật một cái tít cho bài viết nêu lên thực trạng của dự án thoát nước Hà Nội của mình là “dự án thoát nước Hà Nội. Tất cả đều thoát, trừ nước”. Bài báo đã gây xôn xao dư luận cả nước.

Liệu cái tít ấy có được giật lại cho việc thoát nước chống ngập ở TP.HCM, sau khi hàng chục ngàn tỷ tiền phí chống ngập đã được thu?