| Hotline: 0983.970.780

Thủ phủ dược liệu lừng danh điêu đứng

Thứ Tư 30/10/2019 , 15:35 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, nhiều gia đình trồng, chế biến dược liệu ở thủ phủ dược liệu của cả nước - xã Bình Minh (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) rơi vào tình trạng khóc dở mếu dở.

09-10-37_nh_1
Những thiết bị chế biến dược liệu đã lâu ngày không được sử dụng đến.

Giờ đây, ở Bình Minh, những vườn dược liệu trống hoang, những kho dược liệu hàng tỷ đồng đắp chiếu, nợ nần chồng chất do Trung Quốc không nhập sản phẩm này từ Việt Nam.
 

Ngừng nhập dược liệu qua tiểu ngạch

Bình Minh là nơi cung cấp cây dược liệu, cây tinh dầu, chế biến dược liệu lớn nhất cả nước, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn để xuất khẩu, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.

Vài năm gần đây, diện tích trồng dược liệu ở Bình Minh và các xã lân cận thuộc huyện Văn Giang, Khoái Châu đã giảm dần do diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, nhưng để có đủ nguồn nguyên liệu chế biến phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, người dân Bình Minh đã đi khắp các nơi trong cả nước tìm kiếm nguồn nguyên liệu, thuê đất sản xuất dược liệu.

Vào mùa thu hoạch dược liệu, từ sớm tinh mơ, nhà nhà làm dược liệu, người người làm dược liệu, cả xã Bình Minh như một nhà máy sản xuất dược liệu khổng lồ nhộn nhịp, khẩn trương để cho ra đời sản phẩm chất lượng cao phục vụ thị trường.

Tuy nhiên, theo người dân Bình Minh, từ đầu năm 2019 đến nay, cùng với việc ban hành các hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm nông sản của Việt Nam nói chung, Trung Quốc đã cấm nhập sản phẩm dược liệu từ Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Người trồng dược liệu không bán được nguyên liệu, người chế biến không xuất khẩu được sản phẩm, sản xuất, chế biến dược liệu ngừng trệ. Những gia đình trồng, chế biến dược liệu rơi cảnh nợ nần.

Vừa gặp chúng tôi, anh Phạm Văn Tuynh ở thôn Thiết Trụ, xã Bình Minh than: “Trước đây, thi thoảng Trung Quốc cũng dừng nhập khẩu dược liệu, nhưng chỉ diễn ra một thời gian ngắn rồi lại tiếp tục nhập. Vì thế nhiều người trong chúng tôi vẫn tiếp tục vay ngân hàng, bỏ vốn ra đầu tư thu mua nguyên liệu cho dân, chế biến, đưa vào kho để chờ ngày Trung Quốc cho nhập trở lại.

Nhưng có lẽ, lần này thì khác hoàn toàn, chúng tôi cứ chờ, chờ mãi từ đầu năm đến nay, tư thương Trung Quốc vẫn bặt vô âm tín, không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ nhập dược liệu trở lại. Nợ nần đang ngày một chồng chất thêm”.

09-10-37_nh_2
Khoảng 5 tỷ đồng sa nhân đất của gia đình anh Tuynh đang nằm “đắp chiếu”.

Gia đình anh Phạm Văn Tuynh có truyền thống thu mua, chế biến, xuất khẩu dược liệu đã hơn 20 năm nay, là một trong những đại gia dược liệu nổi tiếng nhất vùng. 

Anh Tuynh thu mua cây dược liệu của bà con trong xã Bình Minh, các xã khu vực xung quanh và đi khắp các tỉnh như Đắk Nông, Sơn La, Bình Phước, Gia Lai… để gom nguyên liệu về chế biến thành các vị thuốc, xuất hàng cho phố Lãn Ông, phố Thuốc Bắc ở Hà Nội, phố đông y Hải Thượng Lãn Ông, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng... ở thành phố Hồ Chí Minh và đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Những năm trước, mỗi năm gia đình xuất khẩu cả nghìn tấn dược liệu đi Trung Quốc.

“Nhưng từ khoảng một năm trở về đây, Trung Quốc đột nhiên ngừng nhập hàng dược liệu của Việt Nam. Vào khoảng tháng 3/2019, các đầu mối Trung Quốc thông báo cho nhập hàng dược liệu trở lại nhưng phải đáp ứng được yêu cầu của họ về xuất xứ, nhãn mác, chữ Trung Quốc… theo đúng theo quy định của họ.

Chúng tôi đã thực hiện theo đúng yêu cầu của họ và xuất khẩu sang Trung Quốc được một số lô hàng. Tưởng chừng như đã thoát cơn hoạn nạn, thông thương trở lại bình thường, được gần một tháng Trung Quốc lại ngừng nhập mà chưa rõ lý do”, anh Tuynh cho biết.
 

Hóng tin

Có mặt tại Bình Minh vào thời điểm này, thay vì được hòa cùng không khí nhộn nhịp sản xuất, chế biến, xuất khẩu dược liệu ở một thủ phủ lừng danh nhất cả nước là một không khí ảm đạm, tê tái. Người trồng, chế biến, buôn bán, xuất khẩu dược liệu liên tục nhấc máy điện thoại hỏi nhau, đến ngồi với nhau để hóng thông tin từ phía Trung Quốc.

09-10-37_nh_4
Diện tích trồng địa liền ngày càng thu hẹp, người dân dần chuyển hướng sang trồng các loại cây khác.

Những câu hỏi như “có tín hiệu gì mới từ Trung Quốc không”, “vì sao họ lại ngừng nhập khẩu”, “hay họ đã chủ động được nguồn nguyên liệu”, “bao giờ anh nhập nguyên liệu trở lại”, “chuyển đổi trồng cây gì thay thế cây dược liệu nhỉ”… cứ lặp đi lặp lại liên tục mà không có một câu trả lời nào thỏa đáng.

Có mặt tại các các cơ sở chế biến tại Bình Minh, máy móc nằm chỏng chơ, lao động không một bóng người, các kho chất đầy dược liệu đã xuống cấp, những ông chủ đi ra đi vào hút thuốc lào và uống trà vặt. Những hộ sản xuất kinh doanh càng lớn, ôm càng nhiều hàng thì càng điêu đứng, như ngồi trên đống lửa.

“Dược liệu không bán được, tiền sản xuất thì đi vay, mỗi tháng phải trả lãi ngân hàng cả trăm triệu đồng thì sống làm sao được. Gia đình tôi hiện đang bị đọng khoảng 5 tỷ sản phẩm sa nhân đất nhập từ Đắk Nông về chế biến gần 2 năm nay không xuất bán được sang Trung Quốc. Cứ tình hình thế này, chắc vỡ nợ mất”, một ông chủ chế biến dược liệu cho hay.

Ông trùm dược liệu Phạm Văn Tuynh mới hơn một năm trước quyết định mở rộng đầu tư nhà xưởng bằng nguồn vốn vay ngân hàng 7 tỷ đồng. Nhưng nhà xưởng vừa xây dựng hoàn thành thì Trung Quốc ngừng nhập khẩu. 7 tỷ đồng giờ nằm không, lãi ngân hàng cứ đến ngày phải trả.

Cùng trong tình trạng chung nơi đây, gia đình anh Nguyễn Văn Rồng, một trong những đại gia thu mua và chế biến dược liệu, dù đã may mắn hơn người khác, nhưng cũng đang ngồi trên đống lửa, hóng từng ngày được thông thương trở lại với Trung Quốc.

09-10-37_nh_3
Hơn 10 tấn địa liền của anh Rồng khoảng hơn năm nay không xuất bán được.

Anh Rồng giãi bày: Hiện gia đình đang đọng mất hơn 10 tấn địa liền, với giá bán sang Trung Quốc là khoảng 75.000 đồng/kg, tức là khoảng 1 tỷ đồng đang đắp chiếu trong xưởng chờ ngày mốc, hỏng. Gia đình tôi còn may mắn hơn nhiều hộ khác vì có bà chị biết mối bán giúp được hơn 2 tỷ địa liền sang thị trường Ấn Độ chứ không thì giờ này chắc cũng khóc dở mếu dở.

“Nếu Trung Quốc tiếp tục ngừng nhập hàng đến hết năm nay, nghề chế biến dược liệu xuất khẩu sẽ bị phá sản. Hiện nay, không ít hộ trồng dược liệu đã chuyển đổi, hộ nào kiên trì thì bỏ ruộng không để đợi ngày Trung Quốc cho nhập dược liệu trở lại. Còn đối với các ông chủ chế biến dược liệu thì giỏi cũng chỉ cầm cự được 2 năm là cùng, rồi cũng phải bán đất, bán nhà xưởng để mà trả nợ ngân hàng thôi” – anh Rồng khẳng định.

Làm gia công còn không có đồng nào

"May sao, gần 2 tháng nay, có một bạn hàng bên Trung Quốc có nhu cầu nhập sản phẩm cau sấy khô, tận dụng cơ sở chế biến đang nằm không, tôi đi thu mua cau về sấy, túc tắc cùng kiếm được mỗi ngày vài đồng để trả lãi ngân hàng.

Hiện ông bạn này đang ở trực tiếp tại xưởng của tôi để hướng dẫn công nhân từ khâu nhập hàng, chế biến, nhãn mác… còn việc xuất sang Trung Quốc, giá cả như thế nào họ trực tiếp làm.

Như thế có nghĩa là, chúng tôi chỉ làm gia công cho họ, gần như là cho họ thuê lại xưởng để sản xuất do đó lợi nhuận có nhưng không đáng là bao, nhưng còn hơn không có đồng nào", anh Phạm Văn Tuynh cho biết.

Người dân chế biến dược liệu nơi đây vẫn đang mong ngóng từng ngày sản phẩm dược liệu truyền thống của Bình Minh được thông quan trở lại để vào thị trường Trung Quốc.

Tỷ phú dần thành… con nợ

Bình Minh có trên 40 hộ dân chuyên chế biến, xuất khẩu dược liệu sang thị trường Trung Quốc là 40 tỷ phú, nhưng từ ngày Trung Quốc ngừng nhập hàng, hộ ít thì đắp chiếu một vài tấn, hộ nhiều thì đắp chiếu vài chục tấn, các tỷ phú đã, đang trở thành những con nợ.

Các sản phẩm dược liệu như địa liền, sa nhân đất, khúc khắc, cẩu tích (hay còn gọi là lông cu li)… đều ứ đọng hàng loạt tại các hộ thu mua và chế biến nơi đây.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dư nợ cho vay của Agribank đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 11%

Tổng nguồn vốn Agribank đạt trên 2 triệu tỷ đồng, tăng 7,6%. Dư nợ cho vay đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, trong đó 65% dư nợ cho vay phát triển 'Tam nông'.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.