Thủ phủ hành tỏi rộn tiếng cười ngày cuối năm
Thứ Năm 23/01/2025 , 07:03 (GMT+7)Nếu bán kịp trà sớm, người trồng hành có thể lãi đến 12 triệu đồng/sào. Vào cuối tháng chạp, giá giảm nhưng lợi nhuận vẫn được giữ ở mức 6-8 triệu đồng/sào.

Giáp Tết, bà Tống Thị Huyên, thôn Lộ Xá, xã Thăng Long, thị xã Kinh Môn, Hải Dương tranh thủ thu hoạch thêm mấy sào hành tím. Do đặc tính thơm, ngon, phù hợp với nhiều món ăn dịp cuối năm như thịt mỡ, giò xào... nên hành tím thường tăng trưởng nhu cầu những ngày này.
"Giá không cao như đầu vụ nhưng vẫn bán tại ruộng được 15.000 - 17.000 đồng/kg", bà Huyên nói. Theo lời bà, một số hộ trồng sớm, giá bán có thể cao hơn, vượt ngưỡng 25.000 đồng/kg.

Khí hậu năm nay phù hợp với cây vụ đông, trong đó có hành. Năng suất tại nhiều vùng trong thôn Lộ Xá đạt mức 8-9 tạ/sào (Bắc bộ) khiến người dân phấn khởi.
Cây hành gắn bó với Kinh Môn đã hàng trăm năm. Gần như toàn bộ diện tích trồng hành trong thị xã đều hình thành các vùng sản xuất tập trung. Vụ đông năm nay, riêng Kinh Môn đã gieo trồng gần 4.000ha, đứng số một trong tỉnh về hành, tỏi và gấp hơn 2 lần huyện đứng thứ nhì (Nam Sách), khoảng 1.600ha.

Ông Lương Văn Hùng (phải), Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lộ Xá nhận xét, cây hành khiến bộ mặt thôn thực sự thay đổi. Nhờ sớm tập trung phát triển cây hành, Lộ Xá là thôn đi đầu trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đường vào ruộng được kiên cố, bê tông hóa, thuận lợi cho việc thu hoạch.
Sản xuất tập trung và có nhiều vùng chuyên canh về hành, nên việc hộ dân có thu nhập hàng trăm triệu, thậm chí 1 tỷ đồng ở thị xã Kinh Môn không phải hiếm. Năm nay, nếu bán kịp trà sớm, người trồng hành có thể lãi đến 12 triệu đồng/sào. Vào cuối tháng chạp hiện tại, giá giảm nhưng vẫn có thể lãi 6-8 triệu đồng/sào.

Kinh Môn được ví như "thủ phủ hành tỏi", không chỉ của riêng Hải Dương mà là toàn miền Bắc. Hành, tỏi được trồng nhiều nhất ở khu vực Nam An Phụ, một số xã tại Bắc An Phụ và khu Tam Lưu. Chỉ riêng hành tươi, sản lượng hàng năm khoảng 100.000 tấn, giúp thị xã Kinh Môn luôn đạt giá trị cây vụ đông hơn 1.500 tỷ đồng.
Chất lượng hành, tỏi Kinh Môn luôn vượt trội, cả về độ thơm, giá trị dinh dưỡng. Hiện sản phẩm được chế bến đa dạng, thành hành chiên, sấy khô, tỏi mật, rượu tỏi… và được xuất khẩu đi Nhật Bản, châu Âu, Thái Lan, Malaysia.

Khác với một số cây trồng khác, người làm hành tỏi Kinh Môn không e ngại về sức ép tiêu thụ. Nguyên do bởi thời gian bảo quản của sản phẩm rất dài, có thể tới 1 năm. Nếu giá thị trường không được như kỳ vọng, người dân sẽ thu hoạch, phơi tại ruộng vài ngày để khô lá, sau đó cắt tỉa sạch, bó thành từng túm để mang về nhà phơi.
Hành sau khi phơi khô sẽ mất nước, giảm khối lượng, nhưng bù lại, người dân sẽ chủ động lựa chọn được thời điểm xuất bán sao cho có lợi nhuận tốt nhất.

Đoàn công tác của Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương vừa đi thăm tiến độ thu hoạch hành tỏi tại Kinh Môn. Bà Lương Thị Kiểm (trái), Phó giám đốc Sở cho biết, năm nay thời tiết đầu vụ thuận lợi, làm đất gieo trồng tập trung, nhanh hơn so cùng kỳ năm trước.
Sau trồng, thời tiết lạnh sớm, cây hành sinh trưởng phát triển thuận lợi, ít sâu bệnh nên năng suất dự kiến toàn tỉnh sẽ nhỉnh hơn. Tổng sản lượng hành tỏi ước đạt 120.000 tấn, cao hơn 11.000 tấn so với 2023.

"Hầu hết các cây trồng năng suất đều cao hơn so vụ đông năm trước từ 10 - 25%", bà Kiểm (trái) nói. Mặc dù sản lượng lớn nhưng vẫn tiêu thụ thuận lợi không làm ảnh hưởng nhiều đến giá bán. Đặc biệt, từ nay đến đầu tháng Giêng năm mới Ất Tỵ, một số loại cây trồng như hành, tỏi được dự báo tiêu thụ mạnh.

Toàn tỉnh đã thu hoạch khoảng 2.000ha hành tỏi, tập trung chủ yếu tại huyện Nam Sách. Thời gian tới, Hải Dương đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cây vụ đông để cung cấp sản phẩm đáp ứng nhu cầu dịp Tết nguyên đán. Đồng thời, giải phóng đất phục vụ sản xuất vụ đông xuân, đúng lịch thời vụ mà tỉnh đã đề ra.
tin liên quan

Ngư dân trúng mùa ruốc biển đầu năm
Quảng Ngãi Ruốc biển xuất hiện dày đặc, sau vài giờ ra khơi, các tàu ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi trở về với hàng tạ ruốc cho thu nhập tiền triệu mỗi ngày.

Vườn cây cảnh trị giá bạc tỷ của lão nông Thanh Hóa
Ông Đào Duy Lộc, thôn Nội Sơn, xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) là chủ sở hữu vườn cây cảnh đẹp như cổ tích, trị giá cả chục tỷ đồng.

Làng Bát Tràng, Vạn Phúc gia nhập mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo
Tối 14/2 tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) diễn ra lễ đón 2 làng nghề Bát Tràng, Vạn Phúc là thành viên mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới.

Bánh cốm ngò đặc sản lễ hội tháng Giêng
Bình Dương Giữa dòng người náo nức, những quầy bánh cốm ngò được bày bán, mang đến hương vị truyền thống khó quên, đậm chất văn hóa và tinh thần lễ hội Rằm tháng Giêng.

Về nơi mạ khay, máy cấy chạy đầy đường
Hải Dương Là địa phương đi đầu trong đẩy mạnh cơ giới hóa của huyện Bình Giang (Hải Dương), đến nay gần như toàn bộ diện tích gieo cấy lúa tại xã Long Xuyên được thực hiện bằng máy.

Xóm 'cà ràng' ngày đêm đỏ lửa
An Giang Hơn 50 năm qua, xóm cà ràng ở xã Phú Thọ, huyện Phú Tân (An Giang) hàng ngày đỏ lửa nung hàng nghìn chiếc cà ràng (bếp lò) mang đi tiêu thụ cả vùng ĐBSCL.