Ông Đoàn Văn Uyên, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn 6, xã Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước là một trong những điển hình SX giỏi. Từ hai bàn tay trắng, tới nay ông đã có trong tay 25 ha đất SX, trong đó 18 ha trồng điều cho thu tiền tỷ mỗi năm.
Ông Uyên quê ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương cưới vợ, ông Uyên được bố mẹ cho 3 tạ lúa gọi là của hồi môn để ra ở riêng. Ở quê làm ruộng được mấy năm, do điều kiện đất chật người đông, quanh năm chân lấm tay bùn mà vẫn cứ thiếu trước hụt sau, nên năm 1993 ông vào tỉnh Bình Phước để đi kiếm việc làm.
Nói là đi xin việc cho sang, chứ ở nơi vùng sâu vùng xa, đặc biệt khó khăn như xã Đắk Ơ làm gì có công ty, nhà máy mà xin việc, chỉ có đi cuốc đất, làm cỏ mướn. Sau hai năm chịu khó làm thuê, ông đã mua được 8 sào đất đã trồng điều 2 năm tuổi.
Ngay sau đó ông về quê đón vợ con vào lập nghiệp. Hai vợ chồng vào rừng lấy cây, cắt cỏ tranh, dựng một túp lều ngay vườn để ngày đêm chăm bẵm, cải tạo vườn điều và trồng xen canh lúa nương để có lương thực ăn hàng ngày.
Ngoài ra, vợ chồng ông còn nhận khoán thêm 3 ha điều để chăm sóc, với hình thức khoán sản phẩm, phần dư vợ chồng được hưởng.
Ông Lê Cao Hùng, trưởng thôn 6 xã Đăk Ơ cho biết: “Cả xã có 4.236 ha đất trồng điều, là xã biên giới có diện tích điều lớn của tỉnh. Các nhà chuyên môn và thương lái đánh giá chất lượng hạt điều ở xã Đăk Ơ rất cao, hạt vừa to, vừa bóng, tỷ lệ nhân cao, giá bán thường cao hơn hạt điều nơi khác 2.000 đồng/kg. Chính vì vậy, bà con ở đây rất gắn bó với cây điều. Việc chặt phá điều ở đây là rất hiếm, có tiền họ chỉ mua thêm đất trồng điều”. |
Từ thời điểm đó, hai vợ chồng không quản ngày đêm, mưa nắng, lăn lưng vào công việc chăm sóc điều. Đất không phụ công người, ngay năm đầu tiên nhận khoán, gia đình vừa trúng mùa, vừa trúng giá. Cứ như vậy mỗi năm thu hoạch, bán điều cộng tiền bán lúa, ông bà lại mua thêm đất để trồng điều.
Nhờ kiên trì theo đúng tính cách của người lính, tới nay ông Uyên đã có trong tay 25 ha đất, trong đó có 18 ha điều cho thu hoạch ổn định, năng suất đạt từ 3 - 3,5 tấn/ha/năm; 3ha cao su; 1 ha tiêu, còn lại diện tích trồng cà phê, hàng năm cho thu nhập cả tỷ đồng.
Ông Uyên chia sẻ, muốn phát triển vườn điều bền vững, trước hết phải chọn được cây giống tốt, hạt to, chắc, tỷ lệ nhân cao, năng suất ổn định. Thiết kế vườn hợp lý, khoảng cách trồng không dày cũng không thưa quá (khu vực Đắk Ơ khoảng cách 10 mét/cây là tốt nhất).
Hàng năm phải tỉa cành, tạo tán, bón phân gốc kết hợp phân bón lá, thuốc phòng trừ sâu bệnh, côn trùng vào đầu mùa mưa. Khi cây điều trong thời kỳ kiến thiết cơ bản nên trồng xen cây ngắn ngày như các loại cây họ đậu, lúa, bắp, củ mì… vừa cải tạo đất vừa tăng thu nhập.
Do địa hình ở xã Đăk Ơ nói riêng, huyện Bù Gia Mập nói chung đất hơi dốc, bà con nên để cỏ lá gừng, không nên dùng thuốc diệt cỏ, vừa tốn tiền mua thuốc, vừa hại đất, lại ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động.
Khi cỏ tốt dùng máy để phát, cỏ lá gừng có tác dụng chống rửa trôi đất vào mùa mưa, qua quá trình phân hủy cỏ tươi trở thành nguồn phân hữu cơ rất tốt cho cây điều. Ngoài ra, bà con có thể kết hợp chăn nuôi bò, thỏ… trong vườn điều.
Ông Uyên đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 8 lao động và 20 lao động thời vụ với mức lương 200.000 đồng/người/ngày. Nhờ thu nhập cao từ cây điều, hàng năm ông trích một số tiền giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ủng hộ tiền xây dựng nông thôn mới và các phong trào từ thiện ở địa phương…