Bình Liêu là huyện miền núi nằm ở phía đông tỉnh Quảng Ninh, sở hữu 18.000ha rừng phòng hộ, 22.000ha rừng sản xuất. Nhờ công tác quy hoạch, bảo vệ và phát triển rừng, nhiều hộ dân ở đây đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu nhờ kinh tế rừng, đặc biệt là các sản phẩm từ cây quế.
Quế là loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cây trưởng thành có thể cao trên 15m. Cây quế trồng ở Bình Liêu sau khoảng 10 năm có thể khai thác bóc vỏ lần đầu. Toàn bộ thân, cành, rễ và lá của cây quế đều có thể chưng cất tinh dầu, làm thuốc, làm gia vị. Cây quế thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở huyện Bình Liêu, do đó được trồng rải rác ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện.
Anh Tằng Dảu Phồng (bản Sông Moóc, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) cho biết, cây quế cho giá trị kinh tế cao vì có thể khai thác nhiều lần, có thể bán từ vỏ đến thân, lá. Mỗi ngày, trung bình một người có thể bóc được hơn 40kg vỏ quế.
"Từ đầu vụ đến nay, gia đình tôi đã thu hoạch và bán được gần 20 triệu đồng tiền quế. Năm trước, với giá vỏ quế tươi là 20.000 đồng/kg, gia đình tôi thu về hơn 80 triệu đồng. Thu nhập từ quế giúp gia đình trang trải cuộc sống hằng ngày và nuôi các con ăn học. Năm nay, gia đình tôi lại tiếp tục trồng mới thêm hơn 1 vạn cây quế để vừa phủ xanh rừng, vừa tăng thu nhập cho gia đình”, anh Phồng chia sẻ.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Bình Liêu, ước tính tổng giá trị kinh tế 1ha quế trồng được khoảng 15 năm đạt 580 triệu đồng từ việc tỉa thưa để thu cành, lá, vỏ và từ việc khai thác năm cuối thu cành, lá, vỏ, thân gỗ, ngoài ra còn các sản phẩm phụ như hạt giống...
Lợi nhuận trung bình người dân trồng quế thu được ước tính đạt khoảng 40 triệu đồng/ha/năm, cao gấp hơn 2 lần so với trồng cây gỗ khác. Tùy theo chất lượng vỏ quế, hiện nay 1kg vỏ quế tươi có giá từ 20.000-22.000 đồng, vỏ vụn từ 15.000-16.000 đồng/kg, vỏ quế khô từ 45.000-47.000 đồng/kg.
Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bình Liêu cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn huyện thu được 148 tấn vỏ quế khô, đạt 42% kế hoạch năm. Diện tích trồng quế tập trung đạt 680ha và trên 300ha quế trồng xen hồi, thông,... chiếm gần 5% diện tích rừng trồng toàn huyện. Sản lượng thu hoạch hàng năm trên 390 tấn vỏ quế khô, thu về khoảng hơn 15 tỷ đồng. Các xã trồng nhiều quế gồm Húc Động, Vô Ngại và thị trấn Bình Liêu.
Để thực hiện nâng cao năng suất, chất lượng cây quế, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây quế theo hướng hữu cơ. Tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng thâm canh cây quế theo hướng hữu cơ; mở các lớp huấn luyện nông dân nòng cốt thực hiện tốt chương trình IPM trên cây quế.
Thông qua các lớp tập huấn, nông dân được trao đổi, nắm bắt về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch quế bền vững, có khả năng vận dụng vào hoạt động sản xuất quế của gia đình để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm quế
Bên cạnh đó, huyện tập trung thu hút doanh nghiệp liên kết với người dân trên địa bàn xây dựng các vùng trồng quế hữu cơ để đáp ứng mục tiêu thị trường xuất khẩu, hướng tới các thị trường châu Âu, thị trường Ấn Độ và các nước Trung Đông (ngoài thị trường Trung Quốc) và thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến tinh dầu để gia tăng giá trị sản phẩm.
Hiện nay, phát triển kinh tế rừng đã giúp người dân trên địa bàn huyện Bình Liêu nói riêng, các địa phương có rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung, cải thiện đời sống, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Huyện Bình Liêu đang tiếp tục giao đất, giao rừng cho người dân, nhằm đảm bảo 100% diện tích rừng trên địa bàn đều có chủ, qua đó tạo dư địa về rừng để người dân có thêm nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống.
Theo Hiệp hội gia vị thế giới, Việt Nam sở hữu loại cây gia vị quý với sản lượng hàng năm thuộc tốp đầu thế giới là cây quế và cây hồi. Cụ thể, sản lượng hồi của Việt Nam lần lượt đứng thứ 2 và sản lượng quế đứng thứ 3 thế giới và được rất nhiều thị trường săn đón, thu về mỗi năm hàng trăm triệu USD.