| Hotline: 0983.970.780

Nuôi rong biển cho lợi ích kép

Chủ Nhật 12/05/2024 , 10:05 (GMT+7)

QUẢNG NINH Để phát triển nuôi biển một cách bền vững, rong biển là đối tượng nuôi phù hợp khi vừa cho giá trị kinh tế, vừa giúp bảo vệ môi trường, giảm khí thải carbon.

Rong sụn là sản phẩm nuôi biển mới ở Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Rong sụn là sản phẩm nuôi biển mới ở Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Sinh kế mới từ biển

Rong sụn là một loài rong biển nhiệt đới, có nguồn gốc tự nhiên ở vùng biển châu Á, Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Loại rong này mang lại giá trị kinh tế cao, có thể chế biến thành các dạng thực phẩm sử dụng trực tiếp từ rong tươi hay rong khô.

Theo Viện Nghiên cứu Hải sản, do là loài sinh sản dinh dưỡng nên khả năng nuôi trồng rong dễ thực hiện và ít tốn kém hơn so với những loài khác. Đồng thời, rong có khả năng phát triển rất nhanh, sinh khối tăng gấp đôi trong vòng 15 ngày và có thể nuôi trồng với năng suất cao trên quy mô lớn ở các thủy vực ven biển.

Vùng nuôi trồng thủy sản khu vực huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh hiện đang phát triển các mô hình rong sụn. HTX Phất Cờ là đơn vị tiên phong trong nuôi rong sụn, do ông Nguyễn Sỹ Bính (xã Hạ Long) triển khai trên cơ sở nhận chuyển giao, hỗ trợ về giống, kỹ thuật, vốn, vật tư, phân phối và bao tiêu sản phẩm của STP Group.

Qua tìm hiểu, nhận định đây vẫn là đối tượng nuôi khả thi trên vùng biển Phất Cờ, năm 2021, ông Bính thí điểm nuôi trở lại với những ô rong nhỏ lẻ xen kẽ với các dây nuôi thả hàu. Từ đầu năm 2022, khi có cam kết đồng hành của STP Group, diện tích nuôi rong sụn của ông Bính được nhân lên là 5ha, gồm cả nuôi xen kẽ nhuyễn thể và nuôi tập trung.

Để rong phát triển tốt nhất, ông Bính đưa vùng nuôi rong ra xa so với chân đảo để giảm tình trạng cá rìa quanh bờ đến ăn giá thể, ưu tiên chọn vùng nước có nền nhiệt ổn định 25-28 độ C để kích thích sự sinh trưởng của rong.

Rong sụn tại đảo Phất Cờ đạt độ trưởng thành chỉ sau 60-75 ngày nuôi. Đây cũng là thời kỳ rong có nhiều thành tố tốt nhất, đáp ứng các tiêu chí trở thành nguyên liệu để chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, dược liệu…

Theo ông Bính, với mức tăng trưởng như trên, mỗi năm có thể nuôi trồng 3 vụ rong sụn (trừ 4 tháng mùa đông), sản lượng đạt 70-100 tấn/ha/năm. Với mức giá trên thị trường hiện nay là 10.000 đồng/kg tươi, doanh thu có thể đạt hàng trăm triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 30-50% doanh thu.

Từ những kết quả đạt được đã khẳng định mô hình nuôi trồng rong sụn trên vùng biển Phất Cờ nói riêng, vùng biển Quảng Ninh nói chung, có tính khả thi cao. Để mở hướng đầu tư bền vững, hộ ông Nguyễn Sỹ Bính cũng như các đơn vị, doanh nghiệp hợp tác mong muốn được các đơn vị chức năng quy hoạch vùng nuôi trồng rong sụn lên 200ha.

Ông Bính khẳng định, khi được quy hoạch vùng nuôi sẽ đảm bảo vùng sản xuất, cung ứng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường, trước mắt là đối với các bạn hàng đã ký cam kết tiêu thụ sản phẩm với gia đình. Đồng thời cũng là điều kiện triển khai cấp mã vùng nuôi, quản lý quy trình sản xuất, nguồn gốc sản phẩm… đảm bảo chất lượng rong sụn Quảng Ninh, cho phép sản phẩm rong sụn trở thành hàng hóa, có thể lưu thông trên các kênh phân phối lớn trong và ngoài nước.

Tại HTX Phất Cờ, rong sụn được nuôi xen với hàu, giúp môi trường biển sạch, giảm nguy cơ hàu bị bệnh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tại HTX Phất Cờ, rong sụn được nuôi xen với hàu, giúp môi trường biển sạch, giảm nguy cơ hàu bị bệnh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Giúp môi trường biển xanh sạch

Hiện nay, rong sụn đã được nuôi trồng thương mại ở trên 20 nước vùng cận nhiệt đới cho đến nhiệt đới. Ở Việt Nam, đây được coi là một đối tượng nuôi có hiệu quả cao, tạo việc làm và thu nhập bổ sung đối với người dân ở vùng ven biển. Ngoài ra, việc nuôi trồng rong sụn cũng đóng góp tích cực vào sự cân bằng sinh thái và cải thiện chất lượng nước.

Quảng Ninh là vùng biển rất rộng lớn, có nhiều cung đảo kín có thể tạo thành vùng nước phục vụ nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, những năm vừa qua, người dân nuôi trồng rất nhiều loài như cá, các loài nhuyễn thể như hàu, tu hài, ngao… nhưng vấp phải hậu quả tương đối lớn là môi trường bị ô nhiễm vì nhiều nguyên nhân, do con người xả thải xuống, do hoạt chất, bệnh tật từ nơi khác mang đến.

Ông Trần Văn Bảo, Giám đốc HTX Thủy sản Thắng Lợi chia sẻ: "Chúng tôi đang đầu tư nuôi biển ở huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Trước đây, đối tượng nuôi là các loại cá như song, vược, chim và nhuyễn thể. Qua quá trình tìm hiểu, nhận thấy để có môi trường nước xanh, sạch phục vụ nuôi biển, HTX đã mở rộng đối tượng nuôi là rong biển mà cụ thể là rong sụn".

Rong biển là sản phẩm có giá trị vô cùng lớn cho xã hội, giúp cải thiện môi trường biển, giảm carbon. Ảnh: Nguyễn Thành.

Rong biển là sản phẩm có giá trị vô cùng lớn cho xã hội, giúp cải thiện môi trường biển, giảm carbon. Ảnh: Nguyễn Thành.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group, chia sẻ: "Rong biển là sản phẩm có giá trị vô cùng lớn cho xã hội, giúp cải thiện môi trường biển, giảm carbon. Việt Nam là đất nước có đường bờ biển trải dài, nhiều vùng biển thích hợp nuôi các loại rong, tảo, đặc biệt ở vùng Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Khi nuôi xen kẽ với các loài cá, nhuyễn thể, giúp các vùng nuôi trong sạch hơn, gia tăng hiệu quả phòng bệnh cho đối tượng nuôi thay vì phải tìm cách chữa bệnh vốn nan giải".

Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh, muốn nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi biển hiệu quả thì trước tiên chúng ta phải đảm bảo môi trường sạch để phòng tránh dịch bệnh. Bởi khi các đối tượng nuôi trồng thủy sản bị bệnh do ô nhiễm thì gần như không có thuốc đặc trị hoặc rất khó khăn để chữa, việc sử dụng rong biển là một giải pháp rất hữu ích.

Nhận thấy cơ hội làm giàu từ cây rong sụn, hiện nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trên vùng biển Vân Đồn đã sẵn sàng liên kết, hợp tác để mở rộng vùng nuôi trồng rong sụn, tạo thuận lợi để có thể phát triển vùng chuyên canh nuôi rong sụn diện tích lớn, giá trị cao.

Xem thêm
Đầm Hà hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

QUẢNG NINH Hiện huyện Đầm Hà có 5.656ha đất bãi triều và mặt nước biển đã được cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh phê duyệt.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.