Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức CH Ba Lan, CH Séc và dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (15-22/1/2025), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Võ Văn Hưng đã tham gia các hoạt động của đoàn, trong đó có Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ba Lan được tổ chức ngày 17/1/2025.
Trước đó, đại diện Bộ NN-PTNT đã dự cuộc họp tham vấn kinh tế song phương Việt Nam - Ba Lan lần 2 do Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế và Công nghệ Ba Lan Cờ-ris-tốp Pa-zik đồng chủ trì tại thủ đô Vác-xa-va, CH Ba Lan.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Pa-zik bày tỏ vui mừng với chuyến thăm của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Ba Lan. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Bộ trưởng khẳng định Việt Nam vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất của Ba Lan trong số các nước ASEAN. Tuy nhiên, cần nỗ lực hơn nữa để cân bằng thương mại song phương và mở rộng các mặt hàng thương mại.
Năm 2023, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt hơn 5,5 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó xuất khẩu của Ba Lan sang Việt Nam tăng 16% đạt giá trị 581 triệu USD. Xuất khẩu của Việt Nam sang Ba Lan tăng gần 12% đạt gần 5 tỷ USD. Kết quả, Ba Lan ghi nhận thâm hụt thương mại đáng kể là 4,4 tỷ USD. Xu hướng vào năm 2024 cũng tương tự.
Sự mất cần bằng thương mại ngày càng tăng tiếp tục là mối quan tâm của các cơ quan Ba Lan. Bộ trưởng Pa-zik đề xuất một loạt các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước và triển vọng thương mại, trong đó có mở rộng thị trưởng cho các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Ba Lan; mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp… Bộ trưởng thông báo về việc Chính phủ Ba Lan đã bắt đầu thủ tục nội bộ phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA).
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết và đi vào thực hiện, đến năm 2023, Việt Nam đã vươn lên thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN và đứng thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào Liên minh EU. Hàng hóa của thị trường EU nói chung và Ba Lan nói riêng và Việt Nam đang có tính bổ trợ lẫn nhau, không gây ra cạnh tranh nên rất thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá rất cao hoạt dộng của Nhóm công tác về nông nghiệp giữa hai nước. Kết quả cuộc họp Nhóm công tác về nông nghiệp lần thứ 3 được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 11/2024 đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hai nước và thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm của hai nước sang thị trường mỗi bên. Để góp phần thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa hai nước, Bộ trưởng đề nghị Ba Lan hỗ trợ Việt Nam trọng việc vận động Ủy ban châu Âu dỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với ngành thủy sản Việt Nam trong thời gian tới.
Đối với quan ngại của Ba Lan đối với vấn đề thâm hụt thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hy vọng Ba Lan sớm thông qua Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EVIPA để tạo hành lang pháp lý khuyến khích các dự án đầu tư của Ba Lan sang Việt Nam và ngược lại. EVIPA có thể tạo ra các luồng nhập khẩu lớn của Việt Nam về máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu khi các dự án đi vào thực thi.
Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục chủ động hợp tác với Ba Lan để giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của cả hai nước, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi.