Trong chuyến kiểm tra, Thứ trưởng Hoàng Trung đã đi kiểm tra thực tế tại khu vực sạt lở ở xã Yên Thành, huyện Yên Bình. Tại khu vực này có 9 hộ dân thuộc thôn Trung Tâm, gần chợ xã Yên Thành đang có vết nứt đồi cung trượt dài 210 m, chiều cao đã sạt lún là 2-6m theo cung, chiều cao bình quân 45m, khối lượng khoảng 58.600 m3 có nguy cơ sạt lở đất xuống nhà dân và tỉnh lộ 170.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết, để đảm bảo an toàn cho người dân, huyện đã chỉ đạo địa phương kiên quyết di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tuyên truyền cho các hộ dân cảnh giác trong tình hình mưa bão. Huyện mong muốn các cấp đầu tư để xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân vùng nguy hiểm để ổn định an toàn lâu dài.
Tiếp đó, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã đến kiểm tra tại khu đập thủy điện của Công ty Cổ phần thủy điện Thác Bà. Trong mùa mưa lũ năm nay, Công ty đã 3 lần phải thực hiện xả lũ. Theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, hiện nay Công ty đang tiếp tục xả lũ với mức 900 m3/s để đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Thác Bà cho biết, để đảm bảo vận hành an toàn công trình, khả năng sẽ phải tăng lưu lượng điều tiết qua công trình lên tới 1.800 m3/s hoặc có thể cao hơn tùy thuộc vào lưu lượng nước về hồ. Ngày 7/9, Công ty đã có văn bản số 1823 về việc cảnh báo khả năng xả lũ công trình thủy điện Thác Bà với lưu lượng lớn đến 1.800 m3/s và có thể tăng thêm, mực nước thượng lưu sẽ tăng thêm so với hiện tại từ 2 - 3m.
Theo báo cáo của tỉnh Yên Bái, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nên từ 7/9 đến hết ngày 9/9, các khu vực trong tỉnh Yên Bái tiếp tục có mưa to đến rất to, kèm theo và dông lốc với tổng lượng mưa phổ biến từ 200 - 300mm, có nơi trên 450mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại nhiều khu vực trong tỉnh, bên cạnh đó là ngập úng tại các vùng trũng thấp ven sông suối, khu đô thị.
Đến nay, ảnh hưởng của bão số 3 đã làm hư hỏng trên 120 nhà dân ở Yên Bái, trong đó có 20 nhà phải di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn. Mưa lũ cũng làm hư hỏng gần 80 ha cây trồng, gãy đổ một số cột điện và hư hại công trình công cộng. Ước thiệt hại khoảng 900 triệu đồng.
Hiện nay toàn tỉnh Yên Bái thành lập 54 đoàn công tác xuống cơ sở kiểm tra rà soát công tác ứng phó với bão; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo và triển khai ứng phó với bão. Rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân ở các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở núi, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản. Chủ động triển khai ngay việc di dời những hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm theo phương án đã tính toán.
Số phương tiện trang thiết bị dự kiến huy động ứng phó với bão số 3 của tỉnh Yên Bái là hơn 2.000 ô tô, tàu xuồng, máy xúc, máy ủi cùng hơn 71.000 trang thiết bị khác. Lực lượng dự kiến huy động hơn 62.000 người.
Ông Ngô Hạnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, hiện tỉnh đã đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm.
Sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão, lũ. Xử lý nghiêm chủ doanh nghiệp, phương tiện, tàu thuyền, lồng bè không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng và lực lượng có thẩm quyền trong công tác phòng, chống bão. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ UBND tỉnh nếu chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản.
Trong công tác phòng chống thiên tai, tỉnh Yên Bái đề nghị Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh Yên Bái xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ xảy ra lũ quét sạt lở đất với tỷ lệ thích hợp nhằm sắp xếp lại dân cư, di dời người dân trong vùng nguy cơ cao xảy ra thiên tai đến định cư ở nơi an toàn và có phương án xây dựng các hạ tầng công trình phòng chống thiên tai thích hợp.
Quan tâm hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương năm 2025 cho tỉnh Yên Bái để thực hiện 4 dự án bố trí dân cư cấp bách, khẩn cấp ổn định đời sống cho các hộ dân sống và sản xuất trong vùng nguy hiểm thuộc xã Yên Thành (huyện Yên Bình), xã Phong Dụ Thương (huyện Văn Yên), xã Cao Phạ (huyện Mù Cang Chải), xã Hạnh Sơn (thị xã Nghĩa Lộ) với tổng nhu cầu vốn đề nghị hỗ trợ hơn 110 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung đánh giá cao sự chủ động, tích cực, quyết liệt các biện pháp ứng phó của tỉnh Yên Bái. Đồng thời nhấn mạnh đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về ứng phó với bão nghiêm túc, không chủ quan, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản do bão gây ra.
Sau khi bão đi qua, những rủi ro bởi hoàn lưu bão sẽ gây nhiều thiệt hại cho sản xuất và đời sống của người dân. Chính vì vậy tỉnh cần chủ động các biện pháp tiêu nước, bảo vệ lúa, hoa màu, lồng bè nuôi thủy sản, tập trung chỉ đạo nhân dân thu hoạch lúa thu mùa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Lên phương án bảo đảm an toàn các điểm hồ, đập xung yếu, các khu vực sạt lở, ngập úng, sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.