Thứ trưởng Lê Quốc Doanh vừa có cuộc điện đàm với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Ted McKinney, trao đổi về một số vấn đề hợp tác trong bối cảnh Covid-19, hai bên không thể bố trí làm việc trực tiếp.
Trao đổi qua điện thoại, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chia sẻ với người dân Mỹ về những khó khăn, tổn thất đang phải trải qua do Covid-19.
Ông cũng bày tỏ sự vui mừng khi hai nước kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và đạt được nhiều thành tựu trong thời gian qua, ví dụ như kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 450 triệu USD năm 1995 lên đến 75 tỷ USD năm 2019. Trong đó, giá trị xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa hai nước cũng tăng trưởng trung bình gần 30%/năm trong gần 10 năm qua, từ 4,37 tỷ USD năm 2011 lên 10,56 tỷ USD năm 2019.
Hai bên đã cập nhật cho nhau các kết quả sau chuyến thăm và làm việc tới Mỹ tháng 2/2020 và đều vui mừng nhận thấy các cơ quan của cả hai bên đã chủ động, tích cực giải quyết nhiều vấn đề nông nghiệp đạt kết quả thực chất và rõ ràng, phù hợp với các cam kết nêu tại kế hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa bền vững.
Hai bên đã tích cực trong tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, hỗ trợ đắc lực cho việc mở cửa thị trường trái cây, thủy sản, thức ăn chăn nuôi giữa hai nước.
Trong bối cảnh khó khăn về di chuyển do đại dịch COVID-19, Thứ trưởng McKinney đã đưa ra giải pháp và nhận được sự đồng tình của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh về việc đánh giá rủi ro thực địa, làm cơ sở cho mở cửa thị trường các mặt hàng mới giữa hai nước thông qua video clip, đặc biệt đối với mặt hàng bưởi và chanh leo, các cơ sở chiếu xạ và xử lý hấp nhiệt của Việt Nam, cũng như mặt hàng bưởi chùm và quả hạch của phía Hoa Kỳ. Với cách làm này, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và Thứ trưởng MC Kinney cùng hy vọng người tiêu dùng Việt Nam và Hoa Kỳ có cơ hội thưởng thức các nông thủy sản ngon của hai nước trong thời gian sớm nhất.
Đồng thời thông qua Thứ trưởng McKinney, Thứ trưởng Doanh cũng nhấn mạnh việc Cơ quan quản lý Dược phẩm và thực phẩm (FDA) Hoa Kỳ xem xét, công nhận hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm của Việt Nam đối với thủy sản xuất khẩu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tránh trùng lặp, gây lãng phí nguồn lực.