| Hotline: 0983.970.780

Triển khai 3 mục tiêu lớn thúc đẩy thương mại nông sản Việt - Mỹ

Thứ Hai 02/03/2020 , 08:30 (GMT+7)

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) chia sẻ về kết quả chuyến công tác của Bộ NN-PTNT đến Mỹ vừa mới kết thúc.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT làm việc và chụp anh lưu niệm cùng Thống đốc bang Nebraska Pete Ricketts. Ảnh: Trần Cao.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT làm việc và chụp anh lưu niệm cùng Thống đốc bang Nebraska Pete Ricketts. Ảnh: Trần Cao.

Theo ông Tuấn, Mỹ là đối tác quan trọng với Việt Nam về kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng với kim ngạch thương mại tăng trưởng tốt trong thời gian qua. Mỹ được xem là thị trường có sức mua lớn với những yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn rất minh bạch, do đó các doanh nghiệp nếu đáp ứng được thì công việc kinh doanh sẽ thuận lợi hơn nhiều.

Trong thời gian qua, xảy ra tình trạng xuất siêu sang Mỹ, gây ra chênh lệch cán cân thương mại và nếu vẫn tiếp tục thì sẽ không bền vững. Sau đàm phán về Hiệp định khung về thương mại và đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA), Chính phủ hai nước thống nhất phải tìm cách để cân bằng lại cán cân thương mại, tăng trưởng và bền vững.

Từ đó, hai nước cùng nhau thảo ra Kế hoạch hành động để cùng thực hiện và Chính phủ Việt Nam đã giao cho từng bộ ngành để thực hiện.

Doanh nghiệp Việt Nam ký biên bản ghi nhớ với các hiệp hội ngành hàng bang Nebraska. Ảnh: Trần Cao.

Doanh nghiệp Việt Nam ký biên bản ghi nhớ với các hiệp hội ngành hàng bang Nebraska. Ảnh: Trần Cao.

“Bộ NN-PTNT được giao những nhiệm vụ rất cụ thể. Thứ nhất là hai bên phải thống nhất được về hàng rào kỹ thuật để quá trình xuất nhập khẩu phải tương đương.

Tiếp theo là câu chuyện về thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thức ăn chăn nuôi, công nghệ sinh học, đăng ký các lô hàng, thiết bị… Hai bên cùng thống nhất mở cửa thị trường nhanh nhất có thể”, ông Anh Tuấn chia sẻ.

Vấn đề tiếp theo là Việt Nam chủ động nhập khẩu các mặt hàng nông sản mà Mỹ có lợi thế với tinh thần hai bên bổ trợ cho nhau ví dụ như nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, dây chuyền máy móc hay trái cây ôn đới…

Ngược lại, Mỹ cũng mở cửa cho Việt Nam xuất đi những sản phẩm thế mạnh như thủy sản, cá tra, tôm, cà phê, điều, xoài… Trong tương lai, Việt - Mỹ sẽ mở cửa thêm cho một số loại nông sản như anh đào, xuân đào, bưởi hay sầu riêng.

Tại trụ sở Bộ Nông nghiệp Mỹ, hai Thứ trưởng Ted Mc Kinney và Gregory Ibach làm việc với đoàn Bộ NN-PTNT. Ảnh: Trần Cao.

Tại trụ sở Bộ Nông nghiệp Mỹ, hai Thứ trưởng Ted Mc Kinney và Gregory Ibach làm việc với đoàn Bộ NN-PTNT. Ảnh: Trần Cao.

Vụ trưởng Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết, từ những nhiệm vụ trên, chuyến đi lần này có 3 mục tiêu lớn. Thứ nhất là tăng cường hợp tác toàn diện Việt – Mỹ nói chung và trên lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Thứ hai là thúc đẩy thương mại nông sản và thứ ba là tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ, đào tạo, quản lý, an toàn thực thẩm và ứng phó biến đổi khí hậu.

Với mục tiêu đầu tiên, đoàn đã gặp và làm việc với nhiều cơ quan, tổ chức cấp cao của Mỹ như Bộ Nông nghiệp Mỹ, Đại diện thương mại Mỹ, lãnh đạo các bang mạnh về nông nghiệp như Iowa, Nebraska hay Bộ trưởng Nông nghiệp California. Qua đó, hai bên thảo luận nhằm tăng cường thương mại nông sản theo hướng bổ trợ lẫn nhau.

Thứ hai, với sự tham gia của gần 20 doanh nghiệp lớn, mạnh về xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam, đoàn đã làm việc với nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng của Mỹ, kết quả ký 18 biên bản ghi nhớ với tổng trị giá nhu cầu mua bán dự kiến lên đến 3 tỷ USD.

Ngoài ra, trên nền tảng thúc đẩy thương mại nông sản, hai nước đã chia sẻ những mối quan tâm chung như khoa học công nghệ về giống, chế biến, bảo quản... và các doanh nghiệp Việt có thể hợp tác hoặc nhập khẩu về để áp dụng vào sản xuất.

Ví dụ Đại học UC Davis, rất mạnh về gen, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến hay Công ty Corteva là đơn vị hàng đầu về công nghệ giống và vật tư nông nghiệp thế hệ mới, bền vững với môi trường.

Đoàn công tác cũng đề nghị với các trường đại học ở những bang mạnh về nông nghiệp của Mỹ như Iowa, Nebraska, California đưa sinh viên Việt Nam sang đào tạo.

Ngoài ra, hai bên thảo luận thêm về các mối quan tâm chung liên quan an toàn vệ sinh thực phẩm hay chung tay ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải và bảo tồn đất đai.

Về phía Mỹ, qua chuyến đi này họ muốn thống nhất về các tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là trong các sản phẩm xuất khẩu sang Việt Nam. Mỹ cũng thông qua Bộ NN-PTNT, kiến nghị Chính phủ Việt Nam tìm cách giảm thuế nhập khẩu.

Sau chuyến đi này, các kiến nghị của Mỹ trong tầm xử lý sẽ được Bộ NN-PTNT triển khai ngay, giao các cơ quan chuyên môn thực hiện ví dụ như hàng rào kỹ thuật sẽ do Cục Bảo vệ Thực vật, Cục Thú y phụ trách.

“Chúng ta cũng rất thẳng thắn, yêu cầu Mỹ thúc đẩy giám sát cá da trơn nhanh chóng để có thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam được công nhận tiêu chuẩn tương đương và hưởng thuế suất bằng 0 khi xuất khẩu sang Mỹ.

Thứ hai, chúng ta cũng yêu cầu Mỹ công nhận các cơ sở chiếu xạ, phương pháp hấp nhiệt khi chế biến trái cây để xuất khẩu sang Mỹ và nhanh chóng mở cửa thị trường cho trái bưởi”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết thêm.

Theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, phía Mỹ đều ghi nhận và hứa sẽ nhanh chóng xem xét các kiến nghị trên của Việt Nam. Ngay trong tháng 3 tới, dự kiến từ 3-13/3, Mỹ sẽ cử đoàn sang Việt Nam thanh tra về cá tra, từ đó có thể đưa thêm 30-35 doanh nghiệp Việt vào danh sách công nhận chất lượng tương đương, hưởng thuế suất 0%.

Việt Nam và Mỹ còn rất nhiều tiềm năng về hợp tác trong nông nghiệp, cả về thương mại lẫn chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực. Qua chuyến đi này, Bộ NN-PTNT sẽ có những hoạt động cụ thể hơn để từng bước thực hiện những gì hai bên đã cam kết với nhau. (Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh).

(từ Hoa Kỳ)

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.