Tại tỉnh Trà Vinh
Thứ Trưởng Bộ NN-PTNTT Lê Quốc Doanh đã cùng đoàn công tác về huyện Cầu Kè. Báo cáo với đoàn công tác, lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện Cầu Kè, cho biết: Kế hoạch xuống giống vụ thu đông trong huyện được chia làm hai đợt. Thời gian xuống giống đợt 1 từ ngày 2/9-8/9 với diện tích hơn 1.740 ha, đợt 2 từ ngày 23/9-29/9 với diệnt ích 7.030 ha.
Theo báo cáo nhanh của Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, tuần qua nông dân trong tỉnh đã xuống được gần 9.000 ha lúa thu đông, nâng tổng diện tích đã xuống giống được gần 56.000 ha.
Hiện nay, lúa thu đông đang giai đoạn mạ là hơn 3.760 ha, đẻ nhánh trên 5.000 ha, đạt 98,3% so với kế hoạch. Cơ cấu giống lúa chủ yếu là các giống OM18, OM4900, OM5451, IR50404, ML202. Các trà lúa đang phát triển tốt, chưa có biểu hiện của dịch bệnh.
Sau khi kiểm tra, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá: Trà lúa của địa phương đã gieo sạ đúng lịch thời vụ, lúa phát triển tốt, rất triển vọng.
Theo Thứ trưởng, tại ĐBSCL để né hạn mặn, năm nay Bộ NN-PTNT chủ động xây dựng kế hoạch xuống giống sớm ở 7 tỉnh ven biển với tổng diện tích khoảng 400 nghìn ha.
Tại tỉnh Sóc Trăng
Chiều cùng ngày, Thứ Trưởng Lê Quốc Doanh đã cùng đoàn công tác xuống thăm cánh đồng lúa của bà con nông dân tại huyện Long Phú.
Báo cáo với đoàn công tác Bộ NN-PTNT, ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, vụ thu đông 2020 đã xuống giống được 11.985 ha, tăng 8.520 ha so với cùng kỳ năm trước. Diện tích tăng do điều kiện thủy văn thuận lợi kết hợp với giá lúa cao nên người dân chủ động xuống giống vụ thu đông. Trong đó, sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP thực hiện được 7 mô hình/331 ha, sản xuất theo hướng hữu cơ 7 mô hình/107 ha. Sản xuất và liên kết tiêu thụ lúa đặc sản 2 mô hình/ 100 ha.
Tỉnh Sóc Trăng đang khẩn trương thu hoạch dứt điểm vụ lúa hè thu. Đồng thời, xuống gống sớm vụ đông xuân để thu hoạch lúa trước tết nhằm né hạn mặn. Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đã kiến nghị UBND tỉnh đầu tư khoảng 4 tỷ đồng xây dựng trạm bơm cống Bà Xẩm để tiếp ứng nước cho khu vực Long Phú.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã dùng nguồn thủy lợi phí mở cưỡng bức cống Cái Oanh (xã Long Thạnh, huyện Long Phú) để vận hành cho tàu thuyền thương lái thu mua lúa được thông thương, tránh để nông dân bị ép giá. Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cũng đã chỉ đạo địa phương nạo vét các tuyến kênh thủy lợi để tích nước phục vụ sản xuất, ông Quyết cho biết.
Sau khi khảo sát tình hình xuống giống của bà con nông dân 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, cho biết: Theo kế hoạch vụ lúa đông xuân toàn ĐBSCL sẽ xuống giống hơn 1,5 triệu ha, trong đó ít nhất 400 ha sẽ xuống giống vào tháng 10 mà chủ yếu là 7 tỉnh ven biển chịu ảnh hưởng để né hạn mặn vào cuối vụ.
Thứ trưởng yêu cầu các địa phương phải xuống giống trong tháng 11 và kết thúc trước ngày 30/12.
Đối với cơ cấu giống lúa, cần tập trung các giống lúa chất lượng cao và giống lúa đặc sản, phải chiếm tỷ lệ từ 65 - 70%. Đối với khu vực ven biển, ngoài việc xuống giống sớm cần phải sử dụng các giống lúa ngắn ngày để rút ngắn thời gian.