Ngày 2/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đồng chủ trì cuộc họp về học phí phổ thông và sách giáo khoa. Theo đó, Văn phòng Chính phủ vưa ban hành Thông báo số 236/TB-VPCP kết luận của lãnh đạo Chính phủ về vấn đề này.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), ý kiến của các đại biểu dự họp về việc đề xuất ban hành Nghị quyết của Chính phủ để điều chỉnh lộ trình và một số nội dung quy định liên quan về học phí, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thống nhất Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan khẩn trương rà soát để xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền của các cơ quan, địa phương đã được quy định và không đưa vào nội dung dự thảo Nghị quyết.
Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ GD-ĐT chủ động phối hợp với các Bộ, địa phương và cơ quan có liên quan để thống nhất và hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết, trình Chính phủ xem xét, quyết định; bảo đảm kịp thời, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và quy định của pháp luật.
Về phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn sử dụng, Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thống nhất trình Chính phủ kịp thời triển khai từ năm học 2022 – 2023, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 diễn ra ngày 3/8 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết sắp tới sẽ tính phương án dùng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa, đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn.
Đề xuất này được Bộ GD-ĐT đưa ra từ cuối tháng 6, nhằm hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Bộ này cũng đã từng có chỉ thị đề nghị các địa phương tuyên truyền tới giáo viên, học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa để sử dụng lâu bền.
Bộ cũng yêu cầu các trường bố trí kinh phí hợp lý để mua sách cho thư viện giúp học sinh có thể mượn sách, sử dụng; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách cũ cho các khóa sau sử dụng.
Trước nhiều ý kiến trái chiều liên quan tới giá sách giáo khoa, Bộ GD-ĐT đã kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá để trình Quốc hội quyết định.
Theo đó, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, nghị quyết kỳ họp được thông qua đã đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, thực hiện khi sửa đổi Luật giá.