Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan xưởng chế biến rau quả xuất khẩu của DOVECO |
Những ngày đầu xuân, hàng trăm công nhân của Doveco tất bật thu mua hàng chục tấn nguyên liệu và chế biến lô chanh leo đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản. Đây là doanh nghiệp cung cấp nông sản chế biến được xếp hàng đầu Việt Nam, với diện tích canh tác hơn 5.500ha, thâm canh nhiều loại rau quả nhiệt đới như: dứa, cam, quýt, đu đủ, nhãn, vải,...
Trồng chanh leo đạt doanh thu 800 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 660 triệu đồng, cao gấp 15 lần so với trồng lúa. |
Riêng tỉnh Ninh Bình, Doveco đang quản lý và sử dụng có hiệu quả khoảng 4.000ha đất. Đây là vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong chế biến và xuất khẩu. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngày càng tăng, công ty đã liên kết kết và tiêu thụ nông sản tại 13 tỉnh với diện tích xấp xỉ 7.000ha, giúp giải quyết đầu ra nông sản và mang lại thu nhập ổn định cho khoảng 20.000 hộ nông dân.
Điển hình như cây chanh leo, vùng nguyên liệu của Doveco có khoảng 3.000ha. Tham gia mô hình liên kết với công ty, doanh thu 1ha chanh leo mà nông dân đạt được trung bình khoảng 800 triệu đồng. Với chi phí khoảng 140 triệu đồng, 1ha chanh leo cho lợi nhuận 660 triệu đồng (cao gấp 15 lần trồng lúa). Hay mô hình trồng rau chân vịt, lợi nhuận mà nông dân được thụ hưởng có thể đạt 360 triệu/ha (cao gấp 9 lần trồng lúa).
Thủ tướng Chính Phủ cùng cắt băng tại Lễ xuất khẩu những chuyến hang rau quả đầu tiên sang Nhật Bản năm Kỷ Hợi 2019. |
Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Doveco, cho biết: Sản phẩm sau khi thu hoạch được chế biến thành các loại rau quả đóng hộp và sản phẩm rau quả tươi phục vụ tiêu dùng nội địa với khoảng 40 sản phẩm. Trải qua hơn 60 năm kinh nghiệm, sản phẩm của Doveco xuất khẩu với số lượng lớn tới 30 quốc gia như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Mông Cổ, Nhật Bản...
Sau khi tham quan những cánh đồng dứa bạt ngàn của Doveco và nhà máy chế biến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Doveco là mẫu hình thành công của việc chuyển đổi từ một nông trường sản xuất nông nghiệp thuần tuý sang công ty cổ phần, huy động nguồn lực xã hội để không ngừng phát triển mạnh mẽ. Trước hết, công ty đã sớm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật mới nhất để phát triển sản xuất kinh doanh từ trồng trọt đến chế biến. Đồng thời, Doveco cũng liên kết với nông dân trên cả nước để đa dạng hoá sản phẩm từ đồng bằng, miền núi đến vùng đất cao nguyên…
Cũng theo Thủ tướng, sự thành công của Doveco để lại cho ngành nông nghiệp nhiều bài học kinh nghiệm giá trị, từ vấn đề tích tụ ruộng đất; mở rộng thị trường trên nền tảng chất lượng sản phẩm, khoa học công nghệ và liên kết sản xuất kinh doanh.
“Nếu trung bình mỗi ha đất canh tác đem lại donah thu 250 triệu đồng/ha, thì mỗi năm Việt Nam tạo ra hơn 300 USD về giá trị. Và trong các lần làm việc về trước đó, tôi nói với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường rằng, nếu phấn đấu đạt 500 triệu đồng/ha thì chúng ta có giá trị sản xuất nông nghiệp khoảng 600 tỷ USD/năm. Việt Nam sẽ sớm trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao so với dự kiến. Vấn đề ở chỗ, phải có khát vọng vươn lên. Tôi hi vọng khát vọng nông nghiệp của Ninh Bình sẽ lan toả ra cả nước” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Đáp lại kỳ vọng của Thủ tướng, bà Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình, cho biết: Tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất, chế biến rau, củ, quả xuất khẩu của vùng Đồng bằng Sông Hồng trong thời gian tới.