Theo GS. Trần Thanh Vân, từ khi đi vào hoạt động (năm 2013) đến nay, Trung tâm đã tổ chức 40 hội nghị khoa học quốc tế đỉnh cao và 16 trường học khoa học chuyên đề với hơn 3.500 nhà khoa học quốc tế, trong đó có 12 giáo sư giành giải Nobel và nhiều nhà khoa học danh tiếng khác. Đây được xem là ngôi nhà chung của những tâm hồn đồng điệu tình yêu khoa học của Việt Nam và thế giới.
GS. Trần Thanh Vân cho biết ông đã cùng với các nhà khoa học của Hội Gặp gỡ Việt Nam đề xuất với lãnh đạo tỉnh Bình Định xây dựng dự án Trung tâm Khám phá khoa học, là không gian khám phá khoa học dành cho trẻ em và công chúng nhằm đưa khoa học đến với đại chúng và khơi gợi niềm đam mê khoa học, sáng tạo của tuổi trẻ. Ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước, Hội đã huy động sự giúp đỡ về chất xám của nhiều nhà khoa học quốc tế.
Với đề xuất ý tưởng hình thành một đô thị khoa học quốc tế tại Bình Định của Hội Gặp gỡ Việt Nam, GS. Trần Thanh Vân bày tỏ mong muốn được Chính phủ quan tâm tạo điều kiện giúp tỉnh Bình Định xây dựng đô thị khoa học này để phát huy tiềm năng khoa học của vùng.
Giáo sư cũng mong muốn Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập các viện hoặc trung tâm nghiên cứu tại Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa, TP. Quy Nhơn để phát huy tối đa nguồn chất xám từ các nhà khoa học quốc tế đến dự hội nghị tại Trung tâm ICISE. Trong đó, có thể bắt đầu từ các lĩnh vực về vật lí lý thuyết, vật lí nano, vật lí thiên văn, toán ứng dụng, độc học môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu...
Trao đổi với GS. Trần Thanh Vân và các nhà khoa học tại Trung tâm ICISE, Thủ tướng đánh giá cao Trung tâm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, dần hình thành một cơ sở nghiên cứu khoa học lớn và một định hướng về thành phố, đô thị khoa học. Các sự kiện khoa học quốc tế lớn tại đây đã làm cho nhiều nhà khoa học danh tiếng thế giới biết nhiều hơn đến Việt nam và đặc biệt cộng đồng khoa học Việt Nam có được sự giao lưu, kết nối, trao đổi với các nhà khoa học danh tiếng quốc tế về những thành tựu khoa học mới.
Thủ tướng cũng đánh giá cao vợ chồng GS. Trần Thanh Vân-Lê Kim Ngọc đã đưa nhiều ý tưởng mới vào công tác đào tạo con người, góp phần kiến tạo mô hình và môi trường học tập mới ở nước ta.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra đối với Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam, nhiều cơ hội và thách thức, Thủ tướng mong muốn Trung tâm ICISE phát triển bền vững, hiệu quả và có tính lan tỏa cao, góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản của Việt Nam cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.
Đánh giá cao ý tưởng đề xuất xây dựng đô thị khoa học tại Bình Định, Thủ tướng đồng ý về chủ trương, nguyên tắc để Bình Định xây dựng một đô thị khoa học và giáo dục. Đây là bước đi mạnh dạn và tiên phong để có thể quy tụ nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới, góp phần thúc đẩy khoa học nước nhà.
Thủ tướng cũng đề nghị Trung tâm tiếp tục tạo môi trường khoa học tốt để thu hút thêm nhiều nhà khoa học đến nghiên cứu, cộng tác, trao đổi học thuật; có kết nối, hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu khoa học cơ bản của Việt Nam và quốc tế; tạo điều kiện để thúc đẩy cả khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng ở Việt Nam.
Nhấn mạnh việc ứng dụng các thành tựu khoa học vào phát triển kinh tế là rất quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Thủ tướng mong muốn Trung tâm ICISE là nơi kết nối, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn.
Cho rằng GS. Trần Thanh Vân và GS. Lê Kim Ngọc là hình mẫu biểu tượng của những trí thức hết lòng vì sự phát triển của khoa học và tình yêu lớn đối với quê hương, đất nước, kể cả khi tuổi đã cao, Thủ tướng mong muốn các nhà khoa học trẻ học tập, phấn đấu để đóng góp cho khoa học và nước nhà.
*Trước đó, Thủ tướng đã đến thăm Trung tâm Khám phá khoa học, nghe giới thiệu về Dự án Thung lũng sáng tạo Quy Nhơn.