Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá năm 2020, trong bối cảnh khó khăn chưa từng có, ngành Nông nghiệp vẫn đóng góp trên 10 tỷ USD vào xuất siêu cho nền kinh tế nước ta.
Năm 2020, Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia trên thế giới có dòng thương mại mạnh nhất. Công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, các vùng thiên tai lũ lụt, miền núi, vùng sâu vùng xa… luôn được quan tâm, nhất là trong bối cảnh thiên tai khốc liệt.
Thủ tướng nhấn mạnh đây là một năm thành công với nhiều điểm sáng toàn diện của ngành, trong khó khăn cho thấy vai trò sống còn nhằm đảm bảo an ninh lương thực, là bệ đỡ quan trọng cho nền kinh tế…
Trong bối cảnh khó khăn chồng chất, sản xuất nông, lâm, thủy sản vẫn duy trì đảm bảo cho dân số 100 triệu dân, duy trì xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn đạt kỷ lục cao. 5 mặt hàng xuất khẩu vẫn đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD, nhất là xuất khẩu gỗ đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.
Lúa gạo tạo ấn tượng lớn, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo có giá trị cao hàng đầu thế giới. Trong bối cảnh bão chồng bão, lũ chồng lũ, Bộ NN-PTNT với vai trò là cơ quan thường trực đã góp phần hạn chế tối thiểu thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân. Công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất của Bộ NN-PTNT luôn đảm bảo kịp thời, nhạy cảm, sát sao, đúng và trúng… Công nghiệp chế biến nông sản được đẩy mạnh, thu hút mạnh mẽ đầu tư của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, đầu tư công nghệ cao.
“Trong một nhiệm kỳ qua, đã có 68 nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản đã được đầu tư. Riêng năm 2020 đã có 18 nhà máy đầu tư, đi vào hoạt động”, Thủ tướng cho biết. Các doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp đều hết sức thành công, ngày càng khẳng định vai trò đầu tàu, nòng cốt trong ngành nông nghiệp… Công tác xây dựng nông thôn mới vượt xa mục tiêu đề ra và ngày càng đi sâu vào chất lượng, chiều sâu.
Biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực vượt khó của toàn ngành Nông nghiệp trong năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, ngành tăng trưởng vẫn chưa đảm bảo bền vững.
Thách thức về thiên tai, dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn. Một số mục tiêu chưa đạt mục tiêu đề ra… Cơ sở hạ tầng của ngành nông nghiệp vẫn còn yếu. Chênh lệch khoảng cách giàu nghèo, vùng miền còn lớn; môi trường nông thôn vẫn còn nhiều vấn đề. Thu nhập và đời sống người dân nông thôn vẫn còn thấp so với khu vực thành thị. Năng suất lao động trong khu vực nông nghiệp vẫn còn thấp…
Công tác dự báo cung cầu thị trường các mặt hàng nông sản thiết yếu vẫn còn yếu. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thuộc mức cao nhưng về giải ngân ODA chưa cao so với Bộ giao thông vận tải (100%). Tình trạng phá rừng tự nhiên vẫn còn diễn ra…
Năm 2021, Thủ tướng đề nghị ngành Nông nghiệp cần tiếp tục chủ trương, tinh thần biến “nguy cơ thành thời cơ”, tận dụng tốt cơ hội phục hồi nền kinh tế. Chỉ tiêu GDP ngành phải giữ được ở mức 3%, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành phấn đấu đạt 44 tỷ USD...
Tiền Giang: Đẩy mạnh tái đàn lợn, sẵn sàng ứng phó hạn mặn năm 2021
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, năm 2020, công tác phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những thành quả quan trọng. Toàn tỉnh đã có thêm 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu đề ra (25 xã)…
Công tác khắc phục ảnh hưởng do hạn mặn gây ra đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang được triển khai có hiệu quả, đặc biệt là trên cây ăn quả, nhất là khôi phục các diện tích sầu riêng bị ảnh hưởng.
Năm 2021, tỉnh Tiền Giang xác định mục tiêu tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Nhất là đẩy mạnh khôi phục, tái đàn heo.
Theo đó, hiện nay công tác tái đàn heo của tỉnh vẫn đang gặp nhiều khó khăn do chỉ còn các trạng trại lớn đáp ứng được nhu cầu nguồn giống để tái đàn tại chỗ. Trong khi đó, nguồn con giống phục vụ cho tái đàn của bộ phận chăn nuôi nhỏ, gia trại nhỏ vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng đang tập trung xây dựng kịch bản ứng phó với hạn, mặn trong nam 2021, củng cố, sửa chữa, nâng cấp lại các cống, sửa chữa bờ bao, tổng kết các giải pháp tích trữ nước, nghiên cứu một số mô hình chống hạn mặn có hiệu quả, hoàn thiện đê bao, nâng cấp các đập, hồ chứa nước ngọt...
Hưng Yên kiến nghị "cấp cứu" công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải
Theo UBND tỉnh Hưng Yên, năm 2020, tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh vẫn đạt 3,47%, ở mức khá cao so với những năm gần đây. Trong nông nghiệp, Hưng Yên đã đẩy mạnh tái cơ cấu, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả trên 17 nghìn ha sang cây ăn quả, hình thành các vùng chuyển đổi hoa cây cảnh vùng đê sông Hồng cho giá trị rất cao, có nơi đạt giá trị hàng tỉ đồng/ha.
Tỉnh Hưng Yên kiến nghị thời gian tới, Bộ NN-PTNT cần sớm có giải pháp cho công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Bởi công trình này đang gặp nhiều vấn đề ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng từ các sông đổ vào hệ thống.
Hệ thống thủy lợi này ô nhiễm thì không thể nào đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn, nhất là phục vụ cho định hướng xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ…
Năm 2020, nông nghiệp Hà Nội tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay
Đồng tình cao với báo cáo tổng kết của Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, năm 2020 nông nghiệp Thủ đô Hà Nội tăng trưởng 4,2%, mức cao nhất từ trước đến nay.
Giá trị ngành nông nghiệp Hà Nội đạt 46.000 tỷ đồng, cao hơn 2.000 tỷ đồng so với năm 2019. Dự kiến, hết năm 2020, Hà Nội có 1.000 sản phẩm được công nhận OCOP... Kết quả này là thành tựu của sự nhất quán trong chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội và nỗ lực của doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân Thủ đô.
Theo kế hoạch năm 2021, Hà Nội sẽ phấn đấu tiếp tục giữ mức tăng trưởng trong nông nghiệp trên 4% và 100% số xã sẽ về đích nông thôn mới...
Để đạt được mục tiêu trên, nông nghiệp Hà Nội tiếp tục tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tiếp tục tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền kiến nghị Bộ NN-PTNT phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai; rà soát, triển khai quy hoạch phòng chống lũ trên sông Hồng, sông Đuống.
Thủ tướng: Cây ăn quả ở phía Bắc vẫn còn tiềm năng, thế mạnh rất lớn
Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều tỉnh thành cả nước cho biết mặc dù năm 2020, ngành nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên hoạt động sản xuất, tăng trưởng của ngành nông nghiệp trên nhiều lĩnh vực vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Theo UBND tỉnh Sơn La, năm 2020 là năm sản xuất cây ăn quả đạt nhiều thành công lớn trên các đối tượng cây ăn quả chủ lực của tỉnh như nhãn, xoài, cây có múi… Đặc biệt trong năm, Sơn La đã ghi nhận làn sóng đầu tư, xúc tiến đầu tư của nhiều dự án vào chế biến rau quả…
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực và sự vào cuộc hỗ trợ của Bộ NN-PTNT trong năm 2020 trong công tác tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Bộ NN-PTNT đã kiến nghị tạo điều kiện đặc cách, mời chuyên gia Nhật Bản sang trực tiếp đánh giá, kiểm tra để xuất khẩu lô vải thiều đầu tiên sang thị trường Nhật Bản, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu…
Năm 2020, Bắc Giang cũng đã triển khai tốt công tác khống chế dịch tả lợn Châu Phi và tái đàn lợn, đưa tổng đàn lợn trở về ngang bằng với trước khi xảy ra dịch… Sản xuất nhiều mặt hàng cây ăn quả, các sản phẩm chăn nuôi khác của tỉnh đều thắng lợi, được giá… Nhờ đó, tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang năm 2020 đạt mức 6,5%, cao nhất trong các năm gần đây…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trước đây, khi nói tới cây ăn quả ở nước ta, thường chỉ nghĩ tới các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ. Tuy nhiên những năm gần đây, nhiều tỉnh miền Bắc cũng đã có diện tích cây ăn quả rất lớn như Sơn La, Bắc Giang, Hưng Yên…
Điều này cho thấy tiềm năng, thế mạnh rất lớn về cây ăn quả ở phía Bắc, nhất là cần phải gắn với công nghiệp chế biến sâu…
Những điều cần khắc phục
Bên cạnh những kết quả đạt được, với tinh thần nhìn thẳng những tồn tại, hạn chế, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng năm 2020, ngành NN-PTNT vẫn còn một số điểm cần khắc phục.
Về nông nghiệp: Quá trình phát triển vẫn có nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc, chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.
Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, nhất là ở khâu bảo quản và chế biến sâu, tuy đã có rất nhiều kết quả, cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu cao của thực tiễn, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển mạnh, tổn thất sau thu hoạch còn cao.
Liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng chưa trở thành phổ biến. Đổi mới HTX và phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến, chưa đạt mục tiêu có 15 nghìn HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Khả năng chống chịu còn hạn chế, dễ bị tổn thất lớn khi có thiên tai.
Mặt khác tình trạng lạm dụng phân bón, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng lãng phí nước còn diễn ra, dẫn đến chi phí sản xuất cao, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm và ô nhiễm môi trường.
Mặc dù có sự chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự vào cuộc của các địa phương, nhiều doanh nghiệp và người dân, nhưng việc tái đàn lợn chủ yếu diễn ra ở các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, tại khu vực hộ và trang trại nhỏ còn chậm, có thời điểm cung - cầu thịt lợn mất cân đối.
Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 cao hơn mức yêu cầu theo tiến độ theo quý (đến hết ngày 30/6 đạt 33%, đến hết ngày 30/9 đạt 62%) và cả năm cao hơn cùng kỳ năm 2019; nhưng chưa đạt 100% theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Về nông thôn: Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; công nghiệp và dịch vụ phát triển chưa đủ mạnh để “hút” khu vực nông nghiệp chuyển dịch nhanh hơn.
Cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, y tế, giáo dục còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, cạnh tranh quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền khá lớn; các vấn đề phát triển sản xuất, thu nhập, hạ tầng cơ sở, nhất là tình trạng môi trường nông thôn chưa chuyển biến rõ nét.
Thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp so với khu vực thành thị; thu nhập của nông dân chỉ bằng 78% bình quân chung cả nước, chênh lệch thu nhập giữa các hộ nông thôn có xu hướng gia tăng.
Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn cao gấp 4 lần ở các thành thị, có nơi trên 30%, tập trung ở các vùng miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo bình quân chiếm 5,1% số hộ thoát nghèo.
Lao động nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lao động xã hội, chủ yếu làm thủ công nên năng suất lao động chưa cao, đang là áp lực lớn trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân nông thôn...
***
Năm 2020, thiên tai khốc liệt, đặc biệt là lũ lụt khu vực miền Trung đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với sản xuất…
Trong bối cảnh đó, toàn ngành đã vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển ngành vừa phòng, chống tốt dịch bệnh...
Theo Bộ NN-PTNT, giá trị sản xuất toàn ngành năm 2020 dự kiến tăng 2,75% so với năm 2019, trong đó nông nghiệp tăng 2,7%, lâm nghiệp tăng 2,4%, thuỷ sản tăng 3,3%. GDP toàn ngành tăng trưởng 2,65%.
Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản, ngành nông nghiệp vẫn nỗ lực duy trì công tác đàm phán, mở cửa thị trường, tạo điều kiện và tranh thủ cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm vẫn đạt kỷ lục mới với 41,2 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính ước 18,54 tỷ USD, giảm 0,5%; thuỷ sản 8,47 tỷ USD, giảm 0,8%; lâm sản và đồ gỗ ước đạt trên 12,8 tỷ USD, tăng 13,4%.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản đã tiếp tục duy trì được 09 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 05 mặt hàng có kim ngạch trên 03 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 12 tỷ USD; tôm ước đạt 3,66 tỷ USD; rau quả đạt gần 3,35 tỷ USD; hạt điều đạt 3,24 tỷ USD; gạo 3,07 tỷ USD). Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, sau hai năm chống chọi với dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) gây thiệt hại chưa từng có (từ tháng 2/2019), đến nay, cả nước đã có trên 96% số xã không có DTLCP. Đây là điều kiện cơ bản để người chăn nuôi, doanh nghiệp và các địa phương tổ chức tái đàn, tăng đàn.
Tính đến tháng 11/2020, tổng đàn lợn cả nước đã đạt trên 26 triệu con, tăng 12% so với cùng thời điểm năm 2019 và tăng 115,5% so với thời điểm 1/1/2020. Sản lượng thịt lợn hơi cả năm 2020 dự kiến đạt 3,46 triệu tấn, tăng gần 4% so với năm 2019.
Trong năm 2020, đã có 17 dự án đầu tư vào chế biến nông, lâm, thủy sản, với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động, tăng 04 dự án và khoảng 6.000 tỷ đồng so với năm 2019.
Qua đó, đã tạo bước đột phá về chế biến xuất khẩu, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng hàng nông sản, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.
Về xây dựng nông thôn mới, đến nay, cả nước đã có 5.506 xã (chiếm 62% số xã cả nước) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), tăng 8% so với cuối năm 201. Có 12 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM; bình quân cả nước đạt 16,38 tiêu chí/xã (tăng 0,72 tiêu chí so với năm 2019).
Có 173 đơn vị cấp huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 61 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2019) và 03 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai và Hưng Yên) đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM…