| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng: Hiện tượng nhờn luật khá phổ biến ở một số lĩnh vực, nhất là Luật Giao thông đường bộ

Thứ Ba 08/01/2019 , 21:29 (GMT+7)

Chiều ngày 8/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và lãnh đạo một số ban, bộ, ngành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho biết vừa qua, khi dự hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ 2019 của một số bộ, Người đứng đầu Chính phủ đã đặt vấn đề mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn về chất lượng, số lượng, quy trình, cách làm các văn bản quy phạm pháp luật. Cho biết đã nhiều lần hỏi các Bộ trưởng về việc đã tới Vụ Pháp chế của Bộ mình lần nào chưa, Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn, vất vả trong công việc của cán bộ tư pháp, pháp chế.

Thủ tướng cho biết, trong hầu hết cuộc họp, buổi làm việc của lãnh đạo Chính phủ đều có sự tham gia, đóng góp ý kiến rất trách nhiệm của Bộ Tư pháp, đặc biệt là khía cạnh pháp lý, thực thi pháp luật. “Ý kiến của các đồng chí được lãnh đạo Chính phủ đánh giá cao”.

Theo Thủ tướng, chất lượng công tác xây dựng, thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được nâng lên rõ rệt. Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền gần 6.000 văn bản, đã phát hiện, kiến nghị xử lý đối với 84 văn bản trái pháp luật về nội dung thẩm quyền.

Công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Bộ Tư pháp, một số Sở Tư pháp đã và đang tham mưu cho Thủ tướng, UBND các tỉnh, thành phố xử lý được một số vụ việc tranh chấp đầu tư, thương mại có yếu tố nước ngoài. Gần đây, với nỗ lực của Bộ Tư pháp và hệ thống cán bộ tư vấn pháp lý, chúng ta đã thắng kiện một số vụ việc, “chứng tỏ kinh nghiệm và trình độ tham gia giải quyết tranh chấp quốc tế của chúng ta được nâng lên”.

Tuy nhiên, công tác xây dựng thể chế, pháp luật vẫn còn bất cập, nhất là một số văn bản chưa theo kịp thực tiễn, thiếu khả thi. Có văn bản mới ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung.

Nhiều vụ việc thanh tra, điều tra vừa qua ở nhiều bộ, ngành, địa phương cho thấy có nhiều vi phạm trong quản lý nhà nước như đất đai, tài sản công, cổ phần hóa, vụ việc AVG, Thủ Thiêm, nhất là trên địa bàn Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều địa phương khác. “Điều này nói lên cái gì? Cán bộ pháp chế, tư pháp suy nghĩ gì”, Thủ tướng nhấn mạnh và đặt vấn đề, với vai trò là “người gác gôn” về pháp luật thì “các đồng chí đã làm hết trách nhiệm trong tham mưu cho lãnh đạo chưa hay góp ý rồi mà lãnh đạo không nghe”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ ra, hiện tượng nhờn luật khá phổ biến ở một số lĩnh vực, nhất là Luật Giao thông đường bộ. Đây là vấn đề gây bức xúc xã hội, ngành tư pháp có giải pháp đột phá nào để xử lý?

Cùng với đó, việc tham gia tranh tụng quốc tế tuy có cố gắng nhưng hầu như các địa phương còn bị động.

Lượng án dân sự chưa có điều kiện thi hành qua các năm có xu hướng ngày càng tăng. Kết quả nhiều nhưng thu hồi về tiền, tài sản còn thấp, đây là điều cần rút kinh nghiệm.

Ảnh VGP/Quang Hiếu

Nhấn mạnh chương trình hành động của Chính phủ với phương châm “12 chữ” trong đó có chữ “bứt phá”, Thủ tướng đặt vấn đề nội dung “bứt phá” của Bộ Tư pháp là gì, năm 2019 sẽ hơn năm 2018 như thế nào?

Thủ tướng nêu rõ, với chức năng vai trò được giao, Bộ Tư pháp cần xác định tập trung thực hiện tốt nhất nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế. “Các đồng chí là nhạc trưởng, là cơ quan gác cửa trong việc bảo đảm tính thống nhất, tính hợp pháp, tính hợp lý và khả thi của hệ thống pháp luật và là người gác gôn của Chính phủ trước các vấn đề pháp lý quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia, dân tộc”, Thủ tướng nói. Trong đó, cần nâng cao chất lượng xây dựng cơ chế, chính sách để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho khởi nghiệp…

Bộ cần đôn đốc, chủ trì hướng dẫn một số công việc chuẩn bị chương trình xây dựng pháp luật bảo đảm đúng tiến độ, đúng quy trình, khả thi, chất lượng, hiệu quả. Gương mẫu trình đúng thời hạn và bảo đảm chất lượng các dự án luật được giao chủ trì soạn thảo.

Với vai trò gác cửa về tính hợp pháp, theo Thủ tướng, Bộ Tư pháp cần kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng xem xét xử lý việc ban hành văn bản trái luật.

Đề nghị Bộ Tư pháp làm tốt hơn vai trò trước các vấn đề pháp lý quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia, dân tộc, Thủ tướng cho rằng, Bộ cần chú trọng đào tạo cán bộ pháp luật có đủ trình độ tham gia các vụ tranh chấp quốc tế.

Phương châm tư pháp hướng về cơ sở, tư pháp vì dân, gần dân cần đặt ra rõ nét hơn.

Xem thêm
Hồ chứa và trạm bơm điện: Giải pháp chiến lược cấp nước

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi của Hậu Giang không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu hiện tại mà còn tạo nền tảng bền vững trong sản xuất nông nghiệp, phục vụ đời sống của người dân.

Trao tặng 80 di ảnh cho thân nhân các anh hùng liệt sỹ

Hội Cựu công an nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức lễ trao 80 di ảnh các anh hùng, liệt sỹ tới thân nhân, gia đình.

Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’

Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.