"Nếu các bên không đạt được thỏa thuận vào phút chót, cuộc đình công sẽ bắt đầu vào lúc 0h ngày 22/8", công đoàn Teamsters cho biết trong tuyên bố. Trong thông báo đình công, công đoàn Teamsters yêu cầu mức lương, phúc lợi và lịch trình làm việc tốt hơn cho nhân viên.
Cuộc đình công này xuất phát từ tranh chấp về điều kiện làm việc và an toàn lao động giữa các công ty đường sắt và công đoàn Teamsters. Hai công ty lớn nhất Canada, Đường sắt Quốc gia Canada (CN) và Canadian Pacific Kansas City (CPKC), đều từ chối các yêu cầu của công đoàn Teamsters, dẫn đến quyết định khóa cửa đối với công đoàn đại diện cho 10.000 nhân viên này.
Đây là lần đầu tiên Canada đối mặt với tình huống cả hai công ty đường sắt lớn cùng lúc đình công, đe dọa làm tê liệt hoạt động vận chuyển hàng hóa, gây tổn thất kinh tế lớn.
Canada là nước xuất khẩu cải dầu hàng đầu thế giới và cũng là nhà xuất khẩu lúa mì thứ 3 toàn cầu. Cuộc đình công sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành đường sắt Canada, mà còn có tác động dây chuyền đến nền kinh tế Mỹ do các tuyến đường sắt giữa hai nước kết nối chặt chẽ với nhau.
Cuộc đình công sẽ khiến các chuyến hàng xuất khẩu lúa mì vụ xuân của Mỹ từ Minnesota, North Dakota và Nam Dakota đến Tây Bắc Thái Bình Dương bị cản trở, Max Fisher, nhà kinh tế trưởng tại Hiệp hội Ngũ cốc và Thức ăn chăn nuôi Quốc gia cho biết.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nông dân nước này mới chỉ thu hoạch 1/3 vụ lúa mì mùa xuân. Vụ thu hoạch đậu nành, ngô và cải dầu sẽ bắt đầu trong vài tuần nữa ở Bắc Mỹ.
Trong một bức thư chung gửi chính phủ Mỹ và Canada, gần ba chục nhóm nông nghiệp Bắc Mỹ kêu gọi chính phủ hành động để ngăn chặn cuộc đình công. "Tác động của một cuộc đình công sẽ đặc biệt nghiêm trọng đối với các nhà xuất khẩu hàng hóa số lượng lớn ở cả Canada và Mỹ vì vận tải đường bộ không phải là một lựa chọn khả thi đối với nhiều nhà sản xuất nông sản", bức thư cho biết, nhấn mạnh rằng khối lượng lớn hàng và khoảng cách vận chuyển rất lớn.
Các chủ hàng cũng lo ngại về các sản phẩm ngô của Mỹ hướng đến Canada. Năm 2023, Canada là điểm đến hàng đầu cho xuất khẩu ethanol của Mỹ và gần 3/4 lượng hàng này di chuyển bằng đường sắt, theo USDA. "Chúng ta không thể để đường sắt dừng hoạt động", ông Fisher nói.
Mỹ đã xuất khẩu nông sản trị giá 28,2 tỷ USD sang Canada trong năm 2023, điểm đến lớn thứ 3 về xuất khẩu nông sản sau Trung Quốc và Mexico, USDA cho biết. Khoảng 85% trong số 13 triệu tấn kali nhập khẩu của Mỹ năm ngoái đến từ Canada, gần như toàn bộ số hàng này đều được vận chuyển bằng đường sắt, theo USDA.
Nông dân trồng ngô Mỹ sử dụng phân bón vào mùa thu và mùa xuân, nhưng việc nhập khẩu phân kali từ Canada phải được duy trì ổn định trong suốt cả năm, Krista Swanson, nhà kinh tế trưởng của Hiệp hội những người trồng ngô quốc gia cho biết.
"Với dòng chảy thương mại liên tục và tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia, việc vận chuyển hàng hóa không được phép dừng lại", bà Swanson nói.
Các tuyến đường sắt vận chuyển trung bình 69.000 tấn phân bón mỗi ngày, tương đương 4 - 5 chuyến tàu mỗi ngày, phát ngôn viên của Bộ Phân bón Canada Kayla FitzPatrick cho biết. Bà cho biết sự gián đoạn sẽ khiến ngành công nghiệp tổn thất từ 55 - 63 triệu đô la Canada mỗi ngày, chưa bao gồm chi phí hậu cần và hoạt động.
Các nhà sản xuất thịt Canada cũng cảnh báo rằng việc ngừng hoạt động đường sắt sẽ dẫn đến thiệt hại hàng triệu đô la.
Hội đồng Thịt Canada và Hội đồng Thịt lợn Canada cho biết một số nhà máy chế biến dự kiến sẽ thiệt hại tới 3 triệu đô la Canada mỗi tuần và lưu ý rằng các cơ sở này sẽ buộc phải đóng cửa trong vòng 7 - 10 ngày kể từ khi đường sắt ngừng hoạt động. Khi đường sắt hoạt động trở lại, các nhà máy sẽ mất 2 – 5 tuần để trở lại công suất hoạt động bình thường.