Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc kiểm điểm sau sự cố môi trường do Formosa gây ra, đến nay, theo báo Dân trí dẫn lời ông Phạm Quang Đệ, Chánh thanh tra Sở Nội vụ thì mới có Sở TN-MT tiến hành họp kiểm điểm. Trong khi đó, theo chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh thì đến 15/8, các cá nhân, đơn vị phải tiến hành kiểm điểm xong.
Tờ báo dẫn lời ông Đệ cho hay phía Sở TN-MT Hà Tĩnh tổ chức kiểm điểm nhưng chỉ có một người là ông Đặng Bá Lục, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách. Các cá nhân còn lại chỉ xin rút kinh nghiệm.
Trong số những người xin rút kinh nghiệm có ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN-MT. Tại cuộc họp kiểm điểm tổ chức hôm 18/8, Sở Nội vụ đề nghị ông Đinh nghiêm túc kiểm điểm. Tuy nhiên ông Đinh lại nói là do hai phó giám đốc chưa nhận trách nhiệm nên để ông về suy nghĩ đã.
Phát ngôn của ông Đinh cho thấy sự giễu cợt, thách thức dư luận, coi thường nhân dân, bất chấp đạo lý và luật pháp. Thử hỏi một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng xảy ra như vậy mà 3 vị lãnh đạo chủ chốt của Sở TN-MT chỉ xin rút kinh nghiệm thì liệu có chấp nhận được không? Liệu pháp luật có để cho quan chức vô cảm, vô trách nhiệm cứ rút kinh nghiệm mãi trên nỗi đau, mất mát của nhân dân được không?
Hôm 11/7, phát biểu trước phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho hay, thực tế tại các nhà hàng ven biển đến nay không ai dám ăn hải sản. Không chỉ khách du lịch mà ngay cả dân sở tại họ vẫn chưa dám ăn, chưa dám tắm ở biển.
Còn theo ông Nguyễn Phú Quốc, Vụ phó Vụ khai thác, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) thì tàu cá dưới 30 CV, phần lớn đang nằm trên bờ dọc 4 tỉnh miền Trung. Việc thu mua sản phẩm đánh bắt được tại vùng biển 4 tỉnh này chủ yếu là các thương lái ở Khánh Hòa và phía Bắc đi vào. Nhìn chung việc khai thác hải sản tại 4 tỉnh vẫn còn ảm đạm.
Chừng ấy thôi đã cho thấy, thực trạng khốn khó của hàng vạn ngư dân hiện nay ở dọc vùng biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến TT-Huế. Cuộc sống người dân bị đảo lộn, khó khăn chồng chất. Hàng vạn người dân đã nhường hàng ngàn hecta đất cho Formosa xây dựng nhà máy, chút còn lại là ngư dân phải bám biển để sinh tồn. Ngay lúc này đây, khi câu hỏi “cá biển đã an toàn chưa, biển đã sạch chưa” vẫn đang bỏ ngỏ thì biết đến bao giờ biển mới hồi sinh cho ngư dân ra khơi kiếm con tôm, con cá?
Chỉ vì sự vô trách nhiệm của nhà đầu tư, sự thiếu quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng đã để cho sự cố môi trường gây nên thảm họa giết chết vùng biển ấy. Nỗi đau này, mất mát ấy bù đắp thế nào cho đủ?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện quyết tâm chỉ đạo xử lý nghiêm minh trách nhiệm đối với từng tập thể, cá nhân có liên quan đến sự cố môi trường này, bất kể người đó là ai.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh trong chỉ đạo các cơ quan tiến hành kiểm điểm đã khẳng định: các cá nhân, tổ chức tự nhận hình thức kỷ luật, đồng thời giao Sở Nội vụ đôn đốc, giám sát để việc kiểm điểm được tiến hành nghiêm túc, đúng pháp luật. Vậy mà, trong cuộc họp kiểm điểm của Sở TN-MT có sự chứng kiến của Sở Nội vụ mà ông Giám đốc Võ Tá Đinh nói như đùa rằng, do hai phó giám đốc chưa nhận trách nhiệm nên để về suy nghĩ cái đã.
Thưa ông Đinh, 5 tháng ròng rã thảm họa môi trường xảy ra, thiệt hại như thế, mất mát lớn lao thế, nhân dân đau đớn như thế, Chính phủ rốt ráo vào cuộc như thế mà ông vẫn chưa suy nghĩ được đủ đầy, cặn kẽ hay sao? Ông sẽ còn tiếp tục suy nghĩ đến bao giờ nữa?
Như thế, ông có vô cảm, vô trách nhiệm không, thưa ông?