| Hotline: 0983.970.780

Ưu tiên chế biến sâu, đưa chăn nuôi bước ra thế giới

Thứ Năm 27/07/2023 , 08:15 (GMT+7)

Hà Nội Phát biểu kết thúc hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy chăn nuôi lợn trong tình hình mới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các doanh nghiệp cần đầu tư chế biến sâu để đưa ngành chăn nuôi bước ra thế giới.

Hội nghị Triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới diễn ra vào sáng 27/7.

Hội nghị Triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới diễn ra vào sáng 27/7.

Sáng 27/7, Cục Chăn nuôi phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị Triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến dự và chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch, đại diện Cục Thú y, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; các địa phương có chăn nuôi lợn phát triển như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thanh Hoá, Nghệ An, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Phước, cùng các tổ chức, cá nhân, đơn vị liên quan.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trả lời báo chí bên lề hội nghị.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trả lời báo chí bên lề hội nghị.

Hội nghị sẽ được nghe phát biểu chỉ đạo, định hướng của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến; báo cáo thực trạng chăn nuôi lợn và giải pháp phát triển bền vững của Phó Cục trưởng Phạm Kim Đăng; tham luận về kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật, dự báo tình hình sản xuất và thị trường sản phẩm thịt lợn trong thời gian tới.

Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch sẽ điều hành phần đóng góp ý kiến của các địa phương.

Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch sẽ điều hành phần đóng góp ý kiến của các địa phương.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới.

Phần đóng góp ý kiến của các địa phương do Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch điều hành. Cùng với đó là ý kiến của một số doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi và những giải pháp căn cơ để từng bước xây dựng ngành hàng thịt lợn phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, chăn nuôi lợn là một trong những phương thức chính của người dân, đặc biệt là tại khu vực nông hộ nhỏ lẻ. Tuy nhiên, thời gian qua, chăn nuôi lợn gặp phải nhiều thách thức như giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chất lượng con giống phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, dịch bệnh cùng nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thăm trang trại của ông Nguyễn Văn Nhận, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thăm trang trại của ông Nguyễn Văn Nhận, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Hội nghị Triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới được kỳ vọng sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể, bền vững, có tính khả thi cao, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đã được Chính phủ phê duyệt.

Tất cảTổng thuật

11 giờ 30 phút

Ưu tiên chế biến sâu, đưa chăn nuôi bước ra thế giới

Nhập chú thích ảnh

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: "Các doanh nghiệp cần đầu tư chế biến sâu để đưa ngành chăn nuôi bước ra thế giới".

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành chăn nuôi phải bám sát 5 đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Cụ thể là phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý Nhà nước ngành chăn nuôi.

Đây là những đề án về giống, công nghiệp giống, thức ăn, môi trường, thiết bị chăn nuôi, chế biến, khoa học công nghệ và cũng là những căn cứ pháp lý quan trọng, xuyên suốt trong một thời gian dài. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu ngành thú y cần kiện toàn hệ thống theo Quyết định 414/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030.

Theo Thứ trưởng Tiến, cần tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ đối với thức ăn chăn nuôi; tăng cường hợp tác quốc tế; công tác khuyến nông và xây dựng cơ bản.

Các doanh nghiệp cần đầu tư chế biến sâu để đưa ngành chăn nuôi bước ra thế giới. Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, gắn với nhà máy chế biến, gắn với chuỗi để có vùng nguyên liệu xuất khẩu.

che bien sau

Dây chuyền sản xuất thịt lợn sạch tại Công ty cổ phần Thực phẩm Song Đạt (huyện Thanh Trì). Ảnh: Viết Thành/Hà Nội mới.

Thứ trưởng đề nghị ngành thú y cần tập trung giải pháp để phát triển đảm bảo nguồn cung thịt lợn trước trong và sau Tết Nguyên đán.

11 giờ 00 phút

Bình Phước: Hình thành chuỗi giá trị khép kín trong chăn nuôi

ong tran van phuong

Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, nêu một số khó khăn tỉnh gặp phải khi phát triển chăn nuôi.

Bình Phước là địa bàn trọng điểm về chăn nuôi lợn tại khu vực Đông Nam bộ. Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, tính đến tháng 6/2023, tỉnh có khoảng 2 triệu con, với sản lượng thịt xuất chuồng ước gần 250 nghìn tấn.

"Chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Bình Phước phát triển nhanh về số lượng, theo mô hình trang trại chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ cao, tự động hóa các khâu, chăn nuôi khép kín từ đầu vào đến đầu ra, tạo các chuỗi hoặc tham gia liên kết chuỗi sản phẩm”, ông Phương nói.

Bên cạnh thuận lợi, tỉnh gặp một số khó khăn như trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa chưa có quy định về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi; khó khăn trong báo cáo, kê khai hoạt động chăn nuôi tại khu vực nông hộ nhỏ lẻ.

Theo ông Phương, việc bãi bỏ Thông tư 04/2010/TT-BNNPTNT ngày 15/1/2010 khiến công tác quản lý môi trường chăn nuôi, quy định xử lý động vật chết không rõ nguyên nhân chưa rõ ràng.

Định hướng phát triển chăn nuôi thời gian tới, Phó Giám đốc Phương đặt mục tiêu đến năm 2025 tổng đàn chăn nuôi lợn trên 2,7 triệu con, đàn gia cầm trên 18 triệu con, đàn trâu, bò trên 60.000 con; Năm 2030 đàn heo trên 3,2 triệu con, đàn gia cầm trên 27 triệu con, đàn trâu bò trên 70.000 con.

“Thông qua việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi, tỉnh sẽ hình thành các chuỗi liên kết giá trị khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, trang trại chăn nuôi đến chế biến thực phẩm. Bình Phước phấn đấu trở thành trung tâm xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của cả nước”, ông Phương nói.

10 giờ 50 phút

Đắk Lắk : Không đánh đổi môi trường sống cho phát triển chăn nuôi

Nhập chú thích ảnh

Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục chăn nuôi tỉnh Đắk Lắk, cho biết chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết đang là xu hướng chủ đạo ở tỉnh.

Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục chăn nuôi tỉnh Đắk Lắk, cho biết tình hình sản xuất chăn nuôi cơ bản ổn định. Từ đầu năm nay, sản lượng thịt lợn hơi ước đạt hơn 125.000 tấn (51,2% kế hoạch cả năm). “Tỉnh Đắk Lắk tiếp cận chăn nuôi với quan điểm không đánh đổi môi trường sống cho phát triển. Một trong những lợi thế lớn của tỉnh là ngày càng có sự tham gia của doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng hệ thống pháp lý hoàn thiện”, ông Sơn nói.

Chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết đang là xu hướng chủ đạo ở Đắk Lắk. Có 8 công ty triển khai liên kết sản xuất gia công, hơn 100 trang trại quy mô lớn, vừa; tổng đàn lợn khoảng 300.000 con (chiếm 30% tổng đàn lợn toàn tỉnh). Khoảng hơn 40 dự án đã và đang làm thủ tục xin chủ trương đầu tư vào chăn nuôi lợn nái sinh sản.

Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm mùi hôi, ô nhiễm nước thải trong chăn nuôi lợn, đặc biệt là chăn nuôi trang trại đang là vấn đề nan giải. Đắk Lắk sẽ xây dựng công nghệ xử lý mùi hôi, chất thải rắn, nước thải trong quy trình sản xuất, đảm bảo tính khả thi với doanh nghiệp và người chăn nuôi.

lon nam 1

Đắk Lắk sẽ xây dựng công nghệ xử lý mùi hôi, chất thải rắn, nước thải trong quy trình sản xuất (Ảnh minh họa).

Đại diện Chi cục chăn nuôi tỉnh Đắk Lắk kêu gọi các địa phương chung tay thực hiện cam kết quốc tế của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP 26 về giảm lượng phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

10 giờ 40 phút

Cần giải pháp vĩ mô để ổn định giá thịt

Nhập chú thích ảnh

Ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An, kiến nghị ngành chăn nuôi sớm ban hành chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư và phát triển chăn nuôi bền vững.

Ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An cho biết, tỉnh có quy mô tổng đàn lợn xấp xỉ 1 triệu con. Tuy nhiên, chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là quy mô vừa và nhỏ và chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 60% tổng đàn, còn lại chăn nuôi trang trại khoảng 40% với các tập đoàn lớn như Masan, Darby, CP, Thành Đô...

Ngoài 438 trang trại chăn nuôi lợn hiện có, tỉnh đã và đang thu hút 19 dự án chăn nuôi lợn tập trung, công nghiệp của các doanh nghiệp lớn. Trong thời gian qua, tỉnh cũng đã xây dựng và phát triển nhiều chuỗi chăn nuôi lớn hiệu quả, ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời công tác thú y, đặc biệt là phòng chống bệnh trên đàn lợn.

Ông Học cho rằng, tình hình tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, giá bán giảm, giá nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và các loại vật tư khác tăng cao. Hầu hết các cơ sở rất hạn chế trong việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi lợn; vướng mắc trong thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, phê duyệt đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chưa có các cơ sở giết mổ công nghiệp, chế biến sâu...

Nhập chú thích ảnh

Các cơ sở giết mổ công nghiệp, chế biến sâu hiện vẫn còn thiếu (Ảnh minh họa).

Trước các khó khăn này, đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An kiến nghị ngành chăn nuôi sớm ban hành chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư và phát triển chăn nuôi bền vững; sửa đổi một số quy định về quy mô hỗ trợ xây dựng các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung; triển khai đồng bộ công tác quản lý giống vật nuôi trên phạm vi cả nước.

Ông Học cũng cho rằng cần có giải pháp vĩ mô để ổn định giá thịt lợn nói riêng và giá các sản phẩm chăn nuôi nói chung nhằm góp phần phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững trong thời gian tới.

10 giờ 00 phút

Thanh Hóa mời gọi nhà đầu tư xây dựng khu chăn nuôi quy mô lớn

ong hoang viet chon

Ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa, đề xuất 8 giải pháp phát triển chăn nuôi lợn.

Ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết, chăn nuôi luôn là mũi nhọn phát triển của tỉnh. Tốc độ phát triển những năm qua luôn đạt trên 3%. Với tổng đàn 1,3 triệu con, Thanh Hóa đứng tốp đầu cả nước về chăn nuôi lợn. Đặc biệt, tỉnh có 582 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, chiếm 45% tổng số đàn lợn. Đây là tỷ lệ cao so với trung bình cả nước (hiện khoảng 35%).

Bên cạnh phát triển nội lực, Thanh Hóa cũng thu hút được 31 dự án đầu tư chăn nuôi lợn, với quy mô hơn 90.000 lợn nái, hơn 1 triệu lợn thịt, cùng tổng mức đầu tư trên 17 nghìn tỉ đồng. Có những điểm khởi sắc, nhưng Thanh Hóa vẫn vấp phải những vấn đề chung của cả nước, như số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ còn khá lớn, chưa đẩy mạnh được liên kết theo chuỗi, tiêu thụ sản phẩm còn bấp bênh, phụ thuộc chặt chẽ vào thị trường.

Ông Chọn đề xuất 8 giải pháp phát triển chăn nuôi lợn, trong đó nhấn mạnh ưu tiên các dự án đầu tư theo trang trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý chất thải; các dự án đầu tư gắn với sơ chế, chế biến sản phẩm.

Hiện Tập Đoàn Xuân Thiện nghiên cứu, đầu tư vào dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao trên địa bàn Thanh Hóa. Doanh nghiệp đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án từ mô hình chăn nuôi lợn truyền thống sang phương án chăn nuôi lợn công nghệ cao trong nhà cao tầng. Vì là phương án chăn nuôi mới, chưa có các hướng dẫn cụ thể của Trung ương về các quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Sở NN-PTNT Thanh Hóa kiến nghị Bộ NN-PTNT quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn để địa phương triển khai theo quy định. Đại diện Sở NN-PTNT Thanh Hóa kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư về tỉnh để phát triển chăn nuôi quy mô lớn.

9 giờ 40 phút

Đề xuất sớm sửa đổi Luật Đất đai, phát triển chăn nuôi quy mô lớn

trang trại

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét đề xuất Chính phủ sớm sửa đổi Luật Đất đai, tạo hành lang pháp lý phát triển chăn nuôi quy mô lớn (Ảnh minh họa).

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, ông Tạ Văn Tường cho biết, thành phố có thuận lợi khi tới 58,6% là diện tích đất nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đang thu hẹp diện tích chăn nuôi, quy hoạch đất nông nghiệp nhiều còn hạn chế. Tỷ lệ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm trên 54% khiến nguy cơ dịch bệnh lớn. "Thời gian qua, chúng tôi phát hiện có những nơi mà người ta chăn nuôi lợn trong nhà tập thể 5 tầng. Hay là có những nơi, di chuyển lợn trong thang máy chung cư. Rất không an toàn".

Ông Tường đề nghị Bộ NN-PTNT nghiên cứu, xem xét đề xuất Chính phủ sớm sửa đổi Luật Đất đai, tạo hành lang pháp lý về tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển chăn nuôi quy mô lớn.

Đại diện Sở NN-PTNT Hà Nội cũng nhắc tới việc nghiên cứu các biện pháp xử lý tiêu hủy động vật nhiễm bệnh bằng công nghệ sinh học, vi sinh, phù hợp với xu hướng toàn cầu về chăn nuôi an toàn.

9 giờ 20 phút

Trung Quốc vẫn là thị trường có nhu cầu thịt lợn lớn nhất

ong le thanh hoa

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam, kiêm Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, phát biểu tại hội nghị.

“Dự báo, năm 2023, sản lượng thịt lợn thế giới đạt hơn 114 triệu tấn (tăng 0,3% so với năm 2022); có sự gia tăng sản lượng ở các thị trường Trung Quốc, Canada, Brazil và sụt giảm ở EU, Nhật Bản, Mexico, Philippines”, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam, kiêm Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết.

Đề cập cụ thể hơn, ông Hòa cho biết kiểm soát dịch bệnh là một trong những nguyên tắc cốt lõi trong xuất khẩu gia súc, gia cầm và cũng là nội dung được đưa vào đàm phán các Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định SPS giữa Việt Nam và các nước khác.

Trong đó, Trung Quốc là thị trường có nhu cầu thịt lợn lớn nhất, dự kiến tăng 1,1%, đạt 56 triệu tấn (48,8% toàn thế giới) cùng với nhu cầu nhập khẩu khoảng 2,3 triệu tấn (tăng 8%). Trong khi đó, EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất, sản lượng dự kiến 21,7 triệu tấn (giảm 2,8%); xuất khẩu đạt 3,7 triệu tấn (giảm 11,3%) và nhập khẩu ước đạt 100.000 tấn (giảm 17,4%). Lãnh đạo SPS Việt Nam cho biết nhu cầu từ Trung Quốc tăng mạnh đã mang lại lợi ích cho các nước xuất khẩu thịt lợn trên thế giới.

trung-quoc

Thịt lợn được bày bán tại một siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN.

Với tiềm năng lớn về thịt lợn, Việt Nam vẫn đang tìm kiếm hợp tác tại thị trường này. Việt Nam hiện có 67 nhà máy chế biến quy mô công nghiệp, sản phẩm giá trị gia tăng cao (đồ hộp, hun khói, xúc xích…) 15-20%, chế biến phụ phẩm sau giết mổ (nước xương, thức ăn chăn nuôi) đã được đầu tư. Tuy nhiên, quy mô chế biến chỉ ở mức 1,3 triệu tấn/năm (chiếm 20-22% sản lượng sản xuất).

Ông Hòa đề xuất, cần xác định rõ chính sách để tăng sản lượng, nâng cao chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn (phẩm cấp, hình thức, ATTP,…) các kênh phân phối, tiêu thụ; tổ chức liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, nhập khẩu và hệ thống bán lẻ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các khâu; tổ chức tốt hệ thống phân phối, rút ngắn các chuỗi cung ứng (từ sản xuất đến bán lẻ, giảm các khâu trung gian); kiểm soát thị trường hiệu quả, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế trong bán hàng trực tiếp và bán hàng online, phát huy hơn nữa vai trò các hiệp hội bán buôn, bán lẻ, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

9 giờ 00 phút

Cục Thú y: Dịch bệnh vẫn khiến nông hộ gặp khó khi tái đàn

pho cuc truong cuc thu y phan quang minh

Phó Cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh nhấn mạnh đến 3 công tác thú y chính để phát triển chăn nuôi lợn theo hướng bền vững.

Để phát triển chăn nuôi lợn theo hướng bền vững, Phó Cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh nhấn mạnh đến 3 công tác thú y chính. Đó là: phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ và kiểm dịch động vật.

Với chăn nuôi lợn, nguy hiểm nhất hiện nay vẫn là Dịch tả lợn châu Phi. Lần đầu xuất hiện tại Việt Nam vào đầu năm 2019, dịch bệnh gây thiệt hại năm đó lên tới hơn 13.200 tỉ đồng. Đến nay, dịch bệnh vẫn khiến nhiều nông hộ gặp khó khăn trong việc tái đàn.

Tuy nhiên, vào tháng 6/2022, Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất thành công vacxin phòng Dịch tả lợn châu Phi, do công ty Navetco phát triển. Đến tháng 7/2023, thêm một loại vacxin nữa, của công ty AVAC, được đưa vào sử dụng. Đây được xem là lá chắn thép để ngăn chặn dịch bệnh từng khiến Việt Nam tiêu hủy hơn 6 triệu con lợn.

Một số loại bệnh khác phổ biến trên lợn như lở mồm long móng, tai xanh… hiện đều có vacxin phòng bệnh. Muốn phòng chống dịch bệnh hiệu quả, ông Minh cho rằng cần xây dựng những vùng an toàn dịch bệnh. Cục Thú y đã tổ chức 4 hội nghị liên quan, và tiếp tục thành lập nhiều đoàn công tác đến các địa phương để phối hợp, hướng dẫn, giám sát, đôn đốc phòng, chống dịch bệnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, 130 cơ sở an toàn dịch bệnh cho lợn được xây dựng. Đồng thời, Cục Thú y tham mưu cho Bộ NN-PTNT triển khai xây dựng vùng an toàn đối với bệnh lở mồm long móng để phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc.

Về kiểm soát giết mổ, Phó Cục trưởng Thú y thông tin, cả nước hiện có gần 250 cơ sở giết mổ lợn tập trung nhưng có tới hơn 17.600 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Hệ quả, số lợn được kiểm soát giết mổ tại cơ sở nhỏ lẻ lên tới 8,6 triệu con năm 2022, tương đương 75% số lợn giết mổ tại các cơ sở tập trung (khoảng 11,5 triệu con).

ttxvndan-lon

Các nông hộ cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để tái đàn lợn. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.

Về kiểm dịch, Cục đã tham mưu và kiểm soát chặt chẽ cả khâu vận chuyển trong nước, lợn giống nhập khẩu, lẫn hoạt động xuất khẩu lợn sang một số thị trường như Hồng Kông. Từ giờ đến cuối năm 2023, Cục Thú y cam kết theo dõi sát tình hình dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời xây dựng bản đồ dịch tễ của các bệnh nguy hiểm trên lợn và tăng cường năng lực xét nghiệm bệnh trên lợn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Các nước quyết tâm một, ta quyết tâm bằng mười

Chia sẻ thêm về giải pháp phát triển chăn nuôi lợn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng cần tổ chức, xây dựng và nâng cao năng lực ngành thú y.

Hiện một số tỉnh, thành phố chưa quan tâm đúng mức đến hệ thống thú y, khiến một số địa phương bị tan rã hệ thống. Điều này khiến việc chỉ đạo theo ngành dọc, từ Bộ NN-PTNT xuống Cục Chăn nuôi và Chi cục địa phương nhiều thời điểm chưa thông suốt, nhất là khi cần phản ứng nhanh, sử dụng các biện pháp khẩn cấp về phòng chống dịch bệnh.

Lấy ví dụ về Dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng cho biết, ngay khi nổ ra, Bộ NN-PTNT đã kiểm soát chặt chẽ trên cả 3 khâu: quản lý giết mổ, quản lý kiểm dịch và đặc biệt là quản lý vacxin. Vào thời điểm 2019, chưa quốc gia nào trên thế giới sản xuất được vacxin này. Nhưng bằng quyết tâm của toàn hệ thống, sự hỗ trợ của quốc tế trong đó có Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Việt Nam đã trở thành nước đầu tiên sản xuất thành công vacxin thương mại Dịch tả lợn châu Phi.

Việt Nam đang đàm phán, xuất khẩu vacxin ra một số thị trường như Philippines và các quốc gia châu Phi. “Cái gì mà các nước chưa làm được thì chúng ta quyết làm bằng được. Họ quyết tâm một, thì chúng ta quyết tâm bằng năm, bằng mười. Bằng mọi giá, chúng ta phải xây dựng, củng cố được năng lực thú y, thông qua vacxin, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh… để phát triển đàn lợn bền vững”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

8 giờ 50 phút

Chăn nuôi nhỏ lẻ muốn đứng vững buộc phải liên kết

ong pham kim dang

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Phạm Kim Đăng: Muốn đứng vững độc lập thì các hộ chăn nuôi buộc phải chăn nuôi chuyên nghiệp hoặc chăn nuôi con đặc sản, quý hiếm có giá trị cao, chăn nuôi hữu cơ, sinh thái gắn với dụ lịch.

Ngành chăn nuôi nửa đầu năm nay đang gặp nhiều thách thức. Cụ thể là chiến sự giữa Nga - Ukraine kéo dài, lạm phát toàn cầu cao, nhiều nền kinh tế lớn gặp khó khăn. Các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và EU cũng bị ảnh hưởng. Dự báo tổng đàn lợn thế giới cuối năm 2023 đạt khoảng 770 triệu con (giảm 2% so với cùng kỳ 2022).

Theo Phó Cục trưởng Phạm Kim Đăng, xu hướng tất yếu của chăn nuôi lợn hiện nay là chuyển từ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ (nông hộ) sang chăn nuôi trang trại và chăn nuôi trang trại kết hợp với liên kết HTX, tổ hợp tác (liên kết ngang), liên kết giữa các khâu và liên kết theo chuỗi khép kín (liên kết dọc) trong đó doanh nghiệp là trung tâm. Do đó số lượng hộ chăn nuôi lợn có quy mô nhỏ giảm dần theo các năm do quy mô nhỏ không cạnh tranh được về giá thành, chất lượng, an toàn thực phẩm.

Trước xu hướng đó, phải khẳng định chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ không bị mất đi hoàn toàn, vì đó là sinh kế của hàng triệu hộ chăn nuôi được hình thành bao đời nay. Tuy nhiên, nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ muốn đứng vững buộc phải liên kết với nhau nhằm tăng sức mạnh để trở thành thành viên của tổ nhóm, HTX, hoặc liên kết với doanh nghiệp. Còn muốn đứng vững độc lập thì các hộ chăn nuôi buộc phải chăn nuôi chuyên nghiệp hoặc chăn nuôi con đặc sản, quý hiếm có giá trị cao, chăn nuôi hữu cơ, sinh thái gắn với dụ lịch.

Theo Cục Chăn nuôi, chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, phấn đấu tổng đàn lợn thường xuyên 30 triệu, trong đó đàn nái khoảng 2,5 triệu con; thịt xẻ khoảng 6 triệu tấn (thịt lợn chiếm khoảng 60%); xuất khẩu được từ 15-20% sản lượng thịt lợn…

Một số giải pháp chung sắp tới sẽ được áp dụng toàn diện tại các địa phương, đảm bảo đạt mục tiêu của Bộ NN-PTNT, đặc biệt tiếp cận xu hướng toàn cầu và thâm nhập thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh công tác chăn nuôi lợn an toàn sinh học; tiếp tục kiểm soát dịch bệnh; xây dựng chuỗi liên kết; quản lý giống lợn hiệu quả; phát triển các giống bản địa, đặc hữu; kiểm soát môi trường; áp dụng các công nghệ cao.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Đừng sợ, ra biển khắc biết bơi

“Trong lĩnh vực xuất khẩu các doanh nghiệp phải đi tiên phong. Xây dựng một ngành chăn nuôi tương đối tự chủ, cần phải giải quyết cả vấn đề thức ăn chăn nuôi. Năng suất ngô của cả nước chừng 4 triệu tấn, không thể nhập ngô, nhập đậu tương mãi được. Chúng ta phải có giải pháp”.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp khẳng định cần có định hướng lâu dài, tránh tình trạng “ăn đong”, nhất là trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi quyết định tới gần 70% giá thành. Ngoài yếu tố giống, quyết định năng suất, chất lượng, còn cần chú ý chế biến sâu.

Xu hướng công nghệ cao trong chăn nuôi là tất yếu. Trong khi đó, tiềm năng của ngành chăn nuôi là rất lớn.

8 giờ 40 phút

Tín hiệu vui với nông dân và ngành nông nghiệp

Nhập chú thích ảnh

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: “Thành quả cụ thể cho nỗ lực của tất cả chúng ta là giá các loại sản phẩm chăn nuôi, nhất là thịt lợn hơi đã tăng trở lại”.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, sau thời gian dài giá bán thấp hơn giá thành, giá thịt lợn tăng lên là tín hiệu vui với nông dân và ngành nông nghiệp.

Nửa đầu năm nay, tốc độ tăng GDP ngành nông nghiệp đạt hơn 3%. Trong đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Tuy nhiên, dịch bệnh có nhiều nguy cơ bùng phát, thậm chí các chủng virus cúm và dịch bệnh khác xâm nhiễm từ nước ngoài. Giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao, tình trạng nhập lậu sản phẩm chăn nuôi vẫn còn nhức nhối. Trong bối cảnh khó khăn đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết bản thân nông dân, các cơ quan liên quan, đã tích cực vào cuộc, tìm giải pháp, xử lý rốt ráo vấn đề.

“Thành quả cụ thể cho nỗ lực của tất cả chúng ta là giá các loại sản phẩm chăn nuôi, nhất là thịt lợn hơi đã tăng trở lại”, Thứ trưởng Tiến cho biết.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, đàn lợn ước tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2022, tổng sản lượng thịt lợn 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 2.000 tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Đàn gia cầm ước tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng thịt gia cầm 6 tháng đạt hơn 1.000 tấn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị ngành chăn nuôi cần chủ động trước những khó khăn trước diễn biến về dịch bệnh, luồng giá vật tư và giá thực phẩm dự kiến tăng trong 6 tháng cuối năm.

Ngành chăn nuôi sau nhiều năm trải qua giá thấp nhưng đã có bước chuyển mình tích cực trong bối cảnh khó khăn của lạm phát, lãi suất tăng, vật tư đầu vào, logistics, xung đột địa chính trị...

“Hội nghị đề ra giải pháp về giống, thức ăn, phương thức nuôi, giải quyết các vấn đề giết mổ, sơ chế, chế biến, nhu cầu thị trường để từng bước chỉ đạo sản xuất tương đối, giúp đảm bảo tăng trưởng và đóng góp của thịt lợn trong giỏ hàng hóa”, Thứ trưởng cho biết.

8 giờ 30 phút

Cục trưởng Cục Chăn nuôi: Chăn nuôi lợn của Việt Nam được xác định là ngành chủ lực

ong duong tat thang

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng hy vọng được nghe nhiều giải pháp, sáng kiến hay, có tính khả thi cao, nhằm thúc đẩy chăn nuôi lợn theo hướng bền vững.

Mở đầu hội nghị, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng giới thiệu tầm quan trọng của chăn nuôi lợn đối với khối chăn nuôi nói riêng, cũng như toàn ngành nông nghiệp nói chung.

Theo ông Thắng, diễn biến ngành chăn nuôi lợn của thế giới trong các tháng đầu năm 2023 cho thấy sản lượng giết mổ có dấu hiệu sụt giảm, tồn kho lợn vẫn còn nhiều. Tổng đàn lợn trên thế giới cuối năm 2023 ước đạt 769,7 triệu con (giảm 2% so với cùng kỳ năm trước) do nhu cầu tái đàn giảm dần và lượng tồn kho thời điểm đầu năm ở mức cao; sản lượng thịt lợn toàn cầu dự kiến đạt 114,8 triệu tấn, tăng 0,3% so với năm 2022.

Tại Việt Nam, ngành chăn nuôi đã đóng góp gần 27% GDP ngành nông nghiệp, sản phẩm của ngành chăn nuôi không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cho gần 100 triệu dân trong nước, khách du lịch quốc tế mà còn góp phần vào mục tiêu xuất khẩu. Với riêng chăn nuôi lợn, đây là phương thức chăn nuôi lâu đời, có ý nghĩa to lớn đối với nhóm các nông hộ nhỏ lẻ.

“Đây được xác định là ngành chủ lực, quan trọng đã và đang chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn. Ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi”, ông Thắng chia sẻ.

nuoi heo ben vung

Chăn nuôi lợn là phương thức chăn nuôi lâu đời, có ý nghĩa to lớn đối với nhóm các nông hộ nhỏ lẻ (Ảnh minh họa).

Hiện nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước (như Dabaco, Masan, Xuân Thiện, Tân Long, Thiên Thuận Trường, Mavin, Greenfeed, Trường Hải, Hòa Phát...) và các doanh nghiệp FDI (CP, Japfa Comfeed, New Hope, CJ, Sunjin, Emivest...) tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp, hiện đại, tiếp cận theo hướng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi khép kín. Riêng năm 2022, có 81 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với số vốn hơn 2,2 tỷ USD (chiếm hơn 12% tổng số vốn FDI đầu tư vào Việt Nam).

Qua hội nghị sáng 27/7, ông Thắng hy vọng được nghe nhiều giải pháp, sáng kiến hay, có tính khả thi cao, nhằm thúc đẩy chăn nuôi lợn theo hướng bền vững.

Xem thêm
350 công nhân ngộ độc ở Vĩnh Phúc: Thủ tướng yêu cầu làm rõ nguyên nhân để xử lý

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra, làm rõ nguyên nhân ngộ độc và có biện pháp xử lý theo đúng quy định.

Thủy lợi cho vùng đất khó [Bài 4]: Hồ nước đổi vận xã nghèo

Từ khi hồ thủy lợi Lái Bay đi vào hoạt động, đời sống, sản xuất của người dân xã Phổng Lái, Chiềng Pha (huyện Thuận Châu, Sơn La) đã thay da đổi thịt từng ngày.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Những bất thường trong mùa khô 2024 ở Cần Thơ

Là vùng có điều kiện sản xuất thuận lợi, nhưng trong mùa khô 2024, TP Cần Thơ ghi nhận những tác động đến sản xuất nông nghiệp, kênh rạch kiệt nước, sạt lở gia tăng.