| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ mở ra nhiều cơ hội mới với nông dân

Thứ Bảy 26/11/2022 , 19:38 (GMT+7)

Chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ triển khai ở Quảng Bình đang mang lại hiệu quả cao và mở ra nhiều cơ hội mới với nông dân.

11 (1)

Mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ đang được đánh giá cao tại Quảng Bình. Ảnh: TP.

Năm 2022, từ nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và thủy sản, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình (Sở NN-PTNT Quảng Bình) đã khẩn trương triển khai chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ cho các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Chi cục đã phối hợp với Phòng NN-PTNT các huyện; Phòng Kinh tế thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn thực hiện hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ cho các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình cho biết: “Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 15 cơ sở tham gia chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ với quy mô từ 20-115 con/cơ sở. Hiện, có 8 cơ sở chăn nuôi tại huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và TX. Ba Đồn đã nghiệm thu xác định hiệu qủa cao. Những mô hình còn lại sẽ nghiệm thu vào cuối tháng 11 năm nay”.

Quá trình triển khai các mô hình cho thấy, chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ có giá thành sản xuất thấp, chủ động được nguồn thức ăn tại địa phương, ít chịu ảnh hưởng của nguồn thức ăn công nghiệp., Chị Nguyễn Thị Tú Anh (thành phố Đồng Hới) tham gia mô hình cho hay: “Chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, đặc biệt giảm đến mức tối đa việc ô nhiễm môi trường, không sử dụng thuốc kháng sinh trong quá trình chăn nuôi nên tạo được nguồn thực phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm”. 

Bà Cao Thị Hải, Trưởng Phòng Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình cho biết thêm, chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ là hướng đi mới với giá thành sản xuất thấp, tạo ra được sản phẩm an toàn, chất lượng vừa giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường.  Do đó, thời gian tới, Chi cục sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn các cơ sở mở rộng thực hiện chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ.

Chúng tôi đến tham quan khu nuôi lợn theo hướng hữu cơ của gia đình chị Nguyễn Thị Tú Anh. Dù khu nuôi lợn nằm sát tường nhà nhưng không hề có mùi hôi và không thấy ruồi nhặng gì. Trong chuồng, 100 con lợn phổng phao sạch sẽ đang hếch mõm chờ ăn. Thấy người, đàn lợn không hề sợ mà cứ sán đến rất thân thiện.

Vào chuồng, chị Tú Anh dùng cuốc cào xới nền chuồng. Chị nói: “Dưới nền là lớp thảm gồm vỏ trấu, mạt cưa và bột men trộn lẫn. Cứ mỗi ngày thì xới một lần. Thảm này sẽ là nơi chứ các loại phân thải của đàn lợn và ủ không có mùi hôi gì. Sau khi bán lợn, thảm sẽ được thu dọn để làm phân bón rất tốt cho cây trồng. Khi nuôi lứa mới thì làm lại thảm nền theo công thức trên”.

22

Vấn đề xử lý môi trường khi nuôi lợn theo hướng hữu cơ khá đảm bảo, cho người nông dân yên tâm. Ảnh: TP.

Cũng theo chị Tú Anh, thức ăn cho lợn chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp như bột bắp, cám lợn được ủ với men theo tỷ lệ nhất định. Sau khi ủ trên 24 giờ là lấy cho lợn ăn. “Điều lợi cho người chăn nuôi là từ lúc thả giống đến lúc bán lợn thương phẩm không phải dội nước vệ sinh chuồng hay tắm cho lợn gì cả. Mấy anh thấy đó, lợn thả được 2 tháng rồi mà vẫn sạch, phổng phao và không hề có mùi hôi đặc trưng như lợn nuôi theo cách truyền thống”, chị Tú Anh nói thêm.

Trước đây, gia đình chị Tú Anh nuôi lợn theo kiểu truyền thống. Chuồng lợn làm cách xa nhà và chị xịt nước, làm vệ sinh thường xuyên nhưng vẫn rất nặng mùi. Những hôm ít gió, thay đổi thời tiết là mùi hôi nặng từ khu chuồng lợn như bao bọc lấy ngôi nhà của gia đình. “Xong lứa lợn này là tôi cải tạo tiếp chuồng nuôi cũ và đưa vào nuôi theo hướng hữu cơ luôn. Ngoài lợi nhuận thì môi trường sạch cho gia đình, hàng xóm là điều rất khó thì nay đã được gần như triệt để đó”, chị Tú Anh hồ hởi.

Gia đình ông Nguyễn Tấn Pháp (xã Hưng Thủy, huyện lệ Thủy), tham gia mô hình với tổng đàn 50 con. Sau 4 tháng nuôi, lợn đã được xuất bán. Ông Pháp cho hay, khối lượng thức ăn cho 1 con khoảng 237 kg trong cả chu kỳ nuôi. Tình hình sinh trưởng và phát triển: đàn lợn khoẻ mạnh, lông da bóng mượt, sinh trưởng, phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra và đã được tiêm phòng các loại vacxin (Tam liên, LMLM, Tai xanh) theo quy định.

Gia đình ông Pháp không tốn chi phí mua các loại thuốc kháng sinh để phòng và trị bệnh cho đàn lợn. Không tốn chi phí tiền điện nước để sử dụng tắm rữa cho lợn. “Dù nuôi lợn nhưnh trong chuồng, nhà không phát tán mùi hôi ra môi trường xung quanh do sử dụng đệm lót sinh học. Trong quá trình chăn nuôi thì hàng ngày quan sát, thực hiện xới xáo đệm lót và bổ sung men vi sinh để xử lý”, ông Pháp bọc bạch thêm.

Khi xuất chuồng, lợn có trọng lượng trung bình  khoảng 117 kg/con. “Gia đình bán vào tháng 10. Giá lợn hơi không cao, chỉ có 58 ngàn đồng/kg. Sau khi tính toán, trừ chi phí thì mỗi con lơnh lãi cùng được trên 1 triệu đồng. nếu giá lợn hơi tăng thì lãi cũng sẽ được tăng lên”, ông Pháp vui vẻ nói.

Xem thêm
Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.