| Hotline: 0983.970.780

Thức dậy thủy sản Bình Phước [Bài 1]: Thôi đánh bắt tận diệt

Thứ Năm 27/07/2023 , 09:24 (GMT+7)

Tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện, người dân xã Phước Minh đã phát triển mô hình nuôi cá lồng bè, tạo sự đổi thay nơi làng quê sông nước.

Làng bè giờ đã khác xưa…

Bình Phước, khi nhắc đến làng bè, nhiều người sẽ liên tưởng tới những khu dân cư đầy khó khăn của người di cư tự do từ Campuchia về và người dân ở đây thì thiếu thốn trăm bề, nhà tạm, đèn dầu, sống phụ thuộc sông nước...

Thế nhưng, đó là chuyện của nhiều năm trước. Diện mạo làng bè giờ đã thay đổi rất nhiều. Từ chỗ sống phụ thuộc vào con tôm, con cá dưới sông, đánh bắt theo lối tận diệt, những năm gần đây họ đã biết tính xa, trông rộng.

Dưới sự tác động của ngành chức năng, đặc biệt là Sở NN-PTNT, những phương tiện đánh bắt cá như kích điện, thuốc nổ hay vó, đáy, đú… đã giảm đi rất nhiều, thay vào đó là những bè nuôi cá thuận thiên được hình thành, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế bền vững.

Con đường dẫn vào khu vực nuôi cá lồng bè đã được cứng hóa, rộng thênh thang. Ảnh: Trần Trung.

Con đường dẫn vào khu vực nuôi cá lồng bè đã được cứng hóa, rộng thênh thang. Ảnh: Trần Trung.

Nằm trên lòng hồ thủy điện Cần Đơn, bến cá ông Sướng tên gọi khác là Bến Củi thuộc thôn Bù Tam, xã Phước Minh được xem nơi hội tụ của những người sống trên sông nước. Đến thăm ông Sướng những ngày này, những con đường nắng bụi mưa lầy đã được thay thế bằng đường nhựa hóa, bê tông hóa được san ủi thẳng tắp, những căn nhà khang trang còn thơm mùi sơn mới hiện diện khắp nơi.

Theo người dân địa phương, hầu hết dân nơi đây có nguồn gốc hồi hương từ Campuchia. Trước đây họ chủ yếu sống nhờ vào khai thác thủy sản ở lòng hồ. Những năm gần đây, nguồn tài nguyên này cũng dần cạn kiệt khiến cuộc sống của họ ngày một khốn khó. Thời gian qua, nhờ sự vận động, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, từ đánh bắt họ đã chủ động chuyển sang nuôi trồng các loại cá đặc sản tại địa phương, từ đó, đời sống ngày một nâng lên.

Diện mạo nhà bè đổi thay từng ngày. Ảnh: Trần Trung.

Diện mạo nhà bè đổi thay từng ngày. Ảnh: Trần Trung.

Là một trong những hộ đầu tiên chuyển đổi từ đánh bắt trên lòng hồ Cần Đơn sang nuôi trồng, ông Lê Văn Lũy ở thôn Bù Tam xã Phước Minh chia sẻ, trước đây ông cũng như nhiều người dân địa phương hành nghề đánh bắt cá để mưu sinh. Do khai thác quá mức, nguồn cá tự nhiên ngày càng ít đi, thu nhập không đáng là bao, nên hơn chục năm trước ông đã chuyển hướng sang nuôi cá diêu hồng trong lồng bè. Khi người nuôi cá diêu hồng ngày một nhiều, năm 2022 vừa qua, dưới sự hỗ trợ kỹ thuật và cá lăng giống (loại cá đặc sản của địa phương giá trị kinh tế cao) từ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tỉnh, ông mạnh dạn đầu tư hơn 10 lồng bè để nuôi cá lăng.

Theo ông Lũy, nhờ lợi thế dòng nước lưu thông liên tục đã cung cấp lượng oxi dồi dào, cá nuôi với mật độ cao vẫn phát triển tốt, chất lượng thịt cá chắc, ngon hơn. Thức ăn của cá lăng chủ yếu là cám và cá xay nhỏ. Khi cá lăng đủ lớn sẽ chuyển sang ăn thức ăn bằng cá con tạp có sẵn tại địa phương, người nuôi chỉ mất công chăm sóc và thức ăn ở giai đoạn đầu, càng về sau chi phí nuôi càng thấp.

“Cá lăng là loại cá giàu chất dinh dưỡng, thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng, giá thành không dưới 300.000 đồng/kg. Sau khi nuôi từ 1 - 2 năm, cá đạt trọng lượng từ 2 kg trở lên có thể xuất bán, với 10 lồng bè hiện tại, ước tính vụ  này đem lại lợi nhuận không dưới 200 triệu đồng”, ông Lũy phấn khởi nói.

Mô hình nuôi cá lăng dần thay thế các mô hình cá truyền thống góp phần cải thiện ổn định cuộc sống người dân. Ảnh: Trần Trung.

Mô hình nuôi cá lăng dần thay thế các mô hình cá truyền thống góp phần cải thiện ổn định cuộc sống người dân. Ảnh: Trần Trung.

Ngoài hộ ông Lũy, hiện làng cá Phước Minh quy tụ hơn 100 hộ chuyên nuôi cá lồng bè. Bên cạnh các loại cá truyền thống như diêu hồng, thời gian gần đây, nhiều bà con đã mạnh dạn chuyển sang nuôi cá lăng, từ đó đem lại thu nhập khá cho người dân nơi đây.

Đa dạng sản phẩm, nâng cao giá trị

Bên cạnh việc nuôi trồng, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, người dân làng bè còn biết tận dụng khí trời, biến các loài cá đặc sản thành các sản phẩm cá khô với chất lượng cao, bảo quản lâu, được thị trường ưa chuộng.

Người dân khu nhà bè phơi khô tích trữ đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị. Ảnh: Trần Trung.

Người dân khu nhà bè phơi khô tích trữ đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị. Ảnh: Trần Trung.

Là một trong những người tiên phong chế biến cá khô, anh Phạm Văn Sóng ở làng bè ấp Bù Tam, xã Phước Minh cho biết, do không có trang thiết bị chế biến cá tươi, trước đây, anh cũng như các hộ chủ yếu làm cá khô để trữ ăn dần và một ít mang ra chợ bán. Lúc đầu bán được ít, sau này người ăn thấy ngon nên đặt làm, thế là từ từ tăng dần số lượng. Hiện cá khô tại đây làm ra tới đâu đều được khách đặt cọc trước và mua hết đến đó.

“Bình quân 7 tấn cá tươi sẽ cho ra một tấn cá khô, Bình Phước nói chung, khu vực lòng hồ nói riêng có nền nhiệt cao, chỉ cần tẩm ướp gia vị theo yêu cầu khách hàng và phơi đủ nắng là đóng gói đem bán. Bình quân mỗi kg cá khô dao động từ 300.000 đến 500.000 đồng, cá biệt như cá chình sông có giá vài triệu đồng một kg, do cá rất ngon, khách đã ăn một lần đều muốn ăn tiếp nên cung luôn không đủ cầu”, anh Sóng chia sẻ.

Ông Đỗ Tấn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Minh cho biết thêm, ngoài làm khô, dân làng bè còn làm chả cá các loại. Những nghề thủ công này không những giúp cho các gia đình có thu nhập mà còn tác động trực tiếp đến đời sống của dân làng bè. Một khi các sản phẩm cá nuôi tiêu thụ tươi sống không hết thì đây là kênh chế biến, tiêu thụ giúp giảm khó khăn cho người nuôi cá bè.

“Ngoài ra, việc làm khô cá, làm chả cá đòi hỏi nhiều công lao động nên đã tạo thêm công ăn việc làm cho những lao động nhàn rỗi của làng bè”, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Minh chia sẻ.

Sau khi tham quan nhà bè, du khách còn mua các sản vật như cá khô tại địa phương về làm quà. Ảnh: Trần Trung.

Sau khi tham quan nhà bè, du khách còn mua các sản vật như cá khô tại địa phương về làm quà. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Nguyễn Tấn Phước - Phó phòng nghiệp vụ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bình Phước, hiện làng bè Phước Minh là điểm đến giải trí vào các ngày cuối tuần và ngày lễ. Do đó, nghề làm khô và chả cá cần được hướng dẫn và hỗ trợ để bảo đảm chất lượng. Trước mắt cần có sự hỗ trợ trong quản lý, hướng dẫn người dân chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp xây dựng thương hiệu thông qua bao bì và quảng bá.

“Để phát triển nghề nuôi cá lồng bè mạnh hơn nữa, hiện ngành nông nghiệp đang tập trung các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ cho các làng bè. Qua đó, tăng cường hỗ trợ phát triển nguồn lợi thủy sản, các mô hình tổ chức nuôi cá lồng bè theo hướng liên kết sản xuất từ khâu cung ứng con giống, nuôi thương phẩm đến thu mua, tiêu thụ sản phẩm, góp phần ổn định và cải thiện thu nhập cho ngư dân”, ông Nguyễn Tấn Phước nhấn mạnh.

Xem thêm
Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.